Cần làm gì nếu bị sốt sau khi tiêm vắc xin quai bị?

Cần làm gì nếu bị sốt sau khi tiêm vắc xin quai bị?
Trong hầu hết trường hợp, vắc xin quai bị không gây ra các tác dụng phụ. Nếu có thì chúng thường rất nhẹ như sốt hoặc phát ban. Vậy cần làm gì nếu trẻ bị sốt sau khi tiêm vắc xin quai bị?

1. Tiêm phòng quai bị có sốt không?

Hiện nay có 2 loại vắc xin quai bị phổ biến nhất là MMR và MMRV. Sốt có thể là một trong những tác dụng phụ của 2 loại vắc xin này. Thông thường, trẻ có thể bị sốt sau khi tiêm vắc xin quai bị liều đầu tiên. Ở liều thứ 2, phản ứng sốt ít xảy ra hơn, triệu chứng cũng nhẹ nhàng hơn.

1.1. Vaccine quai bị MMR

Trong khoảng 6 đến 23 ngày sau khi chủng ngừa bằng vắc xin MMR thì có khoảng 5% trẻ em bị khó chịu và sốt. Trẻ có thể sốt có hoặc không có phát ban. Triệu chứng sốt thường kéo dài 3 ngày. Theo thống kê cho thấy:

- Có trên 10% số người tiêm vắc xin MMR bị đau, đỏ tại chỗ tiêm và sốt dưới 39°C.

- Có dưới 10% số người tiêm vắc xin MMR bị sưng tấy tại chỗ tiêm và sốt trên 39°C kèm theo phát ban giống sởi, giống rubella hoặc giống thủy đậu.

Cần làm gì nếu bị sốt sau khi tiêm vắc xin quai bị? - Ảnh 2.

Trong đa số trường hợp, sốt sau khi tiêm vắc xin quai bị MMR khá nhẹ nhàng và không có gì đáng lo ngại. (Ảnh Internet)

1.2. Tiêm vaccine MMRV bị sốt

- Có khoảng 10% số người tiêm vắc xin MMRV sẽ bị đau, đỏ chỗ tiêm và sốt dưới 39 độ C.

- Có từ 1% đến dưới 10% số người tiêm vắc xin MMRV bị sưng tấy tại chỗ tiêm, sốt cao hơn 39 độ C đi kèm với phát ban. Triệu chứng phát ban có thể giống với sởi, rubella hoặc thủy đậu.

Lưu ý, phát ban dạng thủy đậu có thể xảy ra trong vòng 2 tuần sau khi tiêm vắc xin MMRV. Nhưng nó cũng có thể là phát ban do vi-rút loại hoang dại (vi-rút thủy đậu lưu hành trong cộng đồng) gây ra. Do đó, bác sĩ nên lấy bệnh phẩm từ người tiêm vắc xin MMRV để xác định xem phát ban là do nhiễm bệnh thủy đậu tự nhiên, hay là do chủng vi rút có nguồn gốc từ vắc xin.

Khác với sốt sau khi tiêm vắc xin MMR, sốt sau khi tiêm vắc xin MMRV có xu hướng nghiêm trọng hơn. Đối với trẻ từ 12 đến 23 tháng tuổi, trong vòng 7 đến 10 ngày sau khi tiêm liều MMRV đầu tiên, trẻ có nguy cơ bị sốt cao và co giật. Các nhà khoa học nhận thấy rằng cách tiêm chủng quai bị MMR+V ít có nguy cơ bị sốt và co giật hơn loại kết hợp MMRV. Vì vậy, phụ huynh của trẻ có thể chọn phương pháp MMR+V để giảm thiểu nguy cơ sốt sau khi thực hiện tiêm vắc xin quai bị.

Cần làm gì nếu bị sốt sau khi tiêm vắc xin quai bị? - Ảnh 2.

Phản ứng sốt sau khi tiêm vắc xin quai bị MMRV thường nghiêm trọng hơn so với vắc xin MMR. (Ảnh Internet)

2. Cần làm gì nếu trẻ bị sốt sau khi tiêm vắc xin quai bị?

Sốt sau khi tiêm vắc xin quai bị là phản ứng bình thường cơ thể, cho biết hệ miễn dịch đang đáp ứng với vắc xin. Nếu trẻ sốt dưới 39 độ C, không co giật, tỉnh táo và ăn uống được thì bố mẹ không nên quá lo lắng. Triệu chứng sốt sẽ tự hết sau 1 - 3 ngày. Trong thời gian này, bố mẹ cần chú ý:

- Cặp nhiệt kế, theo dõi nhiệt độ của bé thường xuyên để xử lý kịp thời nếu trẻ sốt cao, sốt kéo dài không hạ.

- Không tự ý sử dụng thuốc hạ sốt. Nếu muốn dùng thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ.

- Hạ sốt vật lý bằng cách dùng khăn ấm chườm và lau người cho bé. Đặc biệt ở các vùng như trán, chân, tay, nách và bẹn.

- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi.

- Giữ nhà cửa, phòng ốc của bé thông thoáng, sạch sẽ.

- Cho trẻ uống nhiều nước. Ăn uống thanh đạm nhưng đủ chất dinh dưỡng. Ưu tiên các thực phẩm mềm và lỏng.

Trong trường hợp trẻ bị co giật do sốt trong vòng 30 ngày sau khi tiêm vắc xin MMR hoặc vắc xin MMRV thì cần đến ngay các cơ sở y tế giúp kịp thời bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Nguồn tham khảo: https://www.canada.ca/en/public-health/services/publications/healthy-living/canadian-immunization-guide-part-4-active-vaccines/page-14-mumps-vaccine.html


Tác giả: Mai Nhung