Cảm lạnh khi nhiễm nước mưa: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Cảm lạnh khi nhiễm nước mưa: Nguyên nhân và cách phòng tránh
Bản thân nước mưa không làm bạn bị ốm, vậy tại sao chúng ta lại hay ốm sau khi nhiễm nước mưa?

Mùa hè, nhiều cơn mưa bất chợt sẽ khiến bạn không kịp trở tay. Một ngày quên đem áo mưa có thể khiến bạn về nhà với người ướt sũng. Thông thường, chúng ta nghĩ rằng nhiễm nước mưa sẽ khiến mình bị cảm lạnh. Nhưng sự thật, nước mưa có phải là nguyên nhân khiến chúng ta ốm hay không?

Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây:

1. Nước mưa có làm chúng ta bị cảm lạnh không?

Câu trả lời là không! Bản thân nước mưa không làm bạn bị ốm. Nếu nước mưa làm chúng ta ốm, bất kể khi nào, và bất kể ai khi đi mưa về cũng có thể bị cảm lạnh. Nhưng sự thật không phải vậy, nhiễm nước mưa không khiến tất cả chúng ta bị ốm, và không phải lần nào dầm mưa về nhà bạn cũng bị ốm.

Nguyên nhân thật sự khiến chúng ta bị cảm lạnh, đó là do virus đã xâm nhập được vào cơ thể và đánh bại hệ thống miễn dịch của chúng ta. Chúng ta cần xác định rõ ràng nguyên nhân này, bởi hiểu sai nguyên nhân sẽ dẫn đến những niềm tin sai lầm được lan truyền qua nhiều thế hệ.

Cảm lạnh khi nhiễm nước mưa: Nguyên nhân và cách phòng tránh - Ảnh 1.

Bị nhiễm nước mưa hay dầm mưa lâu ngoài trời chỉ là một điều kiện khiến bạn dễ bị nhiễm cảm lạnh vì hai lý do sau:

Thứ nhất, nhiệt độ môi trường và nhiệt độ cơ thể giảm là một điều kiện cho các chủng virus gây cảm lạnh như Rhinovirus dễ dàng nhân lên và gây bệnh hơn.

Một nghiên cứu năm 2014 của Đại học Yale, Hoa Kỳ đã thử nghiệm cấy virus vào khoang mũi của những con chuột được giữ ở hai khoảng nhiệt độ 37 độ C và 33 độ C. Họ phát hiện thấy nhiệt độ lạnh hơn, trong khoảng 33-35 độ C có thể giúp Rhinovirus sao chép mạnh hơn, do đó dễ dàng gây cảm lạnh hơn.

Điều kiện tương tự có thể xuất hiện khi trời mưa. Một mặt, mưa làm giảm nhiệt độ môi trường xung quanh bạn. Mặt khác, cơ thể bị ướt bởi nhiễm nước mưa cũng mất nhiệt nhanh hơn và lạnh hơn, đặt bạn vào nguy cơ virus gây cảm lạnh cao hơn.

Nguyên nhân thứ hai, mưa có thể là điều kiện giúp virus gây cảm lạnh phát tán. Nước mưa trên đường rơi xuống mặt đất có thể cuốn vào chúng những hạt bụi mang virus lơ lửng trong không khí. Nó cũng có thể xối các mầm bệnh trên mặt đất hoặc các bề mặt tĩnh nơi virus đang lắng đọng, và phát tán vào không khí, nơi mà bạn sẽ hít phải chúng.

Sau khi virus cảm lạnh gặp điều kiện nhiệt độ lạnh hơn trong cơ thể bạn, chúng sẽ có cơ hội nhân lên cao hơn.

2. Chúng ta nên làm gì khi bị nhiễm nước mưa?

Với những nguyên nhân kể trên, có thể bạn cũng đã hình dung ra được cách giải quyết vấn đề. Bởi chúng ta không thể ngăn những mầm bệnh như virus đã xâm nhập vào cơ thể, mục tiêu còn lại là phải giúp cơ thể đỡ lạnh.

Cảm lạnh khi nhiễm nước mưa: Nguyên nhân và cách phòng tránh - Ảnh 2.

Có một số biện pháp sẽ giúp bạn làm điều này:

- Thay quần áo, lau khô người khi đi mưa về: Một khi nước còn đọng lại trên quần áo, tiếp xúc với da thịt của bạn, chúng sẽ còn rút nhiệt tỏa ra từ cơ thể và bay hơi, khiến thân nhiệt bạn thất thoát nhiều hơn.

- Sấy khô đầu: Tương tự, nhiệt cũng có thể thất thoát qua đầu bạn. Nếu bạn còn để tóc và da đầu mình ướt, bạn sẽ còn lạnh hơn nữa.

- Ăn đồ ăn nóng hoặc uống đồ uống nóng: Điều này sẽ giúp cơ thể bạn tăng nhiệt từ bên trong. Một bát cháo nóng hoặc trà gừng là lựa chọn rất hữu ích.

- Thực hiện một vài động tác thể dục: Thể dục cũng có thể giúp cơ bắp vận động để sinh nhiệt từ bên trong. Nếu bạn không có đồ uống hoặc đồ ăn nóng, một vài động tác kéo giãn cơ thể sẽ giúp bạn đẩy thân nhiệt lên cao và giảm nguy cơ cảm lạnh.

- Rèn luyện hệ miễn dịch khỏe mạnh: Như đã nói, nguyên nhân của cảm lạnh sau khi đi mưa về cốt yếu là khi virus đánh bại được hệ miễn dịch của bạn. Vì vậy, tăng cường hệ miễn dịch sẽ là cách giúp bạn phòng tránh được cảm lạnh ngay cả khi nhiễm nước mưa. Có ba trụ cột của một hệ miễn dịch khỏe mạnh mà bạn cần bao gồm: Ăn uống đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc và tập thể dục đều đặn.


Tác giả: zknight