Cách sử dụng gà đen chữa suy nhược, bồi bổ cơ thể

Cách sử dụng gà đen chữa suy nhược, bồi bổ cơ thể
Gà đen (còn gọi là gà ác, gà chân chì, gà ngũ trảo) quý hiếm, có giá trị dinh dưỡng cao. Đông y thường xuyên sử dụng gà đen làm một vị trong nhiều bài thuốc với các tên gọi như ô kê, ô kê cốt.

1. Gà đen là gà gì?

Gà ác hay còn gọi là ô cốt kê, ô kê hay còn có tên khác là gà đen, gà chân chì, gà ngũ trảo... (Danh pháp khoa học: Gallus gallus domesticus brisson) là một giống gà quý thuộc họ trĩ với những đặc điểm cơ bản đặc trưng như toàn thân và chân đều màu đen và có thịt bổ dưỡng, gà thường được chế biến thành món ăn gà ác tần bổ dưỡng.

Gà đen là loại gà có thân ngắn, mỏ nhỏ, cổ ngắn, có mào, tai màu xanh lục, hơi xanh tím. Gà đen không có lông đen như nhiều người vẫn nghĩ mà toàn thân có lông vũ màu trắng. Ngoài phần cánh ra, toàn thân có lông mịn như nhung, trên đầu có một chùm lông nhỏ mọc nhô ra, dưới miệng đến hai bên mặt có nhiều lông nhỏ ngắn.

Gà đen vốn có tên như vậy là do toàn bộ da, thịt, xương, mỏ đều có màu đen. Loại gà này tuy có cánh ngắn nhưng các lông mao ở cánh tách ra nên khả năng bay khá tốt. Gà đen còn có đặc điểm rất đặc biệt là chân có lông và có 5 móng, phần lông ở bàn chân rất nhiều và dày. Giống gà này dễ bị nhầm lẫn giữa gà ác với giống gà đen (da, thịt đều màu đen) hoặc nhầm với gà ri, gà tre… các đặc điểm đặc trưng của gà ác như da, thịt, xương, nội tạng đều có màu đen và đặc biệt là chân có 5 ngón.

Cách sử dụng gà đen chữa suy nhược, bồi bổ cơ thể - Ảnh 2.

Gà ác hay còn gọi là ô cốt kê, ô kê hay còn có tên khác là gà đen, gà chân chì, gà ngũ trảo... (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

 - Bị chân tay miệng có ăn được thịt gà không?

6 lưu ý khi chế biến thịt gà phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

2. Giá trị dinh dưỡng của gà đen

Thịt gà ác ít lipid nhưng rất giàu protid. Hàm lượng chất dinh dưỡng trong gà ác cao hơn nhiều so với các loại thịt khác, bên cạnh hàm lượng chất béo và cholesterol rất thấp.

Hàm lượng protein trong thịt gà ác đạt tương đối cao (21,9 - 24,6%) trong khi đó ở thịt gà ri là 21,1 - 23,6%), hàm lượng mỡ thấp (0,6 - 2,0%).

Thịt gà ác có chứa tới 18 acid amin với hàm lượng tương đối cao, đặc biệt là các acid aniin không thay thế như Histidine (0,9%), Threonine (1,1%), Arginine (1,5%), Phenylalanine (1,0%), Isoleucine (1,1%), Leucine (2,0%), Lysine (2,0%).

Thịt gà ác còn chứa các acid amin cần thiết cho cơ thể gồm lysine, methionine, histidine, giúp điều tiết khả năng miễn dịch cơ thể và chống lão hóa, nên xưa được gọi là "gà thuốc".

Theo Đông y, gà đen có vị ngọt, mặn, tính bình, quy kinh Can, Thận, có các tác dụng dưỡng âm thoái nhiệt, bổ trung chỉ khát, ích thận dưỡng âm. Gà đen thường được dùng để điều trị các chứng người hư nhược, gầy mòn, nóng trong xương, tiêu khát, tỳ hư đi ngoài phân thường xuyên lỏng nát; bổ cho phụ nữ có thai, điều trị các chứng phụ nữ băng huyết, đới hạ.

Cách sử dụng gà đen chữa suy nhược, bồi bổ cơ thể - Ảnh 3.

Thịt gà ác ít lipid nhưng rất giàu protid (Ảnh: Internet)

3. Các bài thuốc từ gà đen

Dưới đây là một số bài thuốc từ gà đen (gà ác) mà bạn có thể tham khảo:

Bài thuốc ô kê hoàn

Bài thuốc số 1: Trị chứng người hư nhược, người nóng, cơ nhục teo gầy, tay chân mệt mỏi không có lực, lòng bàn tay bàn chân và ngực thấy nóng, bức bối, họng khô, hai gò má đỏ, hay thổn thức, nóng thành cơn, hay ra mồ hôi trộm, ăn uống kém, ho ra máu.

- Thành phần: Nhân sâm, hoàng kỳ, sài hồ, tiền hồ, hoàng liên, hoàng bá, đương quy, bạch phục linh, thục địa, sinh địa, bạch thược, ngũ vị tử, tri mẫu, bối mẫu, xuyên khung, bạch truật, mỗi vị 20g.

- Cách chế biến: Các vị thuốc trên xay vỡ, dùng 1 con gà đen trống nặng khoảng 1kg trở lên, nên dùng con mới lớn béo khỏe, bỏ lông, tiết, rửa sạch, cho các vị thuốc vào trong bụng, lấy chỉ khâu lại. Lấy một ít dấm ngon cho vào nồi, đặt gà đã chuẩn bị trước đó vào, rót rượu để ngập qua lưng khoảng 3cm, lòng cho vào bên cạnh cùng đun cho thật nhừ, gỡ ra, phơi khô cả gà và thuốc, nghiền mịn, dùng phần nước hầm cùng hồ làm hoàn lớn như hạt ngô đồng.

- Cách dùng: Mỗi lần uống 100 viên, uống lúc đói, dùng nước gạo hoặc nước đun sôi để nguội chiêu.

Bài thuốc số 2: Trị chứng lỵ không ăn uống được, do dùng quá nhiều thuốc có tính chát sít làm tổn thương Vị, vừa nghe thấy đồ ăn liền đóng chặt miệng lại, tay chân lạnh.

- Cách chế biến: Lấy 1 con gà đen, bỏ lông, lòng, dùng hồi hương, riềng, đậu đỏ, trần bì, gừng trắng, hoa tiêu, muối cùng hầm cho thật nhừ.

- Cách dùng: Lấy gà ra cho người bệnh ngửi, cho ngửi thấy mùi thơm, nếu muốn ăn thì cho uống phần nước hầm, làm khai vị. Bài thuốc này cũng trị được chứng lỵ lâu ngày.

Bài thuốc trong Bản thảo cương mục trị chứng tỳ hư đại tiện lỏng nát.

- Cách chế biến: Gà đen mái 1 con, rửa sạch. Dùng đậu khấu 80g, thảo quả 2 quả, thiêu tồn tính, cho vào bụng gà, bó lại nấu chín.

- Cách dùng: Ăn lúc bụng đói.

ga-den-2

Gà đen có thể chế biến thành nhiều dạng để tăng cường sức khỏe.

Bài thuốc trị chứng phụ nữ khí hư trắng đỏ lẫn lộn và chứng đàn ông di tinh, đi tiểu đục, hạ nguyên hư nhược.

- Cách chế biến: Bạch quả, liên nhục, hồng mễ mỗi vị 20g, hồ tiêu 4g, nghiền mịn. Một con gà đen làm sạch như bình thường, cho các vị thuốc vào bụng gà, nấu chin.

- Cách dùng: Ăn lúc bụng đói.

Nam giới bị di tinh: Gà đen 1 con, hạt sen trắng 15g, khiếm thực 15g, gạo nếp 150g. Cho tất cả nguyên liệu trên vào nồi, nấu cháo ăn vài lần trong ngày.

Di tinh, tiểu tiện nhiều lần, khó đi tiểu

Gà đen 500g, nhân hạt dẻ 100g, hành, gừng, rượu, dầu ăn mỗi thứ một ít. Gà đen làm sạch lông, bỏ nội tạng, rửa sạch, chặt miếng, chần qua, để ráo nước. Bắc nồi lên bếp, cho dầu ăn, hành phi thơm rồi đổ gà vào, xào qua, cho nhân hạt dẻ vào cùng, đổ nước sâm sấp hầm đến khi thịt chín nhừ, nêm gia vị là dùng được.

Xuất tinh sớm

Gà đen 1 con, ngũ bội tử 30g, hành, rượu gia vị đủ dùng. Gà đen làm lông bỏ nội tạng, chặt miếng. Phi thơm hành cho ngũ bội tử, thịt gà, rượu vào xào săn rồi đổ nước hầm 45 phút sau đó nêm bột ngọt, gia vị vào là dùng được. Ăn cùng cơm. Tuần 2-3 lần.

Tinh ít, tinh loãng

Gà đen 1 con, nhung hươu 10g, tắc kè 1 đôi, bạch truật 15g, ba kích 15g, dâm dương hoắc 15g, sơn thù du 15g. Gà ác làm sạch, bỏ nội tạng, nhung hươu, tắc kè ngâm nước. Các vị thuốc khác rửa sạch, cho vào túi vải buộc chặt. Cho tất cả các thứ trên vào nồi, đổ nước hầm khoảng 40 phút tới khi gà chín nhừ, nêm gia vị vào là dùng được.

Cách sử dụng gà đen chữa suy nhược, bồi bổ cơ thể - Ảnh 5.

Có nhiều cách chế biến gà ác tốt cho sức khỏe (Ảnh: Internet)

Tinh khí, hư suy

Thịt gà đen 100g, đông trùng hạ thảo 10g, hoài sơn 30g. Cho tất cả nguyên liệu trên vào nồi, hầm nhừ rồi nêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày, cách ngày ăn một lần.

Can thận hư, tinh huyết kém

Thịt gà đen 50g, kỷ tử 10g, gừng tươi vài lát. Cho tất cả nguyên liệu trên vào nồi, hầm nhừ, nêm vừa miệng rồi ăn nóng. Tuần ăn vài lần.

Khí huyết hư tinh kém

Gà đen 500g, đương quy 30g, hoàng kỳ 30g. Gà làm sạch, bỏ nội tạng, thái miếng nhỏ. Đương quy, hoàng kỳ rửa sạch, cho tất cả vào nồi, nước vừa đủ, đun to lửa, sau khi đun nhỏ lửa 2 giờ, cho gia vị là ăn được. Cách ngày làm một lần, mỗi đợt điều trị là một tháng. Tuần ăn 2-3 lần.

Suy nhược cơ thể, đầy bụng không tiêu

Gà ác 1 con, thảo quả 2 quả, bột nghệ 3g, hồ tiêu 6g, vỏ quýt 3g, thêm hành, dấm, nước mắm và lượng nước thích hợp, nấu nhừ, ăn khi đói.

Người hay đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau lưng do can thận âm hư

Bài 2: Thịt gà ác 200g rửa sạch, chặt miếng, cho vào nồi hầm với 10g kỷ tử, vài lát gừng tươi cho thật nhừ, cho thêm gia vị ăn nóng.

Công dụng bổ huyết, điều kinh

Gà ác 1 con, làm sạch, bỏ nội tạng, chặt miếng; hoàng kỳ100g rửa sạch, cắt đoạn. Tất cả cho vào nồi hầm thật nhừ, thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Nên ăn trước kỳ kinh 3 ngày, dùng liên tục trong 5 ngày.

Bệnh thiếu máu

Gà ác 1 con, sinh địa 15g, bạch thược 10g, xuyên khung 8g. Gà cho vào hầm nhừ. Các vị thuốc thái nhỏ ngâm trong 1/2 cốc rượu sau đó cho vào gà, tiếp tục hầm nhừ, ăn nóng.

Cách sử dụng gà đen chữa suy nhược, bồi bổ cơ thể - Ảnh 6.

Thận trọng khi ăn gà ác nếu có tiền sử dị ứng thịt gà (Ảnh: Internet)

Cơ thể suy nhược, gầy còm, ốm yếu; bổ tinh khí, cường gân cốt

Thịt gà ác 200g rửa sạch, chặt miếng, cho vào nồi hầm cùng với đông trùng hạ thảo 10g, hoài sơn 30g cho thật nhừ, thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Bệnh nhân bị gãy xương, đau xương khớp

Gà ác 1 con, làm sạch, bỏ nội tạng, tam thất 5g, thái phiến, cho vào trong bụng gà cùng với một chút rượu và gia vị, hầm cách thủy đến khi chin, ăn nóng.

Suy nhược gầy còm, huyết hư sau đẻ

Gà ác 1 con, gạo tẻ 100g, bách hợp 30g. Gà làm sạch bỏ ruột, cho bách hợp vào bụng gà khâu lại, thêm gạo, nước, gia vị rồi hầm nhừ.

Chân gà ác làm thuốc

Xương chân gà ác đã được coi là vị thuốc quý trong y học cổ truyền. Xương chân gà ác phối hợp với những vị thuốc nguồn gốc thực vật được nấu thành cao, gọi là “tinh gà đen”, một loại thuốc bổ chữa hư nhược, kém ăn, mệt mỏi, đau lưng, mất ngủ, sinh lý yếu, bạch đới, băng huyết, kiết lỵ, mồ hôi trộm.

Gân chân gà: Đó là một món ăn lạ (kỳ trân) và được liệt vào 8 món ăn quý (bát trân) dành riêng cho vua chúa và giới thượng lưu, thường có mặt trong các bữa đại tiệc. Gân chân gà, tên thuốc là kê cân, có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ dưỡng cao, mạnh sinh lực, cường gân cốt. Dược liệu được dùng phổ biến dưới dạng thức ăn - vị thuốc, thường nấu nhừ với các vị thuốc bổ nguồn gốc thực vật, rồi ăn nóng. Có thể đem gân phơi khô để khi cần thiết mới dùng.

Người ta thu hoạch gân chân gà bằng cách cho chó đuổi gà đến khi gà đuối sức, gục ngã thì cắt lấy chân, lột da lấy những sợi gân căng mọng. Có người cho rằng giá trị bổ dưỡng của gân chân gà cao hơn nhiều thang thuốc bổ khác và tác dụng mạnh sinh lực, cường gân cốt có thể sánh ngang với cao hổ cốt, nhất là khi phối hợp với các vị thuốc bắc.

Cách sử dụng gà đen chữa suy nhược, bồi bổ cơ thể - Ảnh 7.

Toàn chân gà hoặc từng phầm riêng lẻ như da, gân, xương đều là những vị thuốc (Ảnh: Internet)

Toàn chân gà hoặc từng phầm riêng lẻ như da, gân, xương đều là những vị thuốc.

- Chữa chứng chân tay run rẩy, đi đứng không vững: da chân gà nấu thành cao, uống với nước sắc vỏ ngũ gia bì và thạch xương bồ với liều 8g mỗi ngày.

- Chữa trẻ em da xanh, chậm biết đi, chậm mọc răng: da chân gà ninh nhừ với tôm tươi (để cả vỏ), lấy nước nấu cháo.

- Tác dụng cầm máu: da chân gà đem đốt thành than tán bột, rắc lên vết thương. Có người còn dùng da chân gà với da trâu (cũng đốt thành than), tác dụng cầm máu sẽ tốt hơn.

- Chữa ngộ độc: chân gà rừng 1 cái, đốt thành than, tán bột. Lấy rễ cây phèn đen 20g và rễ mía dò 20g, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml. Uống bột chân gà với nước sắc các dược liệu làm hai lần trong ngày.

- Bồi dưỡng và phục hồi sức khỏe cho người cao tuổi: Viện y học cổ truyền đã có sáng kiến dùng 5 loại xương là xương chân gà 3kg, xương bò hay xương lợn 7kg, xương khỉ 2kg, xương trăn 1kg, nấu thành “cao ngũ cốt”.

Lưu ý: Làm chết gà, không cắt tiết, làm sạch lông, mổ bỏ ruột và phổi, để lại tim, gan, cật và mề đã làm sạch. Xương gà ác là loại thuốc quý nên các món ăn có gà ác thường được hầm nhừ.


Tác giả: SK