Cần ăn uống như thế nào để hạn chế iod trước khi điều trị ung thư tuyến giáp (phần 1)

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Cần ăn uống như thế nào để hạn chế iod trước khi điều trị ung thư tuyến giáp (phần 1)
Trước khi được dùng đồng vị phóng xạ. bệnh nhân ung thư tuyến giáp sẽ được bác sĩ yêu cầu thực hiện một chế độ ăn hạn chế iod. Vậy cần ăn uống như thế nào để việc điều trị được thuận lợi và đạt kết quả cao nhất?

Mỗi khi được điều trị bằng đồng vị phóng xạ (gọi là xạ trị, dùng liều trên 5 mCi) hoặc xạ hình (để kiểm tra định kỳ, dùng liều rất thấp), bệnh nhân sẽ được bác sĩ yêu cầu thực hiện một số việc cho khâu chuẩn bị trước khi được dùng đồng vị phóng xạ. Bài viết này nhằm giải thích rõ hơn những yêu cầu của bác sĩ về chế độ ăn hạn chế iod trước khi điều trị ung thư tuyến giáp.

1. Mối liên hệ giữa iod và tuyến giáp

Tuyến giáp có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển và sinh trưởng của cơ thể, nó sản xuất các hormon giúp kiểm soát sự trao đổi chất, nó tham gia vào sự tăng sinh các tế bào, tổng hợp các protein cần thiết cho cơ thể, cho sự phát triển của trí não và hệ thần kinh. 

Để hoàn thành vai trò của mình, tuyến giáp cần được cung cấp một nguyên tố hóa học là iod mà cơ thể hấp thụ từ thực phẩm ăn và nước uống hàng ngày. Toàn cơ thể bình thường dự trữ khoảng 50mg iod, trong đó 1/5 đến 1/3 nguồn cung (khoảng 10-15mg) là các hormon tuyến giáp, iod của cơ thể được lưu trữ chủ yếu trong tuyến giáp. 

Tuyến giáp thực hiện vai trò của mình là kết hợp iod với tyrosine (một acid thiết yếu) để tạo ra kích thích tố quan trọng là T3, T4.

2. Tóm tắt quy trình điều trị ung thư tuyến giáp bằng đồng vị phóng xạ I-131

Nguyên tắc của việc chữa trị ung thư tuyến giáp là dọn sạch nơi sống của tế bào ung thư để triệt tiêu nguy cơ tái phát ung thư cho bệnh nhân.

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp thì khả năng còn sót lại các tế bào giáp rất cao vì bác sĩ phẫu thuật khó có thể lọc sạch được các tế bào quá nhỏ bé của ung thư tuyến giáp, việc điều trị bằng đồng vị phóng xạ I-131 được xem như là "phẫu thuật trong" (nghĩa là không có dao kéo và không làm chảy máu) nhằm hỗ trợ "phẫu thuật ngoài" (dùng dao kéo) tiêu diệt tận gốc các tế bào của ung thư tuyến giáp.

Bệnh nhân ung thư tuyến giáp sẽ được cho dùng đồng vị phóng xạ I-131 (liều lượng tùy mức độ nặng nhẹ). Nếu tế bào ung thư tuyến giáp còn trong cơ thể thì nó sẽ hút các đồng vị phóng xạ và bị tiêu diệt.

Bác sĩ không thể nhìn thấy được các tế bào ung thư tuyến giáp nhưng hình ảnh của phóng xạ thì có thể nhìn thấy thông qua hình ảnh chụp toàn thân (gọi là xạ hình). Sau khi uống I-131 khoảng 3 tuần, phần lớn phóng xạ sẽ thải ra ngoài cơ thể thông qua đường tiêu hóa, đường tiểu và đường mồ hôi. 

Nếu trên hình ảnh có sự tồn tại của phóng xạ thì bác sĩ sẽ biết được tế bào ung thư tuyến giáp còn tồn tại trong cơ thể. Dựa vào mức độ hình ảnh phóng xạ nhiều hay ít, bác sĩ biết được tế bào giáp còn sót lại nhiều hay ít để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.

3. Mối liên hệ giữa đồng vị phóng xạ I-131 và tuyến giáp

Khi bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân uống đồng vị phóng xạ I-131 thường căn dặn bệnh nhân không được uống levothyroxin (là một dạng tổng hợp của hormon tuyến giáp, gọi nôm na là nội tiết tố bổ sung), không được ăn uống những thực phẩm giàu iod như hải sản, rong biển,…

Lý do của việc căn dặn này là vì đồng vị phóng xạ rất nhạy cảm với các tế bào ung thư tuyến giáp. Nếu bệnh nhân uống levothyroxin hoặc dùng các thực phẩm giàu iod, các tế bào ung thư giáp còn sót lại sẽ hấp thu iod từ thuốc và thực phẩm này và vì vậy chúng không cần đến iod từ đồng vị phóng xạ nữa hoặc hấp thu rất ít dẫn. Điều này đến việc sử dụng đồng vị phóng xạ I-131 không hiệu quả vì những điều sau:

- Phần phóng xạ không được tế bào ung thư tuyến giáp hấp thu sẽ được thải ra ngoài cơ thể; 

- Tế bào hấp thụ iod từ thuốc hoặc thực phẩm sẽ không bị phóng xạ tiêu diệt, vẫn còn tế bào giáp sót lại trong cơ thể đồng nghĩa với khả năng vẫn còn nguy cơ tái phát ung thư; 

- Kết quả xạ hình không thể hiện chính xác mức độ tồn tại của tế bào giáp còn sót lại và dẫn đến việc chỉ định sai phác đồ điều trị.

Ý nghĩa của việc hạn chế iod là để cho cơ thể trở về trạng thái suy giáp đúng mức không có tuyến giáp, không có hormon tuyến giáp sẽ kích thích mức TSH tiết ra nhiều hơn nhằm giúp cho các tế bào ung thư tuyến giáp còn sót lại trong cơ thể đói iod hơn và chúng sẽ hấp thu đồng vị phóng xạ hiệu quả hơn nhằm giúp quá trình điều trị với đồng vị phóng xạ I-131 chính xác và thuận lợi hơn.



Tác giả: LPA