Cái ghẻ là con gì? Các cách bắt con cái ghẻ

Cái ghẻ là con gì? Các cách bắt con cái ghẻ
Cái ghẻ là nguyên nhân gây nên bệnh ghẻ. Vậy cái ghẻ là con gì? Cách bắt con cái ghẻ như thế nào?

Để điều trị bệnh ghẻ dứt điểm, điều cần làm là phải loại bỏ tuyệt đối cái ghẻ và trứng ghẻ. Vậy cách bắt con ghẻ như thế nào vừa hiệu quả lại an toàn cho sức khoẻ?

1. Cái ghẻ là con gì?

Cái ghẻ, có tên khoa học là sarcoptes scabiei (họ sarcoptidae). là loại  ký sinh trùng sống ký sinh ở lớp thượng bì của da người và là nguyên nhân gây nên bệnh ghẻ. Cái ghẻ có kích thước siêu nhỏ, không thể quan sát được bằng mắt thường.

Các nhà nghiên cứu cho biết, hình dạng của cái ghẻ khi trưởng thành sẽ có dạng bầu dục, phần mặt bụng phẳng, mặt lưng hơi gồ lên và không có mắt. Kích thước của cái ghẻ cái từ 330 micromet đến 450 micromet, trong khi đó, cái ghẻ đực sẽ bé hơn, với kích thước khoảng 200 micromet đến 250 micromet.

Cái ghẻ là ký sinh trùng có 8 chân, 2 chân sau có lông tơ, 2 chân trước có ống giác. Đầu cái ghẻ có vòi để hút thức ăn. Thân của cái ghẻ có nhiều lằn song song nhau, nhiều lông, không có lỗ thở mà chúng thở qua da. 

Trứng của cái ghẻ cái có cấu tạo với vỏ mỏng, trong suốt, có dạng bầu dục và có kích thước siêu nhỏ, khoảng 90 nhân 170 micromet. 

Cái ghẻ là con gì? Các cách bắt con cái ghẻ - Ảnh 1.

Cái ghẻ là ký sinh trùng sống ký sinh ở da người và là nguyên nhân gây bệnh ghẻ - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

Cách trị ghẻ ngứa dân gian tại nhà cực đơn giản mà hiệu quả

Sau nhiều ngày lội nước lũ từ thiện khiến chân Thủy Tiên bị nước ăn chân, nổi ghẻ: Liệu vết ghẻ có để lại sẹo?

Trên thực tế, cái ghẻ thường ký sinh và gây hại ở những vùng da mỏng và nhạy cảm như nếp gấp cổ tay, kẽ các ngón tay, lòng bàn chân, mông, vùng da xung quanh vú…Đáng chú ý, với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, bệnh ghẻ có thể xuất hiện ở xung quanh vùng kín. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, cái ghẻ sẽ lây lan sang nhiều bộ phận, thậm chí là toàn bộ cơ thể.

Loại bỏ cái ghẻ là cách tốt nhất giúp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh ghẻ. Các bác sĩ cho biết, có rất nhiều biện pháp để điều trị bệnh ghẻ, tiêu diệt cái ghẻ. Thông thường, bệnh nhân chỉ mất khoảng 2 – 7 ngày điều trị liên tục đã nhận thấy những biến chuyển tích cực của bệnh. 

2. Nguyên tắc loại bỏ cái ghẻ

Để biết cách bắt con cái ghẻ, người bệnh cần nắm được các nguyên tắc để loại bỏ loại ký sinh trùng này, cụ thể:

- Sớm nhận biết triệu chứng, điều trị ngăn ngừa ngay tình trạng sinh sôi, phát triển của cái ghẻ. 

- Điều trị theo tập thể nếu bệnh nhân sống trong môi trường có đông thành viên. 

- Sử dụng thuốc bôi ngoài da, thuốc dạng xịt, thuốc uống theo chỉ định điều trị của bác sĩ.  Lưu ý, thuốc bôi có thể sử dụng liên tục nhiều lần, có thể phải sử dụng liên tục 2 tuần, dù cơn ngứa đã qua đi nhưng người bệnh nên tiếp tục bôi thuốc để phòng tránh tái nhiễm.

- Hạn chế việc kỳ, chà xát mạnh lên vùng da đang bị ghẻ, ngăn nguy cơ da bị nhiễm trùng, bội nhiễm nguy hiểm.

Ngoài điều trị trên cơ thể, bệnh nhân nên chú ý vệ sinh sạch sẽ không gian sống, dụng cụ cá nhân…để loại bỏ tuyệt đối ký sinh trùng gây bệnh ghẻ. Bên cạnh đó, người bệnh cần hạn chế sử dụng chung đồ dùng với người khác, cách ly bản thân khi mắc bệnh để tránh lây lan.

3. Cách bắt con cái ghẻ

3.1.  Sử dụng thuốc Permethrin 5%

Các bác sĩ cho biết, cách bắt con ghẻ thông dụng nhất là sử dụng thuốc Permethrin 5%. Thuốc này có 2 dạng là dạng xịt hoặc dạng cream.

Thuốc bôi trị ghẻ có chứa thành phần Permethrin 5% là thuốc khá an toàn khi sử dụng để điều trị bôi ngoài da. Tuy nhiên, cần lưu ý, thuốc cần được sử dụng đúng cách để đạt được hiệu quả điều trị tốt và tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, người bệnh nên bôi thuốc theo hướng dẫn sau đây:

- Vệ sinh sạch sẽ, lau khô tay và vùng da cần điều trị trước khi bôi thuốc. 

- Lấy lượng thuốc vừa đủ lên đầu ngón tay rồi thoa một lớp thuốc mỏng nhẹ lên vùng da cần điều trị. 

- Không lạm dụng thuốc, không thoa thuốc với lượng thuốc dày và diện tiếp xúc lớn.

- Rửa tay sạch sẽ với xà phòng hoặc dung dịch kháng khuẩn sau khi bôi thuốc.  

3.2. Cách bắt con cái ghẻ bằng thuốc Ivermectin

Đây là loại thuốc trị ghẻ vảy, mang lại hiệu quả nhanh. Thuốc này được dùng ở dạng uống hoặc dạng bôi. 

Các bác sĩ cho biết, thành phần dược tính của thuốc Ivermectin cao, vì thế không nên sử dụng cho những đối tượng là trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con trực tiếp bằng sữa mẹ.

Cái ghẻ là con gì? Các cách bắt con cái ghẻ - Ảnh 2.

Cách bắt con cái ghẻ bằng sử dụng thuốc Ivermectin có hiệu quả nhanh - Ảnh Internet.

3.3. Sử dụng dung dịch DEP

Một trong những cách bắt con cái ghẻ hiệu quả là sử dụng dung dịch DEP (Diethylphtalat). Đây là dung dịch có tác dụng hiệu quả đối với nhiều loại ký sinh trùng khác nhau, trong đó có con cái ghẻ.

Tuy nhiên, cần lưu ý, dung dịch DEP không khuyến cáo sử dụng đối với trẻ em và thai phụ. Người trưởng thành sử dụng cần theo chỉ định của bác sĩ. Liều dùng thông thường của dung dịch DEP là 2 – 3 lần/ ngày, người bệnh cần chú ý không bôi lên bộ phận sinh dục.

3.4. Sử dụng lưu huỳnh

Khi sử dụng lưu huỳnh để trị con cái ghẻ, người bệnh cần được sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa và không được lạm dụng thuốc.

Bên cạnh đó, cần tránh để thuốc dính vào mắt. Nếu không may để thuốc rơi vào mắt, cần rửa lại với nhiều nước sạch. Trong trường hợp vẫn còn các dấu hiệu bất thường ở mắt thì cần đến bệnh viện thăm khám.

Lưu huỳnh là dạng thuốc mỡ. Vì thể, trước khi sử dụng thuốc lưu huỳnh bắt con cái ghẻ, nên tắm rửa toàn thân với xà phòng trước. Sau đó, dùng thuốc bôi lên vùng da này. Trước khi đi ngủ, người bệnh cần bôi thuốc lên toàn thân một lần nữa.

Cần lưu ý, sau 24 giờ bôi thuốc xong, trước khi bôi lần thuốc m, cần tắm rửa thật kỹ lại để làm sạch lượng thuốc đã bôi trước đó.

Ngoài ra, có thể loại bỏ con cái ghẻ bằng cách dùng thuốc Benzyl benzoat, thuốc trị ghẻ Lindane, thuốc Eurax 10%. 

Trên thực tế, sử dụng thuốc bôi là cách bắt con cái ghẻ nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, người bệnhnên tránh sử dụng loại có chứa thành phần axit mạnh như DDT, 666, lá cơi…

Với những trường hợp bệnh nhân có hiện tượng bội nhiễm, chàm hóa, viêm da, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thêm thuốc kháng sinh, steroid, thuốc kháng histamin…để loại bỏ con cái ghẻ. Cần lưu ý, để đảm bảo an toàn, người bệnh không nên tự ý mua và sử dụng thuốc để tránh những tác dụng phụ không mong muốn. 

4. Cách phòng ngừa cái ghẻ ký sinh hiệu quả

Bệnh ghẻ do con cái ghẻ gây ra có thể bùng lên thành dịch nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, bệnh nhân đã điều trị khỏi vẫn có nguy cơ cao tái phát bệnh. 

Vì thể, chủ động phòng ngừa cái ghẻ ký sinh là biện pháp tốt để tránh bệnh ghẻ. Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa cái ghẻ ký sinh:

- Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là vùng kín, vùng da mỏng, vùng da nhạy cảm như vùng rốn, nách, ngực...

- Thường xuyên giặt quần áo, chăn màn, khăn... Phơi quần áo nơi có ánh sáng mặt trời để loại bỏ ký sinh trùng, nấm bám lên vải. Không sử dụng quần áo, vật dụng vẫn con ẩm ướt.

- Không tiếp xúc gần hay sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người mắc bệnh ghẻ.

Cái ghẻ là ký sinh trùng gây nên bệnh ghẻ và có thể lây lan từ người này sang người khác qua tiếp xúc, sử dụng chung vật dụng cá nhân. Để điều trị dứt điểm, cần loại bỏ con cái ghẻ. Cần lưu ý, người bệnh khi sử dụng các cách bắt con cái ghẻ cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ để đảm bảo an toàn sức khỏe.


https://suckhoehangngay.vn/cai-ghe-la-con-gi-cac-cach-bat-con-cai-ghe-2022071815143539.htm
Tác giả: Ngọc Điệp