Sốt virus (hay sốt siêu vi trùng, sốt siêu vi) là loại bệnh do sự tấn công của các loại virus, nhiều nhất là virus đường hô hấp.
Bệnh nhân được coi là mắc sốt virus khi nhiễm loại virus không đặc hiệu và chưa xác định được nguyên nhân. Khi đã xác định được tác nhân, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán bệnh cụ thể như bệnh sởi, sốt xuất huyết, bệnh thủy đậu, Rubella,..
Trong khi đó, sốt nhiễm khuẩn lại là bệnh do các loại vi khuẩn gây ra và hoàn toàn có thể chẩn đoán theo căn nguyên. Ví dụ, vi khuẩn thương hàn gây ra bệnh sốt thương hàn,...
Như vậy, tác nhân gây bệnh sốt virus và sốt nhiễm khuẩn là hoàn toàn khác nhau. Mặc dù có nhiều biểu hiện tương đồng, khó nhận diện, nhưng nếu quan sát kỹ, có thể phân biệt sốt virus và sốt nhiễm khuẩn bằng một số dấu hiệu dưới đây.
Sốt virus là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, có cơ chế hoạt động theo mùa, đặc biệt là các giai đoạn thời tiết nhiều biến động, nắng mưa đan xen kết hợp với các yếu tố môi trường khác khiến cơ thể không kịp thích nghi, tạo điều kiện cho virus phát triển mạnh và tấn công người. Trong khi đó, sốt nhiễm khuẩn lại có thể xảy ra quanh năm, ở mọi lứa tuổi.
Có thể dựa vào các triệu chứng thể hiện ra bên ngoài để phân biệt sốt virus và sốt nhiễm khuẩn. Sốt virus thường có các biểu hiện đặc trưng như sốt cao liên tục, đau đầu, mệt mỏi, viêm đường hô hấp (họng sưng, tấy đỏ, viêm amidan, viêm phế quản, ho, ngạt mũi, sổ mũi, hắt hơi liên tục,...), rối loạn tiêu hóa, nôn trớ, phát ban nhẹ,...
Ngược lại, bệnh sốt do nhiễm khuẩn gây ra lại thường không có biểu hiện đặc trưng. Mỗi loại vi khuẩn gây bệnh lại gây ra các triệu chứng khác nhau, tùy theo căn nguyên. Bệnh sốt nhiễm khuẩn cũng thường gây ra sốt cao liên tục trong nhiều ngày.
Sốt virus thông thường là bệnh không quá nguy hiểm, bệnh nhân có thể nghỉ ngơi, điều trị tại nhà và bệnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Trong cơn sốt, cha mẹ có thể sử dụng paracetamol để hạ nhiệt cơ thể theo liều lượng phù hợp.
Ngoài ra, để hỗ trợ điều trị sốt virus, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân cũng là điều rất quan trọng, cần lưu ý. Bệnh nhân cần được bù nước và chất điện giải đầy đủ, đặc biệt là trong các cơn sốt. Có thể bù nước bằng oresol, nước ép trái cây,... Bên cạnh đó, cần bổ sung chất dinh dưỡng trong thực đơn hằng ngày để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Trong khi đó, việc điều trị bệnh sốt nhiễm khuẩn lại phức tạp hơn và cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Đối với các loại vi khuẩn nhất định, cần sử dụng loại kháng sinh đặc hiệu để điều trị bệnh. Có thể phát hiện bệnh sốt do nhiễm khuẩn khi bạch cầu máu và tỷ lệ bạch cầu trung tính tăng cao, cùng các chỉ số CRP, procanxitonin cũng tăng mạnh, tiến hành soi cấy vi khuẩn cho kết quả dương tính.
Tương tự với bệnh do sốt virus, bệnh nhân sốt nhiễm khuẩn cũng cần được nghỉ ngơi và bù nước, bổ sung dinh dưỡng thường xuyên. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng. Các kết quả xét nghiệm và chỉ số sức khỏe cũng cần được theo dõi để sớm phát hiện các dấu hiệu bât thường.
Để phòng bệnh sốt virus và sốt nhiễm khuẩn, điều quan trọng nhất là cần giữ gìn cơ thể sạch sẽ để các loại mầm bệnh không thể tấn công. Ngoài ra, cũng cần cải thiện sức đề kháng của cơ thể để tăng khả năng chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn.