Palmar Erythema hay còn gọi là hội chứng ban đỏ lòng bàn tay, lòng bàn tay son là tình trạng làn da ở ngón tay và mô gò bàn tay (thường là gò ngón cái và ngón út) chuyển sang màu đỏ. Tùy thuộc vào nhiệt độ, lực tác dụng lên tay hay các tác động khác mà mức độ đỏ ở bàn tay sẽ khác nhau.
Ban đỏ lòng bàn tay có thể xuất hiện ở cả hai bên tay đối xứng nhau, khi ấn màu màu đỏ ở gò tay sẽ chuyển sang màu trắng và sau đó sẽ chuyển đỏ trở lại. Sờ da lòng bàn tay có cảm giá hơi ấm nhưng không ngứa hay đau. Trong một số trường hợp thì ban đỏ có thể lan tới đầu ngón tay và tận nền móng.
Trước tiên, lòng bàn tay của chúng ta có các mao mạch rất nhỏ, khi các mao mạch này giãn nở, bàn tay sẽ có màu đỏ hoặc nổi ban lốm đốm ở nhiều vị trí trong lòng bàn tay. Ban đỏ lòng bàn tay có thể tự xuất hiện (nguyên phát) hoặc xuất hiện sau một bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng hơn (thứ phát).
Minh họa hình ảnh lòng bàn tay son (Ảnh: ST)
Đọc thêm:
+ Chân tay dễ bị bầm tím do đâu? Da bị bầm tím thiếu chất gì?
+ Bị cứng khớp ngón tay: Cẩn thận bệnh lý nguy hiểm!
Lòng bàn tay son có thể liên quan tới yếu tố di truyền, do mang thai hoặc cũng có thể là ban đỏ lòng bàn tay vô căn (không rõ nguyên nhân). Trong đó, với nguyên nhân di truyền thì tình trạng này tương đối hiếm gặp, có thể xuất hiện ngay sau khi sinh hoặc phát triển dần dần sau đó.
Mang thai cũng là nguyên nhân phổ biến gây lòng bàn tay son. Theo WebMD, người ta ước tính có tới 2/3 phụ nữ mang thai có thể gặp phải tình trạng này do có những thay đổi ở mạch máu liên quan tới sự gia tăng sản xuất hormon estrogen trong thai kỳ. Tuy vậy, hiện tượng này chỉ mang tính tạm thời và sẽ biến mất ngay sau khi sinh em bé.
Ngoài nguyên nhân nguyên phát như di truyền hay mang thai thì lòng bàn tay son cũng có thể là kết quả của một bệnh lý tiềm ẩn hoặc tác động của môi trường, tác dụng phụ của các loại thuốc đang sử dụng. Cụ thể:
+ Bàn tay bệnh gan: Ban đỏ lòng bàn tay có liên quan tới một số triệu chứng bệnh gan, trong đó có khoảng 23% người mắc bệnh xơ gan có hội chứng lòng bàn tay son này. Xơ gan được hiểu là tình trạng gan bị xơ hóa thành sẹo nghiêm trọng và mô gan khỏe mạnh bị thay thế bằng các mô sẹo trong quá trình gan tự phục hồi.
Ngoài xơ gan, lòng bàn tay son có thể bao gồm các bệnh gan hiếm gặp như bệnh Wilson, một rối loạn di truyền trong đó lượng đồng tích tụ quá nhiều trong cơ thể, và bệnh thừa sắt di truyền trong đó cơ thể hấp thụ quá nhiều sắt từ thực phẩm bạn ăn.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc bệnh gan ít có khả năng bị ban đỏ lòng bàn tay hơn so với thanh thiếu niên và người lớn.
Dấu hiệu bệnh gan phổ biến khác bao gồm vàng da, vàng lòng trắng mắt, chướng bụng, căng tức vùng hạ sườn phải, mệt mỏi, chán ăn, sút cân, hơi thở có mùi trứng thối,...
+ Viêm khớp dạng thấp: Đây là một bệnh tự miễn phổ biến đặc trưng bởi các triệu chứng viêm khớp dạng thấp nhưng sưng đau các khớp cơ thể, trong đó có sưng đau khớp ngón tay. Theo WebMD thì người mắc viêm khớp dạng thấp cũng có nguy cơ bị ban đỏ lòng bàn tay cao hơn so với các bệnh nội khoa khác.
Ngoài lòng bàn tay son thì bệnh viêm khớp dạng thấp cũng có thể có các dấu hiệu như đau sưng khớp, nóng khớp, cứng khớp khiến phạm vi chuyển động của ngón tay và bàn tay giảm; khó khăn trong việc gập hoặc duỗi thẳng các khớp ngón tay.
+ Tiểu đường: Hội chứng bàn tay ở người bệnh tiểu đường do tổn thương thần kinh ngoại biên có thể gây ngứa, châm chích râm ran ở ngón tay và bàn tay. Bên cạnh đó, do lưu lượng máu tới bàn tay bị giảm nên cũng có thể gây ra ban đỏ lòng bàn tay. Theo WebMD ước tính có 4,1% người mắc bệnh tiểu đường type 1 và type 2 bị ban đỏ lòng bàn tay.
+ Bệnh tuyến giáp: Như đã nói, lòng bàn tay son được giả thiết có thể liên quan tới sự thay đổi hormon trong cơ thể. Bệnh tuyến giáp có thể khiến hormon tuyến giáp tăng hoặc giảm (còn gọi là cường giáp, suy giảm) khiến tuần hoàn máu kém gây đỏ và nóng bừng ở lòng bàn tay.
+ Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ban đỏ lòng bàn tay. Ví dụ, dùng topiramate để điều trị bệnh tâm thần phân liệt hoang tưởng. Trong một trường hợp hiếm gặp, phụ nữ mang thai được chỉ định dùng albuterol để ngăn ngừa chuyển dạ sớm cũng báo cáo bị ban đỏ lòng bàn tay. Các loại thuốc khác có thể liên quan đến tình trạng lòng bàn tay son bao gồm amiodarone, gemfibrozil và cholestyramine. Điều quan trọng là nói chuyện với bác sĩ về các tác dụng phụ có thể gặp khi uống thuốc và dấu hiệu bất thường.
+ Nguyên nhân môi trường: Hút thuốc, người nghiện rượu hoặc các trường hợp bị ngộ độc thủy ngân cũng có thể dẫn tới ban đỏ lòng bàn tay.
+ Hội chứng Raynaud: Là tình trạng bệnh lý co thắt các mạch máu ngoại vi khi gặp lạnh hoặc các tình huống căng thẳng, khiến máu lưu thông tới mô và tế bào bị giảm. Khi các mạch máu co thắt lại có thể gây ra hiện tượng sưng đỏ lòng bàn tay, bàn chân kèm theo cảm giác tê, dị cảm hay đau nhức Về sau khi tuần hoàn lưu thông trở lại các ngón sẽ khôi phục lại màu sắc như bình thường kèm theo cảm giác nóng rát.
Các nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân có thể dẫn tới hiện tượng lòng bàn tay son kể trên thì các nguyên nhân khác có thể bao gồm:
+ Các bệnh về da: Viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, bệnh chàm, bệnh vẩy nến.
+ Nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn, chẳng hạn COVID-19, sốt phát ban miền núi Rocky Moutain, bệnh do nhiễm virus coxsackie (virus gây ra một số hội chứng trên lâm sàng như: viêm màng não vô khuẩn, bệnh cúm mùa hè, bệnh tay chân miệng, viêm màng ngoài tim, đái tháo đường,...).
+ Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
+ Khối u não ác tính hoặc ung thư não di căn.
Khi nào ban đỏ lòng bàn tay cần thăm khám bác sĩ? Ảnh: ST
Điều trị ban đỏ lòng bàn tay cần phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng lòng bàn tay son là bệnh gì. Quan trọng nhất là cần thăm khám sớm khi bản thân có sẵn các bệnh mãn tính như viêm khớp dạng thấp, phổi tắc nghẽn mãn tính, tiểu đường,... hay các cơn đau nhức cơ thể và đau đầu nghiêm trọng, tê liệt hoặc yếu cơ, râm ran châm chích ở lòng bàn tay, mất cảm giác bàn tay, sưng đau khớp bàn tay nghiêm trọng và ảnh hưởng tới các sinh hoạt hàng ngày để kiểm tra sớm tại các cơ sở y tế.
Mặc dù lòng bàn tay son có thể dễ dàng thăm khám nhưng để chắc chắn hơn bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, kiểm tra đường huyết, đánh giá chức năng gan, đánh giá chức năng tuyến giáp, đo nitơ ure máu, kiểm tra nồng độ creatinin hay nồng độ sắt, đồng trong máu; chụp MRI não; chụp CT bụng, ngực, xương chậu; sinh thiết thủy xương;...
Nhìn chung, các triệu chứng ở bàn tay có thể cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có lòng bàn tay son. Khi có những bất thường ở bàn tay cần thăm khám sớm để được điều trị phù hợp. Tuyệt đối không được tự ý uống thuốc hoặc đắp lá nam mà không có chỉ định của bác sĩ.
Nguồn dịch tham khảo:
1. What Is Palmar Erythema? (Very Well Health)
2. What Is Palmar Erythema? (Healthline)
3. What Is Palmar Erythema? (WebMD)