Cần làm gì để phòng tránh thoát vị đĩa đệm cột sống khi tuổi cao?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Cần làm gì để phòng tránh thoát vị đĩa đệm cột sống khi tuổi cao?
Từ tuổi trung niên trở đi, chúng ta rất dễ gặp vấn đề sức khỏe về xương khớp, điển hình là bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống khi về già. Vậy phải làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh này thấp nhất có thể? Câu trả lời sẽ có trong bài viết sau đây!

Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống ở người cao tuổi tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm

Thống kê cho thấy, bệnh xương khớp và tim mạch - huyết áp là nỗi lo lắng thường trực cho những người từ 60 tuổi trở lên. Thoát vị đĩa đệm cột sống là bệnh có tỉ lệ mắc khá cao ở người lớn tuổi, phần lớn do sự lão hóa của cơ thể, cụ thể là đĩa đệm, sụn khớp. 

Thực tế cũng chỉ ra rằng, cách điều trị và phòng ngừa thoát vị đĩa đệm ở người lớn tuổi ít hiệu quả và gặp nhiều khó khăn hơn đối với những người trẻ tuổi và trung niên bởi cơ thể đáp ứng chậm hơn, hấp thụ dinh dưỡng và phục hồi chậm hơn.

Do vậy, ở độ tuổi này dễ bị biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như:

- Hạn chế chức năng vận động

- Trượt đốt sống

- Xẹp đĩa đệm

- Đau dây thần kinh tọa

- Thiếu máu não, tai biến, đột quỵ

Bệnh thoát vị đĩa đệm triệu chứng khá mơ hồ, không rõ rệt ngay từ ban đầu khiến người bệnh chủ quan. Vì vậy, các chuyên gia y tế đều khuyên rằng, không nên để đến lúc phát bệnh mới "tá hỏa" tìm cách điều trị và phòng ngừa thoát vị đĩa đệm mà cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh càng sớm càng tốt.

Người cao tuổi cần làm gì để phòng bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống?

Đối với người cao tuổi, độ chắc khỏe, dẻo dai và linh hoạt của hệ thống cơ xương khớp đã không còn như thời trẻ tuổi sung sức. Vì vậy, việc phòng tránh thoát vị đĩa đệm cột sống nói riêng, phòng bệnh xương khớp nói chung cần nhiều cẩn thận, kiên trì và tỉ mỉ.

Các biện pháp phòng tránh thoát vị đĩa đệm ở người cao tuổi:

1. Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe

Không riêng gì người cao tuổi, bất cứ lứa tuổi nào cũng cần tập thể dục, vận động thường xuyên. Tập luyện vừa sức với các bài tập dành riêng cho lứa tuổi từ 50, 60 trở lên sẽ giúp rèn luyện sức khỏe hàng ngày, phòng tránh được rất nhiều bệnh tật. 

Chẳng hạn bạn cảm thấy hay bị đau mỏi thắt lưng, hãy tìm đến các bài tập thoát vị đĩa đệm cột sống lưng. Các động tác phù hợp tác động trực tiếp vào vị trí thắt lưng sẽ giúp giảm thiểu cảm giác đau, nhức mỏi, giúp cơ thể thoải mái, hoạt bát hơn.

Đối với người cao tuổi, chỉ nên thực hiện những bài tập nhẹ nhàng, thiên về dưỡng sinh, vừa rèn luyện cơ bắp vừa điều hòa khí huyết. 

Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể về các bài tập phù hợp với sức khỏe, tránh chấn thương không đáng có. Thời gian tập luyện tốt nhất cho người cao tuổi là vào sáng sớm và chiều tối.

2. Thiết lập chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng khoa học, hợp lý

Càng lớn tuổi, cơ thể càng chịu sự ảnh hưởng rõ rệt bởi quá trình lão hóa. Khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và cơ chế tự phục hồi tổn thương của cơ thể hoạt động kém hơn rất nhiều. Do vậy, để phòng ngừa bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống, người cao tuổi cần có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học, hợp lý.

- Về dinh dưỡng, nên tăng cường các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất tốt cho sụn khớp như: thực phẩm giàu canxi, omega-3, thực phẩm giàu vitamin C, E, D3, thực phẩm giàu collagen, glucosamine, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa beta-carotene, lycopen,… 

Ngoài việc phòng bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thông qua ăn uống hàng ngày, người cao tuổi có thể tìm hiểu và tham khảo các loại thực phẩm chức năng, thuốc bổ xương khớp dành riêng cho lứa tuổi của mình.

- Về chế độ sinh hoạt: nhịp sinh hoạt ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người cao tuổi. Để phòng tránh các bệnh về xương khớp, thoát vị đĩa đệm, cần vận động nhẹ nhàng, tránh bê vác vật nặng quá sức, chơi các môn thể thao yêu cầu sức mạnh cơ bắp… Không nên thức khuya, hút thuốc lá hay sử dụng các loại chất kích thích, bia rượu thường xuyên rất tổn hại cho sức khỏe.

3. Thăm khám sức khỏe định kỳ

Đối với người cao tuổi, tốt nhất nên thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng/lần. Với những người đang có vấn đề về sức khỏe thì nên thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc 3 tháng/lần. Khám định kỳ sẽ giúp chúng ta phát hiện sớm thoát vị đĩa đệm triệu chứng dù thường ngày không để ý tới. Đồng thời, việc phát hiện bệnh sớm sẽ giúp điều trị dễ dàng hơn, giảm thời gian chữa trị và sớm mang lại sức khỏe tốt cho người bệnh.

Ngoài các biện pháp phòng tránh thoát vị đĩa đệm cột sống kể trên, người cao tuổi cần chú ý nhiều hơn tới tâm lý, tinh thần của mình. Yếu tố tinh thần rất quan trọng, giữ được sự lạc quan, tự tin, vui vẻ, thoải mái và kết nối tình cảm với mọi người xung quanh sẽ giúp cơ thể phần nào phòng tránh được nhiều bệnh tật, chất lượng cuộc sống tốt hơn.


Tác giả: Hoàng Trang