Rệp phẳng, hình bầu dục và có màu nâu đỏ. Loại bọ này thường sống trên giường, đồ nội thất, thảm, quần áo và các vật dụng khác và hoạt động tích cực vào ban đêm.
Rệp được biết là không truyền bệnh cho con người nhưng các vết cắn của loại côn trùng này gây ngứa ngáy, khó chịu. Nhận biết và xử lý đúng cách sẽ giúp giảm triệu chứng và giúp các vết cắn nhanh lành hơn.
Rệp tiết ra một lượng nhỏ chất gây mê trước khi đốt con người. Vì vậy, bạn sẽ không cảm nhận được gì khi chúng cắn. Đôi khi có thể mất một hoặc vài ngày thì các triệu chứng mới phát triển.
Theo Pest Control Technology, khoảng 30 đến 60% người dân không phát triển phản ứng với vết cắn của rệp. Khi các triệu chứng phát triển, vết cắn có xu hướng:
- Đỏ và sưng lên, có một đốm đen ở giữa mỗi vết cắn (chúng cũng có thể trông giống như tổ ong hoặc vết hàn)
- Các vết đốt thành hàng hoặc cụm, được nhóm lại với nhau
- Ngứa
- Xuất hiện mụn nước
Các vết rệp cắn có thể xuất hiện bất kỳ khu vực nào trên da nhưng thường có xu hướng xuất hiện trên các khu vực tiếp xúc trong khi ngủ, chẳng hạn như: cổ, khuôn mặt, tay, vai, cánh tay, chân, ...
Đọc thêm:
+ Cách phân biệt các vết đốt của côn trùng cắn
+ Vào mùa mưa bão, cẩn thận với viêm da tiếp xúc do côn trùng
Mặc dù khá hiếm nhưng một số người có thể phát triển các phản ứng và triệu chứng nghiêm trọng do vết cắn của rệp. Các triệu chứng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế bao gồm:
- Khó thở
- Rộp
- Sốt
- Cảm thấy buồn nôn hoặc giống như cúm
- Sưng lưỡi
- Nhịp tim không đều
Trong hầu hết các trường hợp, vết cắn của rệp sẽ khỏi trong vòng 1 đến 2 tuần. Nếu các triệu chứng do rệp cắn gây khó chịu, bạn có thể:
- Thoa kem steroid không kê đơn hoặc theo toa để giảm viêm và ngứa.
- Uống thuốc kháng histamine để giảm ngứa và rát.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn để giảm sưng và đau.
- Uống Benadryl trước khi ngủ để giảm ngứa hoặc nhờ bác sĩ kê đơn thuốc kháng histamine mạnh hơn.
Ngoài việc sử dụng các loại thuốc không cần kê đơn, có một số biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp làm giảm các triệu chứng khá hiệu quả:
- Chườm lạnh khu vực bị cắn
- Sử dụng hỗn hợp baking soda và nước
Đối với trẻ em, nếu cha mẹ nghi ngờ con mình bị rệp cắn, nên kiểm tra ga trải giường, nệm, khung giường và ván chân tường gần đó để tìm dấu hiệu của rệp.
Sau đó, rửa vết cắn bằng xà phòng, cân nhắc chườm lạnh, kem chống ngứa không kê đơn hoặc steroid nồng độ thấp. Lưu ý, nên hỏi ý kiến của bác sĩ khi sử dụng kem bôi steroid hoặc thuốc kháng histamine đường uống để điều trị vết cắn cho trẻ vì một số loại thuốc có thể không an toàn cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ.
Mặc dù hiếm gặp nhưng đã có những báo cáo về các trường hợp cá biệt phản ứng dị ứng toàn thân đối với vết cắn của rệp. Các phản ứng thường bao gồm nổi mề đay, hen suyễn và trong một số trường hợp hiếm gặp là sốc phản vệ.
Ngoài ra, việc gãi liên tục vào các vết thương do rệp cắn có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ phát, chẳng hạn như bệnh chốc lở, viêm nang lông hoặc viêm mô tế bào. Để giảm nguy cơ nhiễm trùng, bạn nên rửa vết cắn bằng xà phòng và nước, đồng thời cố gắng không gãi vào vùng da này.
Nếu bạn nghi ngờ rằng mình đã bị nhiễm trùng hoặc phản ứng dị ứng với vết cắn của rệp, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay để được xử lý kịp thời.
Chìa khóa để ngăn chặn vết cắn của rệp là ngăn không cho loại côn trùng này xâm nhập, kiếm ăn và sinh sản trong môi trường sống của con người.
Để ngăn chặn sự phát triển của rệp trong môi trường sống của gia đình, mọi người nên:
- Tránh để đồ đạc hoặc vật dụng ở những khu vực bị nhiễm rệp hoặc môi trường thường bị rệp tấn công, chẳng hạn như các tòa nhà chung cư.
- Chọn đồ nội thất hoặc vật dụng làm bằng vật liệu thường không có vết nứt, kẽ hở hoặc đường nối, bao gồm nhựa, đá, kim loại, thạch cao và hàng dệt cao cấp.
- Khi đi du lịch và trở về nhà, bạn nên chải, hút bụi, giặt sấy quần áo để loại bỏ rệp (nếu có)
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, nhất là chăn ga, gối đệm, giường tủ và các kẽ hoặc ngách nhỏ - những nơi mà rệp thường xuyên ẩn nấp.
Các vết rệp cắn có thể dễ nhầm lẫn với vết đốt của một số côn trùng khác hoặc phát ban, chẳng hạn:
- Vết rệp cắn và bọ chét cắn: Vết cắn của rệp và bọ chét có bề ngoài khá giống nhau, mặc dù vết cắn của bọ chét thường nhỏ hơn một chút. Cả hai đều có thể gây ra mụn đỏ trên da và gây cảm giác ngứa ngáy.
Tuy nhiên, bọ chét thường cắn vào nửa dưới của cơ thể hoặc những vùng xung quanh khớp như bàn chân, mắt cá chân hoặc chân, nách, bên trong khuỷu tay hoặc đầu gối.
- Rệp cắn và muỗi đốt: Vết cắn của rệp và muỗi đốt đều có thể gây đỏ, sưng và ngứa. Tuy nhiên, các vết cắn không có hình thức rõ ràng có nhiều khả năng là vết muỗi đốt.
- Rệp cắn và phát ban: Đôi khi, mọi người nhầm phát ban với vết cắn của rệp. Phát ban là những vết sưng đỏ có thể phát triển trên da của bạn do phản ứng dị ứng hoặc nguyên nhân khác. Giống như vết cắn của rệp, phát ban thường gây ngứa.
Nhưng nếu da bạn xuất hiện những vết sưng đỏ to hơn, thay đổi hình dạng hoặc lan từ bộ phận này sang bộ phận khác trong thời gian ngắn, thì nhiều khả năng đây là tình trạng phát ban.
- Vết rệp cắn và nhện cắn: Vết cắn của nhện có thể đỏ và ngứa, giống như vết cắn của rệp. Nhưng không giống như rệp, nhện hiếm khi cắn nhiều lần. Nếu bạn chỉ bị một vết cắn trên cơ thể, thì đó có thể không phải do rệp. Hơn nữa, vết cắn của nhện thường có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho da và gây đau nhức.