Cần làm gì khi bị sưng nướu răng và nổi hạch?

Cần làm gì khi bị sưng nướu răng và nổi hạch?
Sưng nướu răng và nổi hạch không chỉ làm bạn đau đớn, khó chịu mà còn khó khăn khi vệ sinh. Đây là hai biểu hiện rất dễ gặp phải khi bạn đang có các vấn đề về răng miệng. Vậy nguyên nhân là gì? Cần làm gì khi bị sưng nướu răng và nổi hạch?

1. Nguyên nhân gây sưng nướu và nổi hạch

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng sưng nướu và nổi hạch. Nó có thể là do các mảng bám, vi khuẩn tích tụ gây ra tình trạng viêm nhiễm, tấy đỏ, sưng và nổi hạch. Tuy nhiên, tổn thương nướu răng dẫn đến sưng có thể là do phản ứng với các dị tật hay bệnh lý nguy hiểm bạn cần phải lưu ý.

1.1. Viêm nướu răng

Viêm nướu răng có thể do vi khuẩn tích tụ xung quanh răng do răng miệng chưa được vệ sinh kỹ hay vệ sinh đúng cách. Sự tích tụ của mảng bám vi khuẩn tạo thành một màng tích tụ sinh học tự nhiên trên răng, bám vào bề mặt răng, cứng lại và tạo thành vôi răng hay cao răng, gần nướu chân răng. Nó có thể kích hoạt các phản ứng miễn dịch dẫn đến phá huỷ nướu hoặc mô răng.

Chế độ ăn uống chưa lành mạnh cũng tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển và gây ra tình trạng viêm nhiễm các mô nướu.

Cần làm gì khi bị sưng nướu răng và nổi hạch? - Ảnh 1.

Sưng nướu răng và nổi hạch có thể là do phản ứng với các dị tật hay bệnh lý nguy hiểm (Nguồn: Internet)


Khi bị viêm nướu thì nướu của bạn sẽ bị kích ứng, sưng lên và tấy đỏ, thậm chí gây ra tình trạng chảy máu chân răng.

1.2. Bệnh nha chu

Nha chu là một tình trạng của bệnh viêm nướu khi diễn biến trở nên phức tạp và theo chiều hướng xấu đi. Tình trạng này kéo dài làm tổn thương mô và xương nâng đỡ răng thậm chí là bị nhiễm trùng.

Khi bị viêm nha chu, răng của bạn có thể bị lung lay và có thể gây ra mùi hôi miệng, thay đổi các khớp răng khi cắn, nướu đỏ, sưng và nổi hạch.

1.3. Viêm tủy răng

Viêm tủy răng là một tình trạng bệnh được gây ra bởi các hiện tượng như sâu răng, sang chấn, răng bị nhiễm độc (có thể là thuỷ ngân hay chì). 

Viêm tủy răng sẽ kèm theo các triệu chứng khác hay gặp phải như đau răng, chân răng bị lung lay, nướu bị sưng, tấy đỏ và nổi hạch. Những điều này sẽ khiến bạn gặp trở ngại rất nhiều khi ăn uống, nhai nuốt sinh hoạt hằng ngày. 

Nếu không kịp thời đi chữa trị, lấy tủy răng thì bạn có thể phải đối mặt với nhiều hệ lụy không tốt khác như thoái hoá, gãy, hỏng răng, chân răng.

Đọc thêm:

 - Lưỡi bị trắng do đâu? Gợi ý 7 cách làm sạch lưỡi bị trắng hiệu quả

Tổng quan về bệnh ung thư nướu răng và cách phòng tránh, điều trị hiệu quả 

1.4. Mọc răng khôn

Răng khôn là răng mọc cuối cùng của hàm, thường mọc ở những người có độ tuổi từ 17-25. Những người trong độ tuổi này dễ gặp tình trạng sưng nướu hơn. Do mọc cuối cùng nên răng khôn không còn đủ chỗ trên hàm nên thường mọc chen lấn, xô đẩy, mọc ngược về phía xương hàm hay mọc ngầm.

Sự tích tụ thức ăn và vi khuẩn ở răng khôn sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm vùng lợi xung quanh, dẫn đến các triệu chứng như đau, sưng, sốt, hôi miệng, cứng hay hay nổi hạch. Nguy hiểm hơn có thể dẫn đến viêm răng, áp xe răng hay hoại tử răng.

1.5. Sâu răng

Sâu răng là một tình trạng răng bị tổn thương, mất mô cứng. Đây là kết quả của quá trình hủy khoáng bởi vi khuẩn ở mảng bám trên răng và hình thành các lỗ nhỏ li ti trên răng.

Sâu răng thường xảy ra phổ biến ở trẻ em do ăn vặt thường xuyên, đặc biệt là đồ ngọt, chứa nhiều đường. Khi tình trạng bệnh kéo dài, vi khuẩn ăn mòn răng và có thể ảnh hưởng đến tủy răng, gây viêm nhiễm, dễ tổn thương nướu răng dẫn đến các hiện tượng sưng, đỏ, chảy máu, viêm tuỷ, sốt, nổi hạch.

2. Cần làm gì khi bị sưng nướu răng và nổi hạch?

2.1. Chăm sóc răng miệng đúng cách

Nếu được chăm sóc đúng cách và thích hợp, răng nướu của bạn sẽ khỏe mạnh, ít có nguy cơ bị sâu răng hay viêm lợi, chảy máu chân răng. Vậy cần chăm sóc răng miệng như thế nào?

+ Đánh răng:

Chải răng ít nhất 2 lần 1 ngày, nên chải 30 phút sau mỗi bữa ăn. Điều này sẽ giúp cho men răng bị axit làm mềm trong quá trình ăn uống cứng lại và giúp loại bỏ mảng bám, vi khuẩn bám trên răng.

Lưu ý, khi chải răng, chải đều các mặt của răng và đừng quên chải lưỡi của bạn. Chải nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương lợi, nướu hay làm chảy máu chân răng. Sử dụng bàn chải đánh răng có sợi lông mềm mỏng, chải sâu được từng kẽ răng và nên thay bàn chải mới sau 2, 3 tháng.

+ Dùng chỉ nha khoa:

Nên dùng chỉ nha khoa 1 ngày một lần. Chỉ nha khoa giúp loại bỏ thức ăn thừa và mảng bám ở kẽ răng, giúp loại bỏ vi khuẩn tích tụ gây viêm lợi và chảy máu chân răng.

+ Súc miệng:

Sau khi đánh răng, bạn có thể súc miệng lại bằng nước súc miệng có tính sát khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn gây nên các bệnh về nướu sớm, tránh bị viêm nhiễm và chảy máu.

Cần làm gì khi bị sưng nướu răng và nổi hạch? - Ảnh 2.

Súc miệng sau khi đánh răng giúp tiêu diệt vi khuẩn ngăn ngừa viêm nhiễm (Nguồn: Internet)

Súc miệng bằng nước muối cũng là một cách được nhiều người sử dụng và được bác sĩ khuyên dùng. Muối có tác dụng sát khuẩn và ngăn ngừa viêm nhiễm hiệu quả, giúp giảm vi khuẩn và cầm máu nướu.

Với 1 cốc nước ấm 200ml, bạn có thể cho một thìa muối và sử dụng 3-4 lần một ngày, mỗi lần ngậm trong miệng vài giây rồi nhổ ra.

+ Ăn uống đúng cách:

Để có sức khỏe răng miệng tốt, bạn cần hạn chế các loại đồ ngọt hoặc những thực phẩm có chứa nhiều axit. Nó có thể dẫn đến sâu răng, từ đó vi khuẩn tích tụ gây viêm lợi, làm lợi bị sưng, tấy đỏ và chảy máu.

+ Đi khám nha sĩ:

Bạn nên đi khám nha sĩ định kỳ để đảm bảo sức khỏe về răng miệng, đồng thời cũng được xin tư vấn về cách chăm sóc hiệu quả nhất.

Bạn có thể đi nha sĩ để loại bỏ các mảng bám cứng đầu, cao răng để tránh vi khuẩn tích tụ và thiếu thẩm mỹ. Lưu ý nên chọn nha sĩ uy tín, vì khi lấy cao răng rất dễ gây tổn thương đến nướu và làm chảy máu chân răng.

2.2. Bổ sung thêm một số chất

+ Bạn có thể ăn sữa chua hoặc men sống vào chế độ ăn để tăng cường các lợi khuẩn probiotic cho cơ thể

+ Ăn thực phẩm giàu vitamin C có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp chống lại nhiễm trùng nướu răng

Một số loại thực phẩm giàu vitamin C như:

+ Quả cam

+ Khoai lang

+ Ớt đỏ

+ Cà rốt

Vitamin C cũng là một chất chống oxy hóa, giúp tăng cường mô liên kết và bảo vệ niêm mạc nướu răng của bạn. Lượng vitamin C được khuyên dùng mỗi ngày cho người lớn là 60-90mg.

+ Bổ sung chất catechin - một chất chống oxy hóa tự nhiên có trong trà xanh, nó có thể giảm phản ứng viêm của cơ thể đối với vi khuẩn trong miệng.

Lượng trà xanh được khuyên dùng mỗi ngày đối với một người trưởng thành là từ 2 đến 3 tách trà.

2.3. Chườm lạnh

Khi nướu của bạn bị viêm dẫn đến sưng hay tấy đỏ, bạn nên lấy một miếng gạc lạnh để chườm vào vị trí đó để giảm sưng tấy đồng thời hạn chế máu chảy.

Cần làm gì khi bị sưng nướu răng và nổi hạch? - Ảnh 3.

Chườm lạnh giúp giảm sưng tấy và nổi hạch (Nguồn: Internet)

Sưng nướu và nổi hạch là 2 dấu hiệu cảnh bảo nhiều căn bệnh khác nhau về răng miệng. Người bệnh không nên chủ quan từ những triệu chứng nhỏ nhất. Để răng miệng của bạn luôn khỏe mạnh, bạn cần chú ý chăm sóc răng miệng đúng cách, bổ sung các chất cần thiết và đi kiểm tra nha sĩ định kỳ.

Nguồn tham khảo: Causes and treatment of gingivitis 


https://suckhoehangngay.vn/can-lam-gi-khi-bi-sung-nuou-rang-va-noi-hach-20220222231227686.htm
Tác giả: Phạm Trang