Cách nhận biết các dấu hiệu viêm phế quản ở người cao tuổi

Cách nhận biết các dấu hiệu viêm phế quản ở người cao tuổi
Nhận biết dấu hiệu viêm phế quản ở người cao tuổi là cách quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe. Đặc biệt là khi thời tiết thay đổi, cơ thể người già có sức đề kháng kém rất dễ bị virus, vi khuẩn gây bệnh xâm nhập.

1. Dấu hiệu viêm phế quản ở người cao tuổi theo từng giai đoạn

Các dấu hiệu viêm phế quản thường gặp và phổ biến nhất chính là ho, đờm và khó thở. Tùy theo từng giai đoạn, cấp độ, tần suất của các dấu hiệu này cũng sẽ khác nhau:

Giai đoạn đầu viêm phế quản

Đây là lúc virus, vi khuẩn gây bệnh bắt đầu phát tác. Do đó các dấu hiệu thường không quá rõ ràng.

Thông thường người cao tuổi sẽ có các biểu hiện như ho và sinh đờm ở cổ vào buổi sáng. Cơn ho không xuất hiện liên tục mà chia thành từng đợt, đặc biệt là lúc thời tiết thay đổi chuyển từ lạnh sang nóng hoặc ngược lại. Mỗi năm cơn ho sẽ xuất hiện khoảng 5-6 lần và kéo dài từ một đến vài tuần.

Ở giai đoạn này, đờm của người bệnh sẽ có màu trắng ở dạng lỏng hoặc đặc, lẫn bọt. Bệnh tình càng kéo dài thì tần suất ho và khạc đờm ngày càng nhiều hơn. Lúc này, người lớn tuổi sẽ khạc ra đờm có màu vàng hoặc xanh. Khối lượng đờm mỗi ngày có thể lên tới 100ml, thậm chí là nhiều hơn.

Giai đoạn phát triển viêm phế quản

Khi bệnh phát triển, số lần ho và khạc đờm của người cao tuổi sẽ nhiều hơn. Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất cho thấy bệnh tình đang ngày một nặng. Cơn ho kéo dài vài tuần và số lần ho trong ngày cũng nhiều hơn hẳn giai đoạn phát bệnh.

Giai đoạn muộn của viêm phế quản mạn tính

Khi bệnh đã phát triển đến giai đoạn mạn tính, người cao tuổi sẽ cảm thấy tức lồng ngực và kèm theo khó thở. Ban đầu, bệnh nhân chỉ nhận thấy khu vực lồng ngực có cảm giác nặng nề, sau đó việc hô hấp, hít thở cũng ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Nếu không được chữa trị nhanh chóng, để bệnh tiến triển nặng hơn có thể gây nên chứng rối loạn chức năng hô hấp ở người lớn tuổi. Các dấu hiệu thường gặp như:

- Người bệnh thiếu dưỡng khí

- Cơ thể suy nhược

- Toàn thân đau nhức, mệt mỏi

- Sụt cân nhanh chóng.

Không chỉ vậy, tình trạng này còn kéo theo nhiều hệ quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến chức năng khác của cơ thể. Điển hình như hệ tuần hoàn và hệ thần kinh trung ương.

2. Dấu hiệu dễ nhầm lẫn

Không phải người cao tuổi nào cũng có thể nhận biết và phân biệt các giai đoạn của bệnh viêm phế quản. Theo đó, để phát hiện bệnh có thể dựa vào các dấu hiệu chung mang tính đặc trưng.

Do viêm phế quản khởi đầu là do tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp, từ đó dẫn đến biến chứng. Bởi vậy, các dấu hiệu viêm phế quản ở người cao tuổi ban đầu sẽ bao gồm:

- Hắt hơi, sổ mũi

- Ho khan, rát họng

- Đau mỏi cơ thể

- Tức ngực

Trong thời kỳ phát bệnh, người cao tuổi sẽ bắt đầu sốt cao ở nhiệt độ từ 38-40 độ C. Kèm theo đó là các dấu hiệu thông thường như toàn thân mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, nhức mỏi xương khớp và các cơn ho cũng tăng dần đều.

Khi phát hiện các dấu hiệu này, người cao tuổi nên đến trung tâm y tế để được làm xét nghiệm máu, chẩn đoán phản ứng CRP và chụp phổi. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các tiểu phẫu nuôi cấy chất nhầy phế quản để tìm nơi trú ngụ của vi khuẩn gây bệnh.

Các dấu hiệu viêm phế quản ở người cao tuổi lành tính sẽ kéo dài khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, để giúp bệnh nhanh chóng thuyên giảm, bệnh nhân cần chú ý giữ gìn sức khỏe, bồi bổ cơ thể bằng cách cung cấp đầy dinh dưỡng, giữ ấm khi thời tiết thay đổi. Đặc biệt, người cao tuổi nên bảo vệ bản thân bằng cách tránh xa các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá hay khu vực công cộng có nhiều khói bụi, khói thuốc lá…

Tác giả: Lê Thọ Hưng