Cách phân biệt bệnh bạch cầu và đa u tuỷ

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Cách phân biệt bệnh bạch cầu và đa u tuỷ
Phạm vi ảnh hưởng, triệu chứng và yếu tố rủi ro là những đặc điểm giúp phân biệt bệnh bạch cầu và đa u tuỷ. Đồng thời, đây cũng là tiền đề giúp bác sĩ đề ra phương án điều trị thích hợp.

Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa bệnh bạch cầu và đa u tuỷ do những điểm tương đồng của chúng.

Tuy nhiên, 2 căn bệnh này vẫn có sự khác biệt về phạm vi ảnh hưởng, triệu chứng và yếu tố rủi ro. Cùng tìm hiểu thêm về cách phân biệt bệnh bạch cầu và đa u tuỷ trong bài viết sau.

1. Sự khác biệt trong phạm vi ảnh hưởng của bệnh bạch cầu và đa u tuỷ

Bệnh bạch cầu và đa u tuỷ có thể được nhận biết nhờ phạm vi ảnh hưởng của bệnh. Đa u tủy thường phát triển trong tủy xương và ảnh hưởng đến các tế bào plasma. Các tế bào plasma giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng bằng cách tạo ra các kháng thể nhận biết và tấn công vi trùng. Khi các tế bào plasma trở thành ung thư, chúng có thể tích tụ trong tủy và làm suy yếu xương. Các tế bào plasma ung thư cũng tạo ra các kháng thể bị lỗi, khiến cơ thể không thể chống lại tình trạng nhiễm trùng.

Trong khi đó bệnh bạch cầu lại thường bắt đầu từ tủy xương và đi qua dòng máu. Ở bệnh bạch cầu, tủy xương tạo ra các tế bào đột biến và lây lan chúng vào máu. Đây cũng là nơi mà chúng phát triển và xâm lấn đến các tế bào máu khỏe mạnh.

2. Dấu hiệu nhận biết của bệnh bạch cầu và đa u tuỷ

Dấu hiệu của bệnh đa u tủy sẽ có sự khác biệt giữa các bệnh nhân. Thậm chí, trong giai đoạn đầu bệnh có thể không được biểu hiện bằng các triệu chứng rõ rệt. Các dấu hiệu đặc trưng nhất của đa u tuỷ bao gồm:

- Đau xương, đặc biệt là ở vùng xương cột sống hoặc ngực.

- Buồn nôn.

- Táo bón.

- Ăn không ngon và sút cân nhanh.

- Rối loạn tâm thần hoặc đãng trí.

- Mệt mỏi.

- Cơ thể dễ nhiễm trùng.

- Cảm giác yếu hoặc tê ở chân.

- Cảm giác khát nước cực độ.

Các triệu chứng của bệnh bạch cầu cũng có sự khác biệt đối với từng bệnh nhân. Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể lầm tưởng triệu chứng của bệnh sang một căn bệnh khác. Giống như đa u tủy, bệnh bạch cầu cũng gây ra những cơn đau nhức xương khớp. Ngoài đau xương, bệnh còn được nhận biệt nhờ những triệu chứng đặc trưng sau:

- Dễ chảy máu, bầm tím hoặc chảy máu cam.

- Gan hoặc lá lách mở rộng.

- Xuất hiện những đốm đỏ nhỏ trên da, các đốm này được gọi là petechiae.

- Da nhợt nhạt.

3. Yếu tố rủi ro của 2 căn bệnh cũng khác nhau

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đa u tủy bao gồm:

- Tuổi tác: Nguy cơ đa u tủy có thể tăng lên khi bạn già đi, đặc biệt là ở độ tuổi 60.

- Giới tính: Đàn ông có nhiều khả năng mắc đa u tuỷ hơn so với phụ nữ.

- Tiền sử gia đình: Nếu gia đình bạn có người bị đa u tủy thì bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

- Tiền sử cá nhân từng mắc Gammopathy thể đơn dòng không xác định (MGUS).

Trong khi đó, bệnh bạch cầu lại thường hình thành và phát triển nhờ những yếu tố sau:

- Rối loạn di truyền.

- Tiền sử bệnh của gia đình.

- Từng tiếp xúc với các loại hóa chất.

- Từng xạ trị hoặc hóa trị trước đó.

- Hút thuốc lá.

4. Sự khác biệt trong chẩn đoán và điều trị bệnh bạch cầu và đa u tuỷ

Bệnh bạch cầu và đa u tuỷ có những phương pháp chẩn đoán và điều trị khác nhau.

Các xét nghiệm và thủ tục được sử dụng để chẩn đoán đa u tủy bao gồm:

- Xét nghiệm máu

- Xét nghiệm nước tiểu.

- Kiểm tra tủy xương bằng phương pháp sinh thiết.

- Các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, MRI, CT scan hoặc chụp cắt lớp phát xạ positron (PET).

Đối với chẩn đoán bệnh bạch cầu, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm các xét nghiệm sau:

- Xét nghiệm máu.

- Sinh thiết tuỷ xương.

Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn một phương án điều trị phù hợp. Điều trị đa u tuỷ trị có tác dụng giảm đau và kiểm soát các biến chứng của bệnh. Đồng thời, nó cũng giúp ổn định tình và làm chậm tiến trình đa u tủy. 

Nếu bạn bị đa u tủy nhưng không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào (đa u tủy âm ỉ), bạn có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn sẽ thường xuyên theo dõi tình trạng tiến triển của bệnh. Điều này thường được tiến hành bằng cách xét nghiệm máu và nước tiểu định kỳ.

Trong trường hợp đa u tuỷ phát triển, bạn sẽ được chỉ định một trong các phương án sau:

- Trị liệu nhắm mục tiêu.

- Liệu pháp sinh học.

- Hóa trị.

- Xạ trị.

- Corticosteroid.

- Cấy ghép tủy xương.

Cũng giống như đa u tuỷ, bệnh bạch cầu mãn không yêu cầu việc điều trị khẩn cấp. Tuy nhiên, khi bệnh bắt đầu khó kiểm soát, bạn sẽ được yêu cầu các phương pháp điều trị gồm:

- Hóa trị.

- Xạ trị.

- Ghép tế bào gốc.

- Liệu pháp nhắm mục tiêu.

- Liệu pháp sinh học.

Việc nhầm lẫn giữa bệnh bạch cầu và đa u tuỷ có thể ảnh hưởng đến quyết định điều trị. Do đó, khi cần điều trị hãy đến những cơ sở y tế có chuyên môn cao và uy tín. Tại đây, với thiết bị hiện đại, các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác 2 căn bệnh này. 


Tác giả: Thùy Dung