Cẩn thận viêm cân gan chân do đi bốt cao

Cẩn thận viêm cân gan chân do đi bốt cao
Bốt cao là đôi giày nhiều chị em lựa chọn, đặc biệt vào mùa thu đông. Những đôi bốt cao không chỉ giữ ấm cho đôi chân trong thời tiết lạnh hơn mà còn tạo thêm nét tinh tế cho mọi trang phục. Tuy nhiên bốt cao lại có thể gây hại cho sức khỏe của đôi chân.

1. Giày bốt cao, món đồ thời trang thu đông thời thượng

Có lẽ không có loại giày dép nào có lịch sử lâu đời và quyến rũ như bốt. Đôi bốt nguyên bản nặng và cao đến mắt cá chân để bảo vệ đôi chân khỏi điều kiện thời tiết và môi trường khắc nghiệt. Ngày nay, với sự ra đời của các vật liệu và kỹ thuật sản xuất mới bốt đã trở thành một món đồ thời trang phổ biến với nhiều màu sắc và kiểu dáng khác nhau. Từ bốt thấp đến bốt cao với các thiết kế sang trọng và thời thượng, giúp tạo điểm nhấn cho trang phục.

Bốt có thể phối hợp với nhiều loại trang phục khác nhau, từ quần jeans đến váy đầm. Phối giày bốt cao với quần jeans skinny hoặc quần legging sẽ tạo nên một diện mạo thời trang và quyến rũ. Kết hợp giày bốt cao với váy dài tạo nên một phong cách đẹp và ấm áp. Chính vì vậy, một đôi bốt cao đã trở thành món đồ không thể thiếu trong tủ đồ của nhiều người trong mùa thu đông.

Cẩn thận viêm cân gan chân do đi bốt cao- Ảnh 1.

Bốt cao là đôi giày thiết yếu của nhiều chị em,

Đọc thêm:

Ngạc nhiên với 7 lợi ích sức khoẻ của việc đi bộ lùi

Sở hữu đôi chân thon gọn với 5 bài tập thon đùi

2. Nguy cơ viêm cân gân bàn chân khi đi bốt cao

Mặc dù là món đồ thời thượng nhưng khi lựa chọn chị em cũng cần cân nhắc một số yếu tố để đảm bảo tính thời trang mà vẫn bảo vệ đôi chân. Giày bốt thường có đế hoặc gót cứng, cổ giày ôm chặt vào bắp chân có thể cản trở quá trình lưu thông máu, mang lâu ngày sẽ gây tổn thương cân gan chân. Tổn thương cân gan chân sẽ gây ra tình trạng viêm được gọi là viêm cân gan chân.

Cân gan bàn chân là một dải sợi chạy dọc theo lòng bàn chân, nối từ gót chân đến các ngón chân. Nó có chức năng nâng đỡ cung bàn chân, duy trì độ cong sinh lý của bàn chân, khiến bàn chân có độ nhún, làm giảm nhẹ lực đè ép lên bàn chân khi vận động.

Theo TS. BS Nguyễn Văn Học, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Viêm cân gan bàn chân là một căn bệnh rất phổ biến, thường ghi nhận ở tuổi trung niên nhưng cũng có thể gặp ở những người trẻ hơn do có thói quen đi giầy dép quá cứng như giày bốt cao, giày chật, dùng miếng lót giầy không phù hợp, người béo phì, người tập thể dục quá mức, các vận động viên…

Cẩn thận viêm cân gan chân do đi bốt cao- Ảnh 2.

Giày bốt cao tuy thời thượng nhưng có nguy cơ gây viêm cân gan chân.

Triệu chứng đặc biệt là có một vùng đau nhói ở mặt dưới xương gót nơi cân gan chân bám vào xương gót, làm cho người bệnh khó đi lại bằng chân trần trên nền cứng. Bệnh có đặc điểm là đau nhiều về sáng và giảm nhẹ trong ngày. Đau nhiều về sáng khi ngủ dậy, do bàn chân suốt đêm ở tư thế gấp về phía gan chân làm cho cân gan chân ngắn lại.

Trong những bước đi đầu tiên vào buổi sáng, cân căng duỗi ra gây đau. Khi cân bắt đầu bớt căng thì mức độ đau sẽ giảm, nhưng đau có thể trở lại sau khi vận động đi lại nhiều. Nhiều trường hợp người bệnh chỉ cần vận động đi lại một lát thì tự nhiên hết đau, cứ như là “bệnh giả vờ” vậy.

Viêm cân gan chân thường xuyên trong thời gian dài và chấn thương lặp đi lặp lại tại nơi cân bám vào xương gót tạo ra gai xương gót. Đó là một mẩu xương nhọn thường mọc ra từ phía dưới xương gót. Khoảng 70% số người viêm cân gan chân bị gai xương gót.

Tuy nhiên, kết quả chụp X-quang cho thấy 50% số người bị gai xương gót không hề có triệu chứng đau của viêm cân gan chân. Như vậy, gai xương gót không phải là nguyên nhân gây đau trong bệnh viêm cân gan chân. Gai xương gót cũng có khi gặp ở mặt sau xương gót, thường kết hợp với viêm gân gót.

Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách thì bệnh sẽ trở thành mạn tính, kéo dài dai dẳng nhiều tháng năm, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy điều quan trọng là phải điều trị sớm. Nếu điều trị sớm, cơn đau có thể được cải thiện bằng các phương pháp điều trị bảo tồn như điều trị bằng thuốc.

3. Bài tập hỗ trợ điều trị viêm can gân chân

Có thể thực hiện các bài tập này 2 hoặc 3 lần mỗi ngày.

Bài tập 1: Kéo giãn bắp chân

Đứng vịn hai tay vào tường. Duỗi thẳng đầu gối của chân bị ảnh hưởng và bước chân kia lên phía trước khuỵu đầu gối. Giữ hai chân vững trên mặt sàn sao cho có được cảm giác cơ từ gót chân và bắp chân của chân bị ảnh hưởng được kéo giãn. Giữ trong 10 giây. Lặp lại 2-3 lần.

Bài tập 2: Cán giãn cơ lòng bàn chân

Đặt một vật tròn, chẳng hạn như quả bóng chơi gold hoặc bóng tennis dưới bàn chân và lăn qua lại để cán giãn cơ. Có thể sử dụng con lăn chuyên dụng mua tại cửa hàng dụng cụ thể thao. Sử dụng các bước sau để cán giãn cơ lòng bàn chân: Ngồi trên ghế cao, lăn vật tròn dưới gan bàn chân trong khoảng 2 phút.

Bài tập 3: Kéo giãn cơ lòng bàn chân

Ngồi trên ghế, gác chân bị đau qua chân kia. Giữ bàn chân trong tay, kéo các ngón chân về phía ống chân để tạo lực căng ở gan bàn chân. Đặt bàn tay khác ở gan bàn chân để cảm nhận sự căng thẳng trong cơ. Giữ trong 10 giây, lặp lại 2-3 lần.

Cẩn thận viêm cân gan chân do đi bốt cao - Ảnh 4.

Ảnh: SKĐS

Bài tập 4:  Uốn chân

Co duỗi bàn chân làm tăng lưu lượng máu đến khu vực và làm giảm căng thẳng ở bắp chân, có thể giúp giảm đau. Bài tập này sử dụng dây thun co giãn, có thể mua từ các cửa hàng thể thao hoặc trên mạng. Thực hiện như sau: Ngồi trên sàn với hai chân duỗi thẳng. Vòng dây chun qua bàn chân, giữ hai đầu dây trong tay. Nhẹ nhàng kéo các ngón chân về phía người mình, kéo hết mức rồi từ từ trở về vị trí bắt đầu. Lặp lại 10 lần.

Bài tập 5: Nhặt khăn

Dùng ngón chân cuộn khăn tắm có thể kéo giãn cơ gan bàn chân và bắp chân. Nên thực hiện những động tác này trước khi đi bộ hoặc thực hiện bất kỳ công việc nào khác vào buổi sáng. Các bước thực hiện như sau: Ngồi trên ghế với hai bàn chân đặt trên sàn bằng phẳng với một chiếc khăn nhỏ (khăn bông, khăn tắm). Dùng ngón chân cuộn khăn về phía mình. Thư giãn chân và lặp lại 5 lần.

Bài tập 6: Gắp bi

Nhặt một hòn bi bằng ngón chân sẽ tác động kéo căng cơ chân. Các bước tập như sau: Ngồi trên ghế gấp đầu gối và bàn chân đặt trên sàn. Đặt khoảng 20 viên bi và một cái bát dưới chân. Dùng ngón chân nhặt một viên bi và đặt vào bát. Lặp lại 20 lần.

Các biện pháp khắc phục viêm can gân chân tại nhà khác

Khi cơn đau xuất hiện đầu tiên: Nghỉ ngơi, ít đi lại trong vài ngày. Chườm đá trong 20 phút mỗi lần để giảm viêm. Nén vùng bị đau bằng một bọc mềm để giảm sưng. Nâng cao chân bằng cách đặt chân lên một vài chiếc gối kể cả khi ngủ.

- Dùng thuốc chống viêm: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen, giúp giảm đau và viêm.

- Dùng giày có đệm lót: Khi đi lại giày được độn ở gót chân một miếng lót mềm, có độ cao vừa phải sẽ giúp hạn chế được những tổn thương vi thể gây viêm cân gan chân. Giày có đệm lót có thể đặc biệt hữu ích cho những người phải đi lại nhiều, đứng nhiều trong ngày.

- Massage: Tập trung xoa bóp gan bàn chân xung quanh khu vực bị đau. Một số người thấy nhẹ nhõm khi xoa bóp gan bàn chân bằng một chai nước đá.

4. Phương pháp chữa trị viêm can gân chân

Nếu các cơn đau kéo dài, tập các bài tập thư giãn cơ và biện pháp khắc phục tại nhà không đỡ, viêm cân gan chân cần phải được điều trị. Tuy nhiên, phẫu thuật hiếm khi cần thiết mà thường áp dụng các phương pháp điều trị như: vật lý trị liệu, tiêm cortisone, mang nẹp chỉnh hình, liệu pháp sốc sóng ngoại bào (EST), tác động cột sống hoặc châm cứu. Phẫu thuật được chỉ định khi điều trị nội khoa, bao gồm thuốc chống viêm và các phương pháp tập luyện, trên 12 tháng vẫn không cải thiện tình trạng đau. Các phương pháp phẫu thuật gồm: kéo dài cơ sinh đôi; giải phóng cân gan chân.

Để phòng ngừa viêm cân gan chân, bạn nên tránh những đôi bốt cao, đế cứng, bó, chật gây nhiều áp lực lên bàn chân. Nên chọn những đôi bốt đế mềm, thấp, vừa vặn với bàn chân vừa đảm bảo tính thời trang mà vẫn an toàn cho sức khỏe đôi chân.

Cũng cần lưu ý các thói quen đi đứng hàng ngày như: Tránh đi chân đất, đứng lâu, ngồi xổm, đi bộ đường xa, giảm cân nặng nếu thừa cân hoặc béo phì và thường xuyên tập thể dục thể thao hợp lý để tăng cường sự dẻo dai của bàn chân và cân gan chân.


Tác giả: SK