Quá trình chuẩn bị cho một ca phẫu thuật ung thư xương phải trải qua rất nhiều bước phức tạp. Việc thực hiện tốt giai đoạn chuẩn bị có ý nghĩa rất lớn đối với kết quả của ca phẫu thuật. Thông thường, trước khi phẫu thuật ung thư xương, người bệnh phải lưu ý những vấn đề sau đây.
Trước khi làm phẫu thuật ung thư xương, người bệnh sẽ được gặp và làm việc với các bác sĩ phẫu thuật. Tại buổi gặp này, bác sĩ và người bệnh sẽ bàn bạc về các vấn đề liên quan đến cuộc phẫu thuật. Cụ thể, bác sĩ sẽ mô tả cho người bệnh về cách thức tiến hành và các thủ tục cần thiết cho phẫu thuật. Đồng thời, người bệnh cũng sẽ nhận được những nhắc nhở cho việc chuẩn bị trước khi lên bàn mổ. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được yêu cầu ký vào các bản cam kết theo quy định của bệnh viện.
Ở quá trình này, bệnh nhân có thể đặt các câu hỏi cho bác sĩ về những vấn đề còn thắc mắc như: thời gian phẫu thuật, tỷ lệ thành công, rủi ro của ca mổ, có cần thêm các điều trị khác sau mổ hay không,…
Đối với các trường hợp phẫu thuật gây mê, người bệnh sẽ được làm việc với bác sĩ gây mê. Bác sĩ sẽ giới thiệu về loại thuốc gây mê mà người bệnh sẽ sử dụng trong phẫu thuật. Nếu người bệnh có tiền sử dị ứng thì thuốc sẽ được thay đổi để đảm bảo an toàn trong quá trình phẫu thuật.
Thông thường, trước khi phẫu thuật ung thư xương, người bệnh sẽ được yêu cầu làm một số xét nghiệm. Các xét nghiệm này nhằm mục đích kiểm tra và đánh giá tình trạng tổng quát của bệnh nhân. Xét nghiệm có thể được thực hiện trước cuộc phẫu thuật khoảng vài ngày đến vài tuần. Tuỳ vào yêu cầu của ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định một trong những xét nghiệm sau đây:
- Xét nghiệm máu: Được tiến hành nhằm kiểm tra số lượng tế bào máu, lượng đường trong máu và những vấn đề khác. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn cần thiết trong trường hợp bác sĩ muốn xác định nhóm máu của bệnh nhân. Bởi trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân có thể sẽ cần được truyền máu.
- Xét nghiệm nước tiểu: Giúp kiểm tra chức năng thận và khả năng nhiễm trùng của người bệnh.
- Các xét nghiệm CT, MRI hoặc PET: Các xét nghiệm này có thể được tiến hành một lần nữa trước khi người bệnh phẫu thuật. Việc này nhằm xác định chính xác kích thước và vị trí của khối u. Đồng thời, nó còn giúp phát hiện những dấu hiệu bất thường so với kết quả xét nghiệm trước.
Một ca phẫu thuật ung thư xương thường phải trải qua rất nhiều giai đoạn phức tạp. Do đó, chính bản thân người bệnh cũng cần phải có sự chuẩn bị trước khi vào phòng phẫu thuật. Cụ thể, người bệnh cần chú ý các vấn đề sau đây:
Việc ngưởi bệnh tự vệ sinh thân thể trước khi lên bàn mổ là điều cần thiết và cực kỳ quan trọng. Điều này sẽ giúp người bệnh tránh được nguy cơ nhiễm trùng vết mổ. Người bệnh cần vệ sinh kỹ càng, đặc biệt là tại những vị trí sẽ làm phẫu thuật. Sau khi vệ sinh, người bệnh chỉ được mặc đồng phục của bệnh viện đã được khử trùng cẩn thận. Đồng thời, người bệnh phải lưu ý không mang theo bất cứ trang sức hay đồ vật cá nhân nào khác.
Người bệnh cần tuân thủ đúng các yêu cầu của bác sĩ về việc ăn uống trước khi phẫu thuật ung thư xương. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh nhịn ăn từ 6 đến 12 giờ trước khi lên bàn mổ, hoặc chỉ sử dụng thức ăn lỏng và bổ sung dinh dưỡng qua đường truyền.
Đồng thời, bệnh nhân không được sử dụng rượu bia hoặc thuốc lá trong 24 giờ trước khi phẫu thuật. Tất cả những điều này đều nhằm mục đích giảm thiểu nguy cơ biến chứng trong quá trình phẫu thuật.
Tâm lý người bệnh có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của quá trình phẫu thuật ung thư xương. Thông thường, người bệnh lo lắng về các vấn đề như: Mổ có đau không? Ca phẫu thuật liệu có thành công không? Có biến chứng gì sau phẫu thuật không? Lo lắng sẽ tác động đến tinh thần của người bệnh, khiến cho người bệnh trở nên căng thẳng hơn. Vì vậy, người bệnh nên nói chuyện với bác sĩ về những thắc mắc này trước khi vào phẫu thuật ung thư xương.
Giai đoạn chuẩn bị có vai trò rất quan trọng trong sự thành công của phẫu thuật ung thư xương. Do đó, người bệnh cần tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ để chuẩn bị cho tốt cho ca phẫu thuật của mình.