Cách phòng ngừa bệnh tai mũi họng ngày nắng nóng

Cách phòng ngừa bệnh tai mũi họng ngày nắng nóng
Những thói quen làm mát cơ thể vào những ngày nắng nóng là nguy cơ tiềm ẩn gây nên các bệnh tai - mũi - họng. Vậy cách phòng ngừa bệnh tai mũi họng như thế nào?

Tai mũi họng là 3 bộ phận liên quan mật thiết với nhau, có nhiệm vụ nghe, thở, nói và giúp cơ thể giữ thăng bằng. Bệnh tai mũi họng xảy ra khi các cơ quan này bị viêm, bị tổn thương hoặc bị nhiễm trùng.

Bệnh tai mũi họng thường dai dẳng, dễ tái phát, nhất là khi thời tiết thay đổi, sống trong môi trường ô nhiễm, từ những thói quen hàng ngày.

1. Các bệnh về tai

Một số bệnh về tai thường gặp nhất trong mùa hè: Viêm ống tai ngoài, nhiễm nấm ở ống tai ngoài, viêm và nhiễm khuẩn tai giữa. 

Viêm tai giữa thường diễn ra ở trẻ nhỏ do miễn dịch kém và cấu trúc vòi nhĩ chưa hoàn chỉnh. Một số triệu chứng khi bị viêm tai giữa: chảy dịch hoặc mủ, giảm thính lực, sốt, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, đau họng, buồn nôn.

Viêm tai ngoài là tình trạng thường gặp và mức độ nhẹ hơn. Dấu hiệu khi bị viêm tai ngoài bao gồm: đau tai, đặc biệt là khi nằm xuống, khó nghe hoặc nghe bị nghẹt, cảm thấy đầy tai, có dịch từ tai, ấm và đỏ da tai, ù tai.

Cách phòng ngừa bệnh tai - mũi - họng ngày nắng nóng - Ảnh 1.

Nhiều thói quen hàng ngày chính là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm tai (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: 

Những hiểu lầm về viêm xoang phổ biến không phải ai cũng biết

Chảy máu tai là bệnh gì, có nguy hiểm không?

Nguyên nhân gây ra các bệnh về tai chủ yếu đến từ một số thói quen như:

- Tắm ở sông ngòi, hồ bơi không đảm bảo vệ sinh

- Không vệ sinh tai nghe, đeo tai nghe quá lâu

- Dùng chung dụng cụ vệ sinh tai

- Nhiễm khuẩn ngược dòng từ họng qua ống vòi nhĩ

2. Các bệnh về mũi

Các vấn đề về mũi thường gặp trong thời tiết nóng nực: Chảy máu cam, viêm xoang, viêm mũi dị ứng.

Viêm xoang và viêm mũi dị ứng gây ra những triệu chứng rất khó chịu như: đau đầu, chảy nước mũi, nghẹt mũi, mệt mỏi, ho, …

Cách phòng ngừa bệnh tai - mũi - họng ngày nắng nóng - Ảnh 2.

Nhiều người bị viêm xoang, viêm mũi dị ứng vào mùa hè (Ảnh: Internet)

Về nguyên nhân gây ra các bệnh về mũi:

- Chảy máu cam do mũi bị tổn thương vì ngoáy mũi, xì mũi nhiều hoặc mạnh, khí hậu nóng, khô. Ngoài ra, nếu chảy máu mũi thường xuyên, có thể đây là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc bệnh lý nào đó. Vì vậy, khi chảy máu cam bất thường, các bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị.

- Viêm xoang là tình trạng viêm các xoang- những vùng rỗng của hộp sọ bao quanh mắt và mũi. Nguyên nhân gây ra bệnh này là do vi khuẩn, virus phát triển trong xoang, làm tổn thương tế bào lông chuyển ở lớp niêm mạc. Ngoài ra, còn do một số yếu tố khác như môi trường ô nhiễm, bật điều hoà quá lạnh, dị ứng với phấn hoa, …

- Viêm mũi dị ứng: Tình trạng này xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với chất gây kích ứng trong không khí. Các chất gây kích ứng (chất gây dị ứng) rất nhỏ nên bạn có thể dễ dàng hít phải chúng qua mũi hoặc miệng. Nguyên nhân gây ra viêm mũi dị ứng là do ô nhiễm môi trường, khói, lông động vật, phấn hoa từ thực vật, …

3. Các bệnh về họng

Vào mùa hè viêm họng, viêm amidan là căn bệnh mọi người thường gặp phải. Các dấu hiệu đặc trưng như đau họng, khó nuốt, ho, cổ họng sưng tấy, sốt, hơi thở hôi, …

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm họng vào mùa hè do thói quen uống nhiều nước lạnh, bật điều hoà với nhiệt độ thấp, … Ngoài ra, viêm họng cũng có thể do một số bệnh lý khác gây ra như cảm lạnh, nhiễm trùng, dị ứng, ... 

Viêm amidan vào ngày hè cũng do ăn uống nhiều đồ lạnh, nhiệt độ từ điều hoà, vệ sinh cá nhân kém, thay đổi thời tiết đột ngột, ... 

Cách phòng ngừa bệnh tai - mũi - họng ngày nắng nóng - Ảnh 3.

Ăn uống đồ lạnh, bật điều hoà với nhiệt độ thấp dễ gây viêm họng, viêm amidan (Ảnh: Internet)

Có thể nói, do nhiệt độ, môi trường cũng như thói quen vào những ngày hè làm gia tăng các bệnh về tai - mũi - họng. Một số bệnh như viêm mũi dị ứng, chảy máu cam, viêm tai ngoài, … có thể tự khỏi. Nhưng nếu tình trạng diễn ra một cách lâu dài sẽ gây hại đến các cơ quan trên. Vì vậy, khi có dấu hiệu về các bệnh tai - mũi - họng, các bạn nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị, chăm sóc.

4. Cách phòng tránh bệnh tai - mũi - họng vào ngày hè

Các bệnh tai - mũi - họng xảy ra đều do nguyên nhân chủ quan và khách quan. Vì vậy để phòng tránh bệnh liên quan đến các cơ quan này, mọi người nên vệ sinh sạch sẽ và thay đổi một số thói quen là tác nhân gây bệnh, cụ thể:

- Phòng tránh các bệnh về tai:

+ Khi đi bơi nên chọn hồ bơi sạch sẽ, sau khi bơi xong vệ sinh tai đúng cách, không để tai bị ướt.

+ Không dùng chung các dụng cụ vệ sinh tai

+ Vệ sinh tai nghe thường xuyên, không đeo tai nghe quá lâu

+ Thường xuyên vệ sinh tai bằng nước muối, tránh dùng tăm bông hay vật nhọn chọc ngoáy vào tai. Ngoài ra, cần dùng khăn ấm để làm sạch vành tai và những vùng xung quanh tai. 

Cách phòng ngừa bệnh tai - mũi - họng ngày nắng nóng - Ảnh 4.

Vệ sinh sạch sẽ tai - mũi - họng giúp phòng ngừa các bệnh liên quan các cơ quan này (Ảnh: Internet)

- Phòng tránh các bệnh về mũi:

+ Khi ra ngoài nên đeo khẩu trang, nhất là khi không khí bị ô nhiễm nặng

+ Vệ sinh mũi bằng nước muối 2 lần/ngày, không dùng tay ngoáy mũi.

+ Nhà có thú cưng, động vật nên dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, khi lau dọn nên đeo khẩu trang kín. 

- Phòng tránh bệnh về họng:

+ Hạn chế uống nước đá, chỉ nên uống nước mát. Vào buổi sáng nên uống một ly nước ấm, vừa bảo vệ họng lại đào thải, tốt cho sức khoẻ. 

+ Giữ ấm cho cơ thể khi bật điều hoà, lưu ý nên để nhiệt độ vừa phải từ 27 - 30 độ C, phòng tránh gặp một số tình trạng như liệt dây thần kinh, sốc nhiệt, mệt mỏi, …

+ Vệ sinh răng miệng hàng ngày, súc miệng bằng nước muối.

Bên cạnh đó, để đảm bảo sức khoẻ tổng thể cũng như phòng các bệnh tai - mũi - họng các bạn nên tăng cường sức đề kháng bằng các thực phẩm giàu dinh dưỡng như Vitamin C, Vitamin A, Quercetin, Kẽm, Salen. Đi bộ, đạp xe, tập thể dục, thể thao thường xuyên để tăng sức bền, sức đề kháng. Mỗi ngày uống từ 1,5 đến 2 lít nước.

Trên đây là cách phòng ngừa bệnh tai mũi họng vào những ngày hè. Đây là thời điểm dễ bị mắc các bệnh lý liên quan đến bộ phận này, nên khi có dấu hiệu bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp. 


https://suckhoehangngay.vn/cach-phong-ngua-benh-tai-mui-hong-ngay-nang-nong-20220707114018927.htm
Tác giả: Vân Anh