Cần chuẩn bị gì trước khi tiêm vaccine phòng sởi ở trẻ nhỏ?

Cần chuẩn bị gì trước khi tiêm vaccine phòng sởi ở trẻ nhỏ?
Chuẩn bị gì trước khi tiêm vaccine phòng sởi ở trẻ nhỏ là câu hỏi được rất nhiều bà mẹ băn khoăn để hạn chế tối đa các phản ứng phụ có thể gặp sau khi tiêm chủng.

Sởi là một căn bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan do virus gây ra. Nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng gây nguy hiểm đến sức khoẻ của trẻ, thâm chí là tử vong. Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu nhất giúp ngăn ngừa bệnh, bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ do bệnh sởi gây ra. Hiện nay, theo chương trình tiêm chủng mở rộng, lịch tiêm phòng sởi cho trẻ gồm 2 mũi vaccine vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều các bậc phụ huynh lo lắng không biết nên chuẩn bị gì trước khi tiêm vaccine phòng sởi ở trẻ nhỏ?

1. Chuẩn bị gì trước khi tiêm vaccine phòng sởi?

Để việc tiêm phòng sởi cho trẻ nhỏ được diễn ra thuận lợi, hạn chế các phản ứng, tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra, các bậc phụ huynh cần lưu ý một số điều sau đây trước khi đưa trẻ đi tiêm phòng:

- Không để trẻ bú quá no trước khi đi tiêm vì quá no có thể khiến trẻ bị nôn, trớ trong và sau khi tiêm vaccine phòng sởi.

- Không để trẻ bị đói vì có thể dẫn đến hạ đường huyết khi tiêm, nguy hiểm đến sức khoẻ của trẻ.

- Tắm rửa sạch sẽ trước khi đi tiêm cho trẻ để hạn chế việc nhiễm trùng tại vị trí tiêm phòng.

- Phụ huynh cần lựa chọn trung tâm tiêm phòng uy tín để đưa trẻ đi tiêm. Cần lưu ý nếu chọn cơ sở y tế tiêm phòng dịch vụ vaccine kết hợp sởi - quai bị - rubella cần đảm bảo nguồn góc, xuất xứ cũng như cách bảo quản vaccine và hạn sử dụng. Điều này là do nếu sử dụng vaccine không đảm bảo chất lượng không những không có tác dụng phòng bệnh mà còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Cần chuẩn bị gì trước khi tiêm vaccine phòng sởi ở trẻ nhỏ? - Ảnh 2.

Cần lưu ý chọn trung tâm tiêm chủng uy tín để đảm bảo chất lượng, nguồn gốc của vaccine (Ảnh: Internet)

- Cần thông báo cho bác sĩ, cán bộ y tế về các vấn đề về sức khỏe và lịch sử tiêm chủng của trẻ bao gồm cân nặng, trẻ có sinh hoạt bình thường hay không? Trẻ có đang sốt hay mắc các bệnh nào không? Ngoài ra nếu trẻ đang dùng bất kỳ loại thuốc nào như kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch hoặc sử dụng phương pháp điều trị nào khác cũng cần phải thông báo cho bác sĩ.

- Đặc biệt, nếu trẻ có tiền sử dị ứng với các loại thuốc hay thức ăn, hoặc trẻ đã từng phản ứng nặng ở các lần tiêm chủng trước, phụ huynh cần hỏi ý kiến bác sĩ xem có hoãn hay dừng tiêm vaccine phòng bệnh sởi để tránh những phản ứng nặng xảy ra.

- Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, phụ huynh cần mang đầy đủ sổ/phiếu tiêm chủng để tiện theo dõi lịch tiêm nhắc lại sau này, tránh quên mũi tiêm làm giảm tác dụng phòng bệnh của vaccine.

2. Lưu ý 5 trường hợp trẻ không được tiêm mũi vaccine kết hợp sởi - quai bị - rubella

Các bậc phụ huynh cần lưu ý nếu bé đang thuộc 5 đối tượng được liệt kê dưới đây có thể hỏi ý kiến bác sĩ để hoãn tiêm vaccine kết hợp sởi - quai bị - rubella. Điều này là do nếu thuộc những đối tượng này, trẻ có thể không đáp ứng tốt với vaccine phòng bệnh.

Cần chuẩn bị gì trước khi tiêm vaccine phòng sởi ở trẻ nhỏ? - Ảnh 3.

Trẻ đang sốt nên hoãn tiêm phòng sởi đến khi nhiệt độ cơ thể ổn định bình thường (Ảnh: Internet)

- Trẻ dưới 6 tháng tuổi. Thông thường, vaccine sởi đơn được tiêm với trẻ đủ 9 tháng tuổi, vaccine kết hợp sởi - quai bị - rubella được tiêm cho trẻ đủ 12 tháng tuổi. Do vậy trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa cần tiêm vaccine phòng sởi trừ khi có chỉ định của bác sĩ với trường hợp đang có dịch sởi bùng phát.

- Trẻ đang sốt trên 38 độ C cũng cần được hoãn tiêm phòng đến khi cơ thể trẻ ổn định và trở về trạng thái bình thường.

- Trẻ đang gặp các vấn đề về suy giảm chức năng ở một số cơ quan. Có thể kể đến suy hô hấp, suy thận, suy tim... Những trẻ trong trường hợp này cần chờ đến khi bệnh được điều trị tốt, cơ thể ổn định mới có thể tiêm phòng để tránh những phản ứng nguy hiểm xảy ra sau khi tiêm.

- Trẻ đang mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính như viêm phổi, viêm phế quản cấp ... cũng không nên tiêm phòng bệnh sởi.

- Nếu trẻ đang sử dụng một số loại thuốc như corticosteroids, kháng sinh, thuốc kháng virus có thể sẽ không đáp ứng được miễn dịch tốt nhất, do đó cần hoãn tiêm phòng theo chỉ định của bác sĩ.


Tác giả: Anh Dũng