Cách xử lý nước uống trong mùa lũ

Cách xử lý nước uống trong mùa lũ
Thiếu nước sạch để sử dụng là vấn đề nan giải của người dân vùng lũ trong mùa mưa bão. Do vậy, để có nguồn nước sinh hoạt an toàn, bảo đảm sức khỏe và phòng tránh các dịch bệnh xảy ra, bạn có thể tham khảo và sử dụng các biện pháp làm sạch nước đơn giản sau đây.

1. Sử dụng nước đóng chai nếu có thể

Nếu chai nước đã tiếp xúc với nước lũ thì cần rửa sạch, nhất là vùng miệng chai, trước khi sử dụng.

Nếu không có nước đóng chai, có thể đun sôi hoặc khử trùng nước. Tuy nhiên, đun sôi hoặc khử trùng sẽ không tiêu diệt được các chất gây ô nhiễm khác, chẳng hạn như kim loại nặng, muối và hầu hết các hóa chất khác.

2. Đun sôi nước trước khi uống

Đun sôi được xem là biện pháp an toàn hơn khử trùng bằng thuốc hoặc hóa chất. Đun sôi nước sẽ tiêu diệt hầu hết các loại sinh vật gây bệnh có thể có trong nước. Nếu nước bị đục, lắng cặn nước rồi chắt lấy nước trong để đun sôi.

Đun ít nhất 1 phút kể từ lúc nước sôi mạnh. Nếu ở độ cao trên 1000 mét, cần đun ít nhất 3 phút. Để nguội rồi bảo quản trong bình sạch, kín hoặc hộp sạch có nắp đậy. Để cải thiện vị của nước đun sôi, thêm một chút muối vào nước, hoặc đổ nước từ thùng sạch này sang thùng sạch khác nhiều lần.

Cách xử lý nước uống trong mùa lũ - Ảnh 2.

3. Khử trùng bằng các viên kháng sinh hoặc thuốc tẩy gia dụng

Nếu không thể đun sôi nước, có thể khử trùng bằng các viên kháng sinh hoặc thuốc tẩy gia dụng. Nếu nước bị vẩn đục, lắng cặn nước rồi chắt lấy nước trong trước khi khử trùng.

- Viên khử trùng nước Aquatabs hoặc viên kháng sinh Chloramin B: Dùng 1 viên Aquatabs cho vào 20 lít nước trong, chờ 30 phút để cho viên Aquatabs  này tan ra hết để khử khuẩn. Hoặc dùng 1 viên Cloramin B 250mg để khử khuẩn thay thế. Tuy nhiên, 1 viên Cloramin B 250mg dùng cho 25 lít nước, nên nếu thùng 20 lít thì bạn nghiền viên này ra và bớt đi một chút.

- Thuốc tẩy: Thuốc tẩy sẽ giết chết một số vi sinh vật gây bệnh, nhưng không phải tất cả. Chỉ sử dụng các sản phẩm tẩy clo thông thường, không mùi, thích hợp để khử trùng và làm vệ sinh. Nhãn có thể ghi rằng thành phần hoạt chất chứa 6 hoặc 8,25% natri hypoclorit.

Không sử dụng chất tẩy có mùi thơm, chất tạo màu hoặc chất tẩy rửa. Thêm 2 giọt thuốc tẩy gia dụng 6% dạng lỏng, không mùi vào mỗi lít nước (40 giọt cho bình 20 lít). Tăng gấp đôi lượng thuốc tẩy nếu nước có màu đục, có màu hoặc quá lạnh.

Khuấy và để yên trong 30 phút. Nước phải có mùi clo nhẹ. Nếu không, hãy lặp lại liều lượng và để yên thêm 15 phút trước khi sử dụng. Nếu mùi clo quá mạnh, hãy đổ nước từ bình sạch này sang bình chứa sạch khác và để yên trong vài giờ trước khi sử dụng.

Nếu dùng thuốc tẩy 8,25% thì giảm lượng clo lại phù hợp: 3 giọt cho 2 lít hay 30 giọt cho bình 20 lít.

4. Sử dụng i-ốt gia dụng

Nếu không thể thực hiện các cách trên, dùng i-ốt gia dụng thông thường (hoặc cồn i-ốt) dùng cho mục đích y tế ở nhà. Thêm 5 giọt cồn i-ốt 2% vào mỗi lít nước. Nếu nước đục hoặc có màu, thêm 10 giọt i-ốt. Khuấy đều và để yên trong nước ít nhất 30 phút trước khi sử dụng.

Cách lắng cặn nước

- Lọc qua vải sạch hoặc giấy thấm

- Để lắng (rất lâu)

- Dùng phèn chua: Dùng 1 gam (khoảng 1 thìa con, thìa cà phê) phèn tán nhỏ, hòa vào 1 bát nước rồi đổ dần vào thùng nước lũ 20 lít, khuấy đều. Khi cho phèn chua vào thùng nước lũ đang đục ngầu thì nước sẽ trong veo trong mấy phút. Đợi khoảng 30 phút rồi gạn lấy nước trong.

Trong lũ lụt, thiếu nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt khi bốn bề ngập nước là 1 vấn đề sức khoẻ môi trường rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ người dân.

Song, vẫn cần lưu ý rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế trong thảm hoạ, phù hợp khi người dân không tiếp cận được với các nguồn nước sạch (nước máy)

Tài liệu tham khảo:

https://www.eatright.org/homefoodsafety/safety-tips/food-poisoning/food-safety-after-a-natural-disaster

https://www.facebook.com/hanh.tran.7564/posts/3935231993173362

https://www.epa.gov/ground-water-and-drinking-water/emergency-disinfection-drinking-water

https://www.cdc.gov/disasters/food

Cách xử lý nước uống trong mùa lũ - Ảnh 4.

Tác giả: Hằng Trần