Cách phân biệt bệnh bạch cầu cấp tính và bệnh bạch cầu mãn tính

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Cách phân biệt bệnh bạch cầu cấp tính và bệnh bạch cầu mãn tính
Bệnh bạch cầu cấp tính và bạch cầu mãn tính thường được phân biệt nhờ triệu chứng và yếu tố nguy cơ. Nhận biết đúng loại bệnh chính là tiền đề để bác sĩ đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Bệnh bạch cầu cấp tính và mãn tính đều là những căn bệnh cực kì nguy hiểm. Chúng đều xuất hiện khi các tế bào máu trong tủy xương có vấn đề và khiến tế bào ung thư hình thành. Vậy bệnh bạch cầu cấp tính và bạch cầu mãn tính có thể được phân biệt nhờ những yếu tố nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau.

1. Sự khác biệt trong biểu hiện

- Biểu hiện của bệnh bạch cầu mãn tính

Bạch cầu mãn tính thường phát triển chậm nên các triệu chứng ban đầu có thể không được chú ý. Ngược lại, bạch cầu cấp tính thường có xu hướng phát triển nhanh do các tế bào ung thư nhân lên nhanh chóng.

Bạch cầu mãn tính sẽ được chẩn đoán bằng phương pháp xét nghiệm máu thường quy. Tuy nhiên, một số dấu hiệu cấp độ thấp có thể xuất trong nhiều năm trước khi được chẩn đoán. Triệu chứng bệnh thường không thực sự rõ ràng và thường bị lầm tưởng sang các căn bệnh khác. Một số dấu hiệu đặc trưng giúp nhận diện bệnh bạch cầu mãn tính bao gồm:

- Cảm giác khó chịu chung như: mệt mỏi, đau xương khớp hoặc khó thở.

- Sút cân.

- Chán ăn.

- Sốt.

- Đổ mồ hôi ban đêm.

- Thiếu máu

- Nhiễm trùng

- Bầm tím hoặc chảy máu, chảy máu cam.

- Xuất hiện các hạch to nhưng không gây đau.

- Các cơn đau hoặc cảm giác đầy ở vùng bụng trên bên trái tại vị trí của lá lách.

- Biểu hiện của bệnh bạch cầu cấp tính

Trong khi đó, bệnh bạch cầu cấp tính có thể được nhận biết nhờ các dấu hiệu sau:

- Số lượng bạch cầu thấp.

- Nhiễm trùng

- Thường xuyên mệt mỏi, cảm giác mệt mỏi không thuyên giảm kể cả khi nghỉ ngơi.

- Khó thở.

- Da nhợt nhạt.

- Đổ mồ hôi vào ban đêm.

- Sốt nhẹ.

- Cơ thể dễ bầm tím.

- Đau xương khớp.

- Vết thương chậm lành.

- Những chấm đỏ nhỏ dưới da

2. Nguyên nhân gây ra bệnh bạch cầu cấp tính và mãn tính

Không ai hiểu rõ nguyên nhân của bệnh bạch cầu, hoặc tại sao một số người thì mắc bệnh bạch cầu cấp tính, trong khi những người khác thì lại bị ở dạng mãn tính. Cả hai yếu tố môi trường và di truyền được cho là có liên quan đến nguyên nhân gây bệnh.

Bệnh bạch cầu có thể xảy ra do những thay đổi trong DNA của các tế bào. Bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính (CML) có thể liên quan đến đột biến nhiễm sắc thể Philadelphia.

Một số nghiên cứu cho thấy sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường có liên quan đến bệnh bạch cầu ở trẻ em. Một số trẻ không được thừa hưởng loại gen đặc biệt để loại bỏ các hóa chất gây hại. Tiếp xúc với những hóa chất này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu.

3. Các yếu tố rủi ro dẫn đến bệnh bạch cầu

Các yếu tố rủi ro có thể giúp phân biệt bệnh bạch cầu cấp tính và bạch cầu mãn tính. Đối với bạch cầu mãn tính, các yếu tố khiến bệnh phát triển có thể kể đến như:

- Những người trên 60 tuổi.

- Từng tiếp xúc với hóa chất như benzen hoặc chất độc màu da cam.

- Từng tiếp xúc với mức độ phóng xạ cao.

Trong khi đó, bệnh bạch cầu cấp tính thường xuất hiện ở những bệnh nhân:

- Hút thuốc lá.

- Từng trải qua hóa trị và xạ trị cho các bệnh ung thư khác.

- Từng tiếp xúc với mức độ phóng xạ rất cao.

- Có bất thường di truyền, chẳng hạn như hội chứng Down.

- Có tiền sử gia đình mắc bệnh bạch cầu lymphocytic cấp tính (ALL).

Tuy nhiên, đây chỉ là các yếu tố có thể gây ra bệnh bạch cầu cấp tính và bạch cầu mãn tính. Do đó, có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ này không đồng nghĩa với việc bạn sẽ mắc bệnh bạch cầu.

4. Sự khác biệt trong phương pháp điều trị bệnh

Tất cả các loại bệnh bạch cầu được chẩn đoán bằng cách kiểm tra mẫu máu và tủy xương. Xét nghiệm tủy xương và các xét nghiệm khác sẽ cung cấp cho bác sĩ thêm thông tin về máu để xác nhận chẩn đoán bệnh bạch cầu. Bác sĩ cũng có thể nhìn vào mẫu máu dưới kính hiển vi để xem hình dạng của các tế bào. Các xét nghiệm khác có tác dụng phát triển các tế bào máu nhằm xác định những thay đổi đối với nhiễm sắc thể hoặc gen.

Sau chẩn đoán, các bác sĩ sẽ đề ra phương án điều trị riêng cho bệnh bạch cầu cấp tính và mãn tính. Kế hoạch điều trị sẽ phụ thuộc vào loại bệnh bạch cầu và mức độ tiến triển của nó.

Điều trị bệnh bạch cầu mãn tính

Bệnh bạch cầu mãn tính thường chỉ được phát hiện khi các hạch bạch huyết xuất hiện và mở rộng. Phương pháp hóa trị, corticosteroid và kháng thể đơn dòng có thể được sử dụng để kiểm soát ung thư. Truyền máu và truyền tiểu cầu sẽ được chỉ định trong điều trị giảm hồng cầu và tiểu cầu. Ngoài ra, bức xạ cũng có thể được sử dụng nhằm làm giảm kích thước của các hạch bạch huyết.

Đối với bệnh nhân có Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt (CML) và nhiễm sắc thể Philadelphia, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc ức chế Tyrosine kinase (TKIs). TKIs là loại thuốc có tác dụng chặn protein được tạo ra bởi nhiễm sắc thể Philadelphia. Hoặc bệnh nhân sẽ được điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc để thay thế tủy xương ung thư bằng tủy xương khỏe mạnh.

Điều trị bệnh bạch cầu cấp tính

Những bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp tính thường sẽ bắt đầu điều trị ngay sau khi chẩn đoán. Điều này nhằm mục đích kiểm soát và kìm hãm sự phát triển nhanh chóng của tế bào ung thư. Phương pháp điều trị bao gồm hóa trị, liệu pháp nhắm mục tiêu hoặc liệu pháp tế bào gốc. Phương pháp được lựa chọn sẽ tùy thuộc vào loại bệnh bạch cầu cấp tính của bệnh nhân.

Việc điều trị bệnh bạch cầu cấp tính thường rất khốc liệt trong thời gian đầu. Bởi mục tiêu chính của điều trị là tiêu diệt các tế bào bạch cầu. Việc điều trị cũng có thể gây ra không ít tác dụng phụ cho sức khỏe của bệnh nhân. Trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ được yêu cầu điều trị nội trú tại bệnh viện.

Trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm máu và tủy xương thường xuyên. Điều này nhằm xác định mức độ tác dụng của điều trị trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư bạch cầu. Bác sĩ cũng có thể thử nhiều hỗn hợp thuốc khác nhau để xem loại nào hoạt động tốt nhất. Một khi máu của bệnh nhân trở lại bình thường thì bệnh bạch cầu cũng sẽ thuyên giảm. Bác sĩ sẽ tiếp tục kiểm tra trong trường hợp các tế bào ung thư quay trở lại.

Phân biệt bệnh bạch cầu có ảnh hưởng rất lớn đến tiên lượng bệnh và phương án điều trị. Do đó, phân biệt đúng bạch cầu mãn tính và bạch cầu cấp tính chính là tiền đề cho thành công trong điều trị căn bệnh này.

Tham khảo: https://www.healthline.com/health/chronic-vs-acute-leukemia#outlook




Tác giả: Thùy Dung