Cách rửa trái cây và rau củ sống phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Cách rửa trái cây và rau củ sống phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Rửa hoa quả, rau củ sống đúng cách giúp giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các bệnh tiêu hoá do nhiễm khuẩn E. coli.

Nhiều người nhận thức được rằng cần chế biến và bảo quản thịt đúng cách để bảo vệ sức khoẻ nhưng lại cho rằng nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ rau củ quả sống là thấp. Tiến sĩ Andrew Wadge, nhà khoa học trưởng của Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (FSA) cho biết: "Thật hoang đường khi cho rằng một chút bụi bẩn không gây hại gì cho bạn". 

Trong đất chứa rất nhiều vi khuẩn có hại, khi chúng ta ăn rau củ quả nhiễm khuẩn, chưa được làm sạch có thể gặp các vấn đề như rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, trước khi ăn rau củ quả tươi hoặc kể cả nấu chín, bạn cần đảm bảo rửa nguyên liệu đúng cách, điều này không chỉ loại bỏ vi khuẩn mà còn có thể loại bỏ hóa chất tồn dư.

Cách rửa trái cây và rau củ sống phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm - Ảnh 1.

Rau củ quả sống cũng có thể gây ngộ độc thực phẩm nếu như không được rửa đúng cách (Ảnh: Internet)

1. Rau củ quả sống không được rửa sạch gây ra các nguy hại gì?

Trái cây và rau củ có thể chứa các chất gây ô nhiễm từ ba nguồn trên bề mặt của chúng: đất, cách xử lý của con người và hệ vi sinh vật của chính chúng. Tất cả đều là nguồn mầm bệnh tiềm ẩn cho chúng ta, nhưng những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương, chẳng hạn như người già và phụ nữ mang thai, có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.

Có thể một số vi khuẩn trên trái cây và rau quả là hữu ích, đặc biệt là những vi khuẩn thuộc hệ vi sinh vật của thực vật, có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của chúng ta.

Tuy nhiên, một số ít vi khuẩn và nấm trong đất có khả năng gây hại, bao gồm cả những vi khuẩn gây ngộ độc, uốn ván, listeriosis và histoplasmosis. Trong khi đó, hệ vi sinh vật trong rau rất phức tạp và trong một nghiên cứu của Đức, 4% rau diếp được lấy mẫu đã phát hiện ra sự xâm nhập của vi khuẩn E. coli.

Một số loại vi khuẩn có trong rau có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hoá hoặc ngộ độc thực phẩm, chẳng hạn:

- E. Coli có thể gây tiêu chảy và trong một số trường hợp, vi khuẩn có thể gây bệnh khá nặng.

- Vi khuẩn Salmonella có thể gây ra các vấn đề về dạ dày hoặc nghiêm trọng hơn gây sốt cao và có khả năng đe dọa tính mạng.

- Listeria ảnh hưởng đến đường tiêu hóa nhưng cũng có thể lây lan vào máu hoặc não.

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), các loại vi-rút như Viêm gan A và norovirus cũng là những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh do thực phẩm nhưng thường gây ra các triệu chứng nhẹ.

Cách rửa trái cây và rau củ sống phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm - Ảnh 3.

Hệ vi sinh vật trong rau rất phức tạp, bao gồm cả những vi khuẩn gây ngộ độc, uốn ván, listeriosis và histoplasmosis (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Uống nước ép rau củ sống có dễ nhiễm giun sán không?

10 loại rau củ gây ngộ độc nghiêm trọng nếu không được chế biến kỹ

Mặc dù ăn rau củ quả sống có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm giun sán, ký sinh trùng nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên tránh những thực phẩm này. Việc ăn rau củ quả sống cũng đem lại nhiều lợi ích đối với sức khoẻ.

Trên thực tế, việc ngăn ngừa bệnh tật từ thực phẩm thực vật có thể đơn giản. Sally Twellman, RDN, LD, một chuyên gia dinh dưỡng ở Austin, Texas cho biết: "Việc rửa sạch rau củ quả là rất quan trọng. Rửa đúng cách có thể loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Những hóa chất này đóng một vai trò trong nông nghiệp hiện đại để kiểm soát sâu bệnh, cỏ dại và mầm bệnh nhưng chúng cũng có thể gây ra các vấn đề về đường ruột.".

Twellman giải thích rằng: "Các hóa chất thực vật thực sự sẽ làm hỏng và tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hoá mà cơ thể nỗ lực duy trì."

Thêm nữa, Twellman cho biết các hóa chất này cũng có thể làm hỏng niêm mạc dạ dày và hệ tiêu hóa, liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh mãn tính cao hơn như bệnh tim, chứng mất trí nhớ và một số bệnh ung thư.

Không những loại bỏ hóa chất, rửa rau củ quả đúng cách còn có thể loại bỏ được các vi khuẩn gây ra các vấn đề tiêu hoá, ngộ độc.

2. Cách rửa rau củ quả đúng cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Rửa rau tưởng như là một công việc dễ dàng, nhưng rửa đúng cách mới là điều quan trọng và cần thiết. Một số nguyên liệu trong nhà bếp có thể giúp bạn làm sạch và giảm thiểu nguy cơ rau củ nhiễm khuẩn và gây ngộ độc:

- Rửa rau dưới vòi nước

Theo lời khuyên của Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh, rửa sạch trái cây và rau củ dưới vòi nước chảy trong 30 giây và chà nhẹ bề mặt trong một bát nước, sử dụng bàn chải mềm nếu cần để loại bỏ đất. Điều này có thể giúp loại bỏ hầu hết vi khuẩn và thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, một số loại ký sinh trùng, chẳng hạn như sán lá gan thường sẽ không được loại bỏ bằng cách rửa rau thông thường.

Cách rửa trái cây và rau củ sống phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm - Ảnh 4.

Ảnh: SKHN

- Ngâm trong nước

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bảo vệ Thực phẩm (1) cho biết, trong hầu hết các trường hợp, ngâm rau củ quả ít nhất hai phút trước khi rửa hiệu quả hơn trong việc giảm vi khuẩn có hại.

- Ngâm giấm

Một nghiên cứu cũ cho thấy rằng, cho một chút giấm vào nước ngâm có tác dụng ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm tốt hơn so với chỉ dùng nước lọc thường. Bạn có thể dùng khoảng 1 đến 2 thìa giấm ngâm với rau củ quả đã được làm sạch trong thau nước. Để trong khoảng 10 phút, sau đó bạn vớt ra và để nguyên liệu ráo nước.

- Ngâm baking soda

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm (2) cho biết độ pH kiềm của baking soda giúp phân hủy dư lượng thuốc trừ sâu. Cũng tương tự như cách ngâm giấm, bạn đổ một lượng baking soda vừa đủ vào thau nước, tiếp theo ngâm rau của quả trong khoảng 10 phút, sau đó rửa lại bằng nước ngọt một lần nữa và vớt ra để ráo.

Ngoài ra, để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi sơ chế và chế biến thực phẩm, bạn nên lưu ý:

- Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi sơ chế trái cây, rau và làm sạch thớt

- Giữ thực phẩm sống, bao gồm cả rau, tách biệt với thực phẩm chín

- Sử dụng các loại thớt, dao và dụng cụ khác nhau cho thực phẩm sống và thực phẩm chín, hoặc rửa kỹ những vật dụng này sau mỗi lần sử dụng.

Nguồn tham khảo:

1. 4 Easy Tips for Safer Fruit and Vegetable Washing, from Food Safety and Nutrition Authorities

2. Fresh fruit: does washing produce reduce the risk of food poisoning?

3. How to wash fruit and vegetables


Tác giả: Vân Anh