Cách phân loại bệnh trĩ dựa trên một số dấu hiệu đặc trưng

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Cách phân loại bệnh trĩ dựa trên một số dấu hiệu đặc trưng
Bệnh trĩ là một trong những căn bệnh về đường ruột phổ biến hiện nay. Việc phân loại bệnh trĩ thông qua các biểu hiện cụ thể của bệnh sẽ giúp bệnh nhân và bác sĩ phương án điều trị phù hợp. Vậy hãy cùng tìm hiểu về bệnh trong bài viết dưới đây nhé!

Bệnh trĩ là một căn bệnh ngày càng phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Các nhà khoa học đã chỉ ra cách phân loại bệnh trĩ thành trĩ nội, trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp và cấp độ khác nhau để có phương án điều trị bệnh trĩ hiệu quả với từng giai đoạn. Vậy phân loại bệnh trĩ như thế nào, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!

1. Bệnh trĩ nội

Bệnh trĩ nội là khi các tĩnh mạch trĩ phía trên đường lược bị giãn quá mức. Lúc này các búi trĩ xuất hiện chính là lớp niêm mạc ống hậu môn. Bệnh trĩ nội khi xuất hiện thường sẽ gây đau đớn cho người bệnh và trong phân loại bệnh trĩ nội, chúng lại được chia làm 4 cấp độ tuỳ theo diễn tiến:

- Cấp độ 1: Lúc này bệnh mới hình thành và chủ yếu được nhận biết qua hiện tượng chảy máu vùng hậu môn.

- Cấp độ 2: Ở cấp độ này búi trĩ sa ra ngoài khi đi đại tiện nhưng có thể tự thụt lại vào trong.

- Cấp độ 3: Búi trĩ sa ra ngoài khi đi đại tiện và bệnh nhân phải dùng tay hoặc vật dụng để nhét búi trĩ vào lại bên trong hậu môn.

- Cấp độ 4: Đây là cấp độ nguy hiểm nhất, lúc này búi trĩ sa ra ngoài hậu môn thường xuyên. Nếu không cẩn thận có thể bị thắt nghẹt hoặc nghiêm trọng hơn là hoại tử do đó cần tiến hành phẫu thuật để nhanh chóng điều trị bệnh trĩ.

2. Bệnh trĩ ngoại

Bệnh trĩ ngoại tương tự như trĩ nội nhưng biểu hiện lại khó nắm bắt và nguy hiểm hơn rất nhiều. Bệnh trĩ ngoại là được đánh giá là một bệnh lý liên quan đến hậu môn và trực tràng cực kì nguy hại.

Căn bệnh này là nguyên nhân gián tiếp gây nên nhiễm trùng máu và thậm chí là ung thư hậu môn. Căn bệnh này gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt, uy hiếp " khả năng chăn gối" và gây nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân.

Bệnh trĩ ngoại xuất hiện khi các tĩnh mạch phía dưới đường lược có những tổn thương như bị giãn quá mức. Lúc này, biểu hiện của bệnh trĩ là lớp biểu mô lát tầng, có thần kinh cảm giác sẽ bị tổn thương.

Khác với trĩ nội thì bệnh nhân bị trĩ ngoại thường không bị chảy máu hay đau rát nhiều. Bệnh nhân khó phát hiện bệnh hơn và chỉ khi búi trĩ phát triển to gây nhiễm trùng, tắc mạch mới có hiện tượng đau rát, chảy máu. Cũng vì lí do đó mà bệnh trĩ ngoại thường không được phân chia cấp độ như trĩ nội. Đây là yếu tốt giúp phân loại bệnh trĩ nội và bệnh trĩ ngoại. 

3. Bệnh trĩ hỗn hợp

Bệnh trĩ hỗn hợp tức là trên cùng một bệnh nhân xuất hiện cả trĩ nội và ngoại. Bệnh trĩ hỗn hợp là do bệnh trĩ kéo dài quá lâu dẫn đến phần trĩ nội và ngoại sẽ liên kết với nhau tạo thành. Đặc biệt, búi trĩ nội khi đã phát triển tới cấp độ 3, thường hiện diện dưới hình thái được y học gọi là trĩ hỗn hợp.

Ngoài những dấu hiệu của bệnh trĩ tương tự như đã biểu hiện ở trĩ nội và trĩ ngoại, bệnh trĩ hỗn hợp còn được phát hiện thông qua một số biểu hiện cụ thể như:

- Khi mắc bệnh trĩ hỗn hợp, biểu hiện đại tiện ra máu sẽ diễn ra thường xuyên hơn do phân di chuyển và cọ xát với búi trĩ. Lượng máu chảy ra lúc này phụ thuộc mức độ phát triển nặng nhẹ của bệnh. Nếu bệnh ở giai đoạn đầu, máu chỉ đi kèm với phân hoặc dính một ít trên giấy vệ sinh. Khi đã phát triển đến giai đoạn sau, máu sẽ chảy nhiều hơn, có thể chảy thành giọt hoặc thậm chí là chảy thành tia gây ra hiện tượng thiếu máu.

- Biểu hiện đặc trưng của bệnh trĩ hỗn hợp là xung quanh hậu môn tiết ra nhiều dịch nhầy. 

Nguyên nhân của hiện tượng này là do niêm mạc trực tràng bị kích thích trong một thời gian tương đối dài gây ra. Điều này khiến dịch tiết ra nhiều và tràn cả ra ngoài hậu môn gây cảm giác khó chịu, thậm chí gây viêm loét hoặc nghiêm trọng hơn là gây apxe hậu môn.

- Như chúng ta đã biết, búi trĩ nội ban đầu được hình thành ở bên trong ống hậu môn với kích thước rất nhỏ, sau đó sẽ dần dần sa xuống và liên kết với búi trĩ ngoại. 

Do vậy, búi trĩ hỗn hợp thường có kích thước lớn và dài. Điều này cũng có nghĩa là nó rất khó co lại vào bên trong ống hậu môn. Người mắc bệnh trĩ hỗn hợp việc di chuyển gặp nhiều rất nhiều bất tiện, ngay cả đứng lên hay ngồi xuống cũng cảm thấy khó khăn.

Bệnh trĩ khiến người bệnh gặp không ít phiền toái và khó khăn với những tính chất, diễn biến phức tạp và nguy hiểm. Bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về cách phân loại bệnh trĩ với hi vọng những nội dung về cách nhận biết bệnh trĩ hữu ích này sẽ giúp bạn có phương án phòng điều trị bệnh trĩ hiệu quả.


Tác giả: Nguyễn Thị An