Cách phân biệt viêm mũi dị ứng và viêm mũi không do dị ứng

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Cách phân biệt viêm mũi dị ứng và viêm mũi không do dị ứng
Viêm mũi dị ứng và viêm mũi không do dị ứng đều là tình trạng viêm và kích thích màng nhầy lót mũi. Tình trạng này có thể được gây ra bởi vi khuẩn, hóa chất, phấn hoa, bụi bẩn, khói, hoặc virus. Tùy vào nguyên nhân gây viêm, bác sĩ sẽ xác định viêm mũi là do dị ứng hay không do dị ứng.

1. Phân biệt nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng và viêm mũi không do dị ứng

Nguyên nhân gây bệnh là cực kỳ quan trọng trong chẩn đoán và điều trị viêm mũi dị ứng và viêm mũi không do dị ứng.

1.1. Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng được kích hoạt bởi sự nhạy cảm với các chất gây dị ứng trong môi trường mà mũi hít phải như phấn hoa, hóa chất, và bụi. Cơ thể phản ứng với các chất gây dị ứng tạo ra các triệu chứng như tắc nghẽn mũi, sưng, chảy nước mũi,... Viêm mũi dị ứng có thể chia ra thành 3 dạng:

- Viêm mũi dị ứng theo mùa: Do cơ thể dị ứng với các tác nhân theo mùa, ví dụ như mùa phấn hoa (thường là mùa xuân hoặc mùa thu).

- Viêm mũi dị ứng lâu năm: Do cơ thể dị ứng với các tác nhân tồn tại quanh năm trong môi trường sống như mạt bụi, vảy da, nấm mốc,...

- Viêm mũi dị ứng gián đoạn: Do cơ thể phát sinh phản ứng với các chất gây dị ứng gặp phải như khói thuốc lá, hóa chất nơi làm việc,....

1.2. Viêm mũi không do dị ứng

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh viêm mũi không do dị ứng, bao gồm:

- Viêm mũi u hạt: Tương đối hiếm gặp, loại này được đặc trưng bởi sự hình thành u hạt trong niêm mạc mũi. Lao và giang mai đều tạo ra dạng viêm mũi này.

- Viêm mũi do thuốc: Gây ra bởi việc sử dụng một số loại thuốc uống hoặc thuốc bôi. Thường gặp nhất là bệnh nhân lạm dụng aspirin trên 5 ngày. Các thuốc khác có thể bao gồm thuốc hạ huyết áp, thuốc chống viêm không steroid, thuốc tránh thai.

- Viêm mũi do hormone: mang thai, sử dụng biện pháp tránh thai đường uống và suy giáp có thể kích hoạt thể loại này, thường xảy ra ở ba tháng đầu của thai kỳ và sẽ hết sau khi sinh con.

- Viêm mũi truyền nhiễm: Có thể là viêm mũi cấp tính (thường do virus) hoặc viêm mũi mạn tính (bệnh viêm mũi họng kéo dài).

- Viêm mũi cấu trúc: Do bất thường cấu trúc trong vách ngăn mũi. Những bất thường này có thể là kết quả của một chấn thương hoặc bẩm sinh.

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng và viêm mũi không do dị ứng là rất khác nhau. Nếu biết được nguyên nhân gây bệnh thì ta có thể dễ dàng phân biệt được 2 căn bệnh này.

2. Triệu chứng viêm mũi dị ứng và viêm mũi không do dị ứng

Triệu chứng của viêm mũi dị ứng và viêm mũi không do dị ứng rất giống nhau, thường bao gồm:

- Hắt hơi.

- Nghẹt mũi.

- Sổ mũi.

- Ho.

Tuy nhiên, ở viêm mũi dị ứng, có thể gặp thêm một số triệu chứng như ngứa mũi, đỏ và ngứa mắt, phát ban ở da.

Vì viêm mũi dị ứng và viêm mũi không do dị ứng có các dấu hiệu rất giống nhau nên bác sĩ rất khó chẩn đoán bệnh chỉ dựa và triệu chứng. Thông thường để chẩn đoán viêm mũi dị ứng và viêm mũi không do dị ứng, bác sĩ cần thực hiện xét nghiệm đếm số lượng tế bào bạch cầu ái toan. Viêm mũi dị ứng thì trong máu có chứa rất nhiều tế bào bạch cầu ái toan.

Ngược lại, viêm mũi không do dị ứng thì trong máu có rất ít tế bào bạch cầu ái toan.

3. Điều trị

Vì nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng và viêm mũi không do dị ứng khác nhau, nên phương pháp điều trị chúng cũng khác nhau.

3.1. Viêm mũi dị ứng

- Tránh xa các tác nhân gây dị ứng

- Sử dụng thuốc corticoid để giảm sưng, giảm viêm, giúp thông thoáng mũi.

- Dùng thuốc kháng histamine để làm giảm các triệu chứng của phản ứng dị ứng.

3.2. Viêm mũi không do dị ứng

Thường bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây viêm mũi không dị ứng trước, từ đó đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp. Thông thường là:

- Sử dụng thuốc tăng cường hoặc ức chế giao cảm.

- Sử dụng kháng sinh trong những trường hợp bị viêm mũi do nhiễm khuẩn.

- Sử dụng Azelastin giúp thuyên giảm triệu chứng khó chịu.

- Phẫu thuật cắt dây thần kinh ở hố chân bướm hàm trong hốc mũi hoặc phẫu thuật tạo hình lại vách ngăn mũi.

Rửa mũi là phương pháp điều trị rất tốt cho cả viêm mũi dị ứng và viêm mũi không do dị ứng. Rửa mũi giúp mũi thông thoáng tức thì, bệnh nhanh khỏi hơn.


Tác giả: Mai Nhung