Cần ăn uống như thế nào để hạn chế iod trước khi điều trị ung thư tuyến giáp (phần 2)

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Cần ăn uống như thế nào để hạn chế iod trước khi điều trị ung thư tuyến giáp (phần 2)
Trước khi được dùng đồng vị phóng xạ. bệnh nhân ung thư tuyến giáp sẽ được bác sĩ yêu cầu thực hiện một chế độ ăn hạn chế iod. Vậy cần ăn uống như thế nào để việc điều trị được thuận lợi và đạt kết quả cao nhất?

4. Thực đơn hạn chế iod dành cho người đang điều trị ung thư tuyến giáp

Đây là thực đơn hạn chế iod dành cho người đang điều trị ung thư tuyến giáp, không phải thực đơn hoàn toàn không có iod. Mục tiêu là để cơ thể chỉ hấp thu iod dưới 50 mcg/ngày.

Cơ chế: 

- Với thực đơn nghèo iod, cơ thể sẽ dần trở nên thiếu hụt iod. Tạo tiền đề khi đưa các đồng vị phóng xạ I-131 vào cơ thể, các tế bào tuyến giáp sẽ hấp thụ mạnh, giúp tăng hiệu quả của việc điều trị. 

Thời gian áp dụng: 

- Thực đơn này chỉ dùng trong thời gian ngắn khoảng 2-3 tuần trước khi được cho uống đồng vị phóng xạ I-131 để điều trị ung thư tuyến giáp. 

Lưu ý: 

- Việc thiếu iod trong thời gian dài sẽ gây ra chứng suy giáp làm cho cơ thể bị phù, mệt tim do suy giáp nặng, nếu người bệnh ung thư tuyến giáp thấy quá mệt thì phải thông báo ngay với bác sĩ để được hướng dẫn điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc được tiến hành uống I-131 sớm hơn dự định.

Hàm lượng iod có thể được dùng: 

- Theo hiệp hội tuyến giáp Hoa Kì khuyến cáo lượng iod trong thực đơn nên dưới 50 mcg/ngày. Tránh những thực phẩm, đồ uống có hàm lượng iod cao trên 20 mcg/lần ăn. Sử dụng thực phẩm, đồ uống có hàm lượng iod thấp dưới 5 mcg/lần ăn. Khuyến cáo giới hạn lượng iod trung bình từ 5 mcg – 20 mcg trong các loại thực phẩm.

- Bệnh nhân ung thư tuyến giáp và người thân nên đọc danh sách các thành phần trên nhãn thực phẩm đóng gói. Kiểm tra với bác sĩ về thuốc mà mình đang sử dụng.

5. Những thực phẩm và thành phần không được phép sử dụng

- Muối iod, muối biển và bất kì thực phẩm nào chứa iod/muối biển.

- Đồ biển và sản phẩm từ biển (cá, sò, tôm, rong biển, rau câu,…).

 - Sữa, sữa chua, bơ, kem, pho mát.

- Lòng đỏ trứng và bất cứ sản phẩm chứa lòng đỏ trứng.

- Bánh mì chứa thành phần tạo màu có nhiều iod. 

- Các sản phẩm bánh mì hoặc từ bột mì thủ công hay thương mại chứa ít iod vẫn được chấp nhận.

-  Màu thực phẩm Erythrosine (Red dye) #3 (E127 tại Anh).

- Hầu hết các sản phẩm chocolate (bởi vì có chứa sữa). Bột cacao và chocolate đen có thể dùng.

- Một vài loại đường mật (mật mía, mật củ cải đường) có màu đen tuyền, sánh đặc. 

- Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành như tàu hủ, sữa đậu nành, tương đậu nành. 

- Một vài thực đơn khác khuyến cáo tránh các loại đậu khác như: đậu thận đỏ, đậu lima, đậu navy, đậu pinto, đậu đũa. 

- Cây đại hoàng (rhubarb), vỏ khoai tây thì không dùng, nhưng ruột khoai tây thì vẫn sử dụng được bình thường. 

- Thực phẩm bổ sung có chứa iod. Nên kiểm tra với bác sĩ nếu đang dùng bất kỳ thuốc nào có chứa iod. 

6. Những thực phẩm và thành phần được phép sử dụng

- Trái cây, ngoại trừ anh đào ngâm rượu (có Red dye #3) và cây đại hoàng (rhubarb).

- Các loại rau: tốt hơn hết là rau sống hoặc đông lạnh và không có muối, ngoại trừ đậu nành và một vài loại đậu khác. 

- Các loại hạt không muối và bơ hạt không muối.

- Lòng trắng trứng.

- Dưới 170g thịt tươi mỗi ngày.

- Ngũ cốc và sản phẩm từ ngũ cốc không quá 4 lần ăn/ngày, loại không có chứa iod. 

- Mì Ý không chứa iod.

- Đường, thạch, mứt, siro.

- Tiêu đen, thảo mộc tươi/khô và gia vị.

- Tất cả các loại dầu, bao gồm cả dầu đậu nành.

- Soda như cola, cà phê rang xay, trà xác, bia, rượu, nước trái cây, nước chanh, trừ các loại bổ sung Red dye #3 

Tại sao sữa, bánh mì lại chứa lượng lớn iod?

- Theo nghiên cứu được xuất bản vào năm 2004, Journal of clinical endocrinology and metabolism, kiểm nghiệm 18 mẫu sữa có xuất xứ từ Boston, Massachusetts. Kết quả cho thấy trong 250 ml sữa có chứa 88 – 168 mcg iod, tính lượng trung bình là 115 mcg iod. Nghiên cứu cũng chỉ ra, iod có trong sữa là từ nguồn thức ăn cho gia súc, từ sản phẩm dùng làm sạch vú, núm vú của bò sữa và một lượng nhỏ từ sản phẩm làm sạch thiết bị.

- Cũng theo nghiên cứu trên, trong 1 lát bánh mì của 20 thương hiệu bánh mì khác nhau có chứa từ 2.2 đến 587 mcg iod. Do vậy, cần lưu ý đọc kĩ thành phần khi mua bánh mì hoặc bánh quy làm từ bột mì hoặc chỉ nên dùng những sản phẩm khi biết chắc chắn lượng iod từ nhà sản xuất công bố hoặc bánh do tự tay làm.

- Chất tạo màu đỏ (Red dye # 3 hay E127) bị cấm, tuy nhiên Red dye # 40 thì dùng được. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên bệnh nhân tránh các sản phẩm chế biến có màu đỏ, cam hoặc nâu vì những chất tạo màu này đều chứa iod.


Tác giả: LPA