Cách theo dõi trẻ sau tiêm chủng để phát hiện sớm các bất thường

Cách theo dõi trẻ sau tiêm chủng để phát hiện sớm các bất thường
Phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm chủng là cơ sở để xử lý chúng một cách kịp thời, nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ. Do đó, cần theo dõi trẻ sau tiêm chủng chặt chẽ và toàn diện tại cả cơ sở y tế và tại nhà giúp phát hiện sớm nhất các bất thường diễn ra.

Tiêm chủng được biết đến là phương pháp dự phòng bệnh an toàn bậc nhất hiện nay. Tuy nhiên, mặc dù có tỷ lệ cực thấp nhưng tiêm chủng vẫn có khả năng gây nên những phản ứng sau tiêm nhất định với mức độ thay đổi từ nhẹ, thoáng qua cho đến nặng nề, thậm chí tử vong. Do vậy, theo dõi trẻ sau tiêm chủng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm chủng ở trẻ.

Cách theo dõi trẻ sau tiêm chủng để phát hiện sớm các bất thường - Ảnh 1.

Theo dõi trẻ sau tiêm chủng chặt chẽ để phát hiện sớm các bất thường nếu có (ảnh: internet)

1. Theo dõi trẻ sau tiêm chủng tại cơ sở y tế

Một số phản ứng, đặc biệt là các phản ứng nặng như sốc phản vệ, dị ứng thuốc,... thường xảy ra khá sớm, có thể ngay trong khi tiêm hoặc sau khi tiêm một thời gian ngắn.

Do vậy, sau khi tiêm chủng cha mẹ không nên cho trẻ ra về ngay lập tức mà nên để trẻ tiếp tục ở lại địa điểm tiêm chủng trong ít nhất 30 phút để được theo dõi trẻ sau tiêm chủng chặt chẽ bởi các bác sĩ tại địa điểm tiêm chủng.

Sau đó, trẻ cần phải được kiểm tra lại các dấu hiệu phản ứng sau tiêm và nhiệt độ để xác nhận lại tình trạng một lần cuối trước khi ra về để đảm bảo tuyệt đối về tình trạng bình thường của trẻ.

2. Theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng tại nhà

Sau khi được theo dõi tại cơ sở y tế, trẻ được đưa về nhà và tiếp tục quá trình theo dõi trẻ sau tiêm chủng tại nhà. Thời gian cần thiết để thực hiện theo dõi trẻ sau tiêm chủng tại nhà cần phải diễn ra trong ít nhất 24 tiếng.

Trong khoảng thời gian này, cha mẹ cần:

2.1. Theo dõi chặt tình trạng của trẻ

Khi theo dõi trẻ sau tiêm chủng tại nhà, trẻ cần được theo dõi chặt chẽ và toàn diện các vấn đề khác nhau để có thể phát hiện kịp thời các bất thường xảy ra. Cần theo dõi:

- Trẻ có tình táo hay là lơ mơ, li bì, vật vã, quấy khóc,...

- Trẻ thở bình thường hay khò khè, thở rít, khó thở,...

- Trẻ ăn uống có được hay không, có bị nôn trớ sau ăn hay không?

- Nhiệt độ của trẻ sau tiêm nên được kiểm tra thường xuyên tại nhà, phát hiện sớm các trường hợp tăng hoặc hạ thân nhiệt.

- Trẻ có bị phát ban, mẩm đỏ gì ở ngoài da hay không?

- Tình trạng tại vết tiêm của trẻ như thế nào? Vết tiêm khô hay chảy dịch, máu, mủ bất thường gì không?

- Trẻ có bị tim đập nhanh, tím, lạnh chi hay không,...

Cách theo dõi trẻ sau tiêm chủng để phát hiện sớm các bất thường - Ảnh 2.

2.2. Chăm sóc trẻ đúng cách sau tiêm chủng

Bên cạnh việc theo dõi trẻ sau tiêm chủng thì chăm sóc trẻ đúng cách cũng rất quan trọng. Cha mẹ nên cho trẻ được mặc quần áo thoáng mát và sạch sẽ, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ, đặc biệt là không được đắp bất kỳ thứ gì như bài thuốc, lá thuốc, khoai tây,... lên vết tiêm của trẻ.

Thân thể của trẻ nên cần được vệ sinh sạch sẽ sau khi tiêm chủng để giữ vệ sinh, tránh bội nhiễm tại vết tiêm. Nếu trẻ có sốt hay đau nhiều thì có thể cho trẻ dùng thuốc giảm đau nhưng tuyệt đối phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ về chủng loại và liều lượng thuốc.

2.3. Những trường hợp cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay

Hầu hết các phản ứng sau tiêm chủng thường chỉ ở mức nhẹ và sẽ tự hết sau khoảng 1-2 ngày mà không cần bất cứ điều trị y tế nào. Tuy nhiên, đối với một số phản ứng nặng sau tiêm sẽ cần được phát hiện sớm và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Những biểu hiện của phản ứng nặng sau tiêm chủng ở trẻ mà cha mẹ cần chú ý bao gồm:

- Trẻ quấy khóc trong 3 tiếng liên tục.

- Trẻ sốt cao trong 3 tiếng liên tục.

- Co giật, vật vã,...

- Trẻ tím tái, lạnh các chi,...

- Trẻ khó thở, thở rít, thở khò khè, phải gắng sức khi thở. Nếu ở trẻ nhỏ có thể thấy hõm xương ức của trẻ bị co rút, hay cánh mũi của trẻ phập phồng khi thở.

- Trẻ phát ban,...

Có thể thấy rằng, theo dõi trẻ sau tiêm chủng có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự an toàn của trẻ. Do đó, cha mẹ cần chú ý trẻ hơn trong giai đoạn này để có thể phát hiện sớm nhất các bất thường ở trẻ nếu có.



Tác giả: QN