Cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện tầm soát ung thư xương?

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện tầm soát ung thư xương?
Tầm soát ung thư xương đôi khi chỉ đơn giản là một buổi thăm hỏi và khám tổng quát. Nhưng nếu bạn có nguy cơ cao, thì việc tầm soát ung thư xương có thể diễn ra rất phức tạp, yêu cầu bạn phải có sự chuẩn bị trước thật tốt.

1. Cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện tầm soát ung thư xương?

- Nếu có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào làm bạn lo lắng, hãy đặt lịch hẹn bác sĩ. Việc hẹn trước sẽ giúp bạn được tiếp đón tốt hơn, bác sĩ cũng có sự chuẩn bị kỹ càng hơn. Bạn cũng không phải trải qua thời gian đợi chờ, làm tăng thêm căng thẳng không đáng có. Nếu là tầm soát ung thư xương định kỳ, bạn cũng nên gọi xác minh lại lịch hẹn với bác sĩ.

- Hãy ghi lại những triệu chứng, những bất thường khiến bạn lo lắng. Đôi khi bạn cần ghi chú cả thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng, tính chất công việc... nếu nó có ảnh hưởng đến xương của bạn.

- Chuẩn bị về tiền sử, bệnh sử, những thông tin bệnh mà bạn đang mắc, các loại thuốc mà bạn đang dùng. Bởi chúng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm xương.

- Ung thư xương là căn bệnh có yếu tố di truyền. Do vậy, hãy tìm  hiểu về tiền sử của những người thân trong gia đình. Thông tin này sẽ giúp cho bác sĩ có hướng sàng lọc, thăm khám ung thư xương chính xác hơn.

- Bạn có thể suy nghĩ đến việc nhờ bạn bè hoặc 1 thành viên trong gia đình sắp xếp thời gian đi tầm soát ung thư xương cùng với bạn. Việc này sẽ giúp tâm lý bạn thoải mái hơn, bớt căng thẳng hơn.

Bạn bè, người nhà  cũng có thể cung cấp những thông tin mà bạn bỏ lỡ hoặc quên. Hoặc trong trường hợp bạn cần gây tê, gây mê để thực hiện các xét nghiệm xương, họ sẽ  giúp đỡ bạn việc đưa đón, ăn uống cho bạn sau buổi tầm soát ung thư xương để đảm bảo an toàn.

2. Cần chuẩn bị trước những điều bác sĩ có thể hỏi

Bác sĩ của bạn có thể hỏi bạn một số câu hỏi để giúp ích cho quá trình tầm soát ung thư xương. Sẵn sàng trả lời chúng sẽ giúp bạn có nhiều thời gian hơn để đề cập đến các điểm khác mà bạn muốn giải quyết. Bác sĩ có thể hỏi:

- Lần đầu tiên bạn bắt đầu trải qua các triệu chứng? 

- Các triệu chứng của bạn diễn ra liên tục hay thỉnh thoảng?

- Các triệu chứng của bạn nghiêm trọng đến mức độ nào?

- Điều gì có thể cải thiện các triệu chứng của bạn?

- Điều gì có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn?

- Bạn có từng bị, hoặc đang bị bệnh xương khớp nào khác không?

- Gia đình bạn có ai bị ung thư xương không?

3. Chuẩn bị trước những câu hỏi dành cho bác sĩ

Chuẩn bị trước 1 danh sách các câu hỏi dành cho bác sĩ có thể giúp bạn tận dụng tối đa thời gian khám bệnh. Nó cũng đảm bảo bạn sẽ không quên những câu hỏi quan trọng vì quá căng thẳng. Bạn nên liệt kê các câu hỏi từ quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất để phòng trường hợp bác sĩ hết thời gian với bạn. Đối với tầm soát ung thư xương, một số câu hỏi cơ bản để hỏi bác sĩ của bạn bao gồm:

- Tôi có cần thực hiện các loại xét nghiệm bổ sung nào khác không?

- Tôi có nên đi khám bác sĩ chuyên khoa? Chi phí đó sẽ là bao nhiêu và bảo hiểm của tôi có chi trả cho nó không?

- Nếu tôi muốn tầm soát ung thư xương lại lần nữa, bác sĩ có thể giới thiệu cho tôi 1 chuyên gia hay cơ sở y tế nào khác không?

Trong trường hợp, kết quả tầm soát là bạn bị ung thư xương, bạn có thể muốn hỏi bác sĩ:

-  Tôi bị loại ung thư xương nào?

-  Giai đoạn ung thư xương của tôi là gì?

- Tôi có cơ hội chữa khỏi bệnh hoàn toàn không?

- Có những phương pháp điều trị ung thư xương nào phù hợp với tôi? Và tác dụng phụ của nó là gì?

- Bác sĩ có thể giới thiệu cho tôi tài liệu hoặc trang web tham khảo uy tín không?.

Trên đây là những điều cần nhớ khi tầm soát ung thư để có thể thu được hiệu quả cao.


Tác giả: Mai Nhung