Cách ngăn ngừa và phòng tránh bệnh bạch cầu

Cách ngăn ngừa và phòng tránh bệnh bạch cầu
Mặc dù bệnh bạch cầu là một trong các bệnh lý ác tính, có mức độ nguy hiểm rất cao. Tuy nhiên nếu có có các biện pháp giảm thiểu yếu tố nguy cơ gây bệnh, chúng ta vẫn có thể phòng tránh bệnh bạch cầu một cách rất hiệu quả.

Như chúng ta đã biết, bệnh bạch cầu là một bệnh lý ác tính xảy ra ở các tế bào máu, cụ thể là tế bào bạch cầu. Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn chưa thực sự được tìm hiểu hoàn toàn. Tuy nhiên người ta đã xác định được nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau khiến khả năng mắc bệnh gia tăng.

Trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh bạch cầu, có những nhóm nguy cơ chúng ta không thể thay đổi chẳng hạn như tuổi tác, giới tính và sự di truyền của cha hoặc mẹ mắc bệnh. Tuy nhiên cũng có những nhóm yếu tố nguy cơ chúng ta có thể tác động để phòng tránh bệnh bạch cầu xảy ra.

1. Tránh phơi nhiễm hóa chất giúp phòng tránh bệnh bạch cầu

Sự phơi nhiễm, tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại như benzen, formaldehyd, các loại thuốc trừ sâu,... có thể sẽ làm biến đổi cấu trúc DNA bình thường và gây bệnh bạch cầu.

Do vậy để phòng tránh bệnh bạch cầu xảy ra, mỗi người nên có ý thức tự bảo vệ mình bằng các phương pháp phòng chống cơ thể phơi nhiễm với các hóa chất độc hại kể trên. Các phương pháp có thể thực hiện như thực hiện tốt bảo hộ lao động (đeo găng tay, trang phục bảo hộ,...), không tiếp xúc khi không cần thiết, hoặc trồng thêm các loại cây cối để cải thiện chất lượng không khí,...

2. Hạn chế tiếp xúc với các nguồn phóng xạ

Tia bức xạ hoặc các chùm phóng xạ phát ra từ các nguồn phóng xạ có thể đi xuyên cơ thể và tác động lên cấu trúc bình thường của tế bào khiến chúng bị biến đổi. Hậu quả để lại có thể gây nên nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có bệnh bạch cầu.

Vì vậy, để phòng tránh bệnh bạch cầu, cần hạn chế sự tiếp xúc của cơ thể đối với các nguồn phóng xạ. Đối với những người bình thường, không nên xâm nhập các khu vực có biển cảnh báo nguy hiểm phóng xạ. Đối với những người phải hoạt động trong môi trường có phóng xạ như nhân viên y tế, nhà khoa học,... cần thực hiện các phương pháp an toàn và bảo hộ lao động.

3. Trong điều trị y tế

Hiện nay nhiều điều trị y tế có liên quan đến phóng xạ như các chẩn đoán hình ảnh (X- Quang, CT-Scan), điều trị ung thư,.... Các nghiên cứu đã cho thấy phóng xạ trong điều trị y tế có khả năng gây ra các nguy cơ tương tự như bom nguyên tử, trong đó có nguy cơ gây nên bệnh bạch cầu.

Do vậy để hạn chế nguy cơ, phòng tránh bệnh bach cầu, cần áp dụng đầy đủ các phương pháp an toàn và bảo hộ lao động để đảm an toàn, tránh tiếp xúc bức xạ và cơ thể. Ngăn sự phát tán bức xạ ra môi trường xung quanh. Không lạm dụng các chẩn đoán và bức xạ trên bệnh nhân trong quá trình điều trị bệnh.

4. Chế độ ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống lành mạnh tuy rằng ít có hiệu quả phòng tránh bệnh bạch cầu ở trẻ em (do nguyên nhân gây bệnh chủ yếu liên quan đến các yếu tố di truyền), tuy nhiên lại có hiệu quả tích cực trong phòng tránh bệnh bạch cầu ở người lớn và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

Một chế độ ăn uống ít chất béo, nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá,... sẽ làm giảm nguy cơ các bệnh lý nguy hiểm (trong đó có phòng tránh bệnh bạch cầu). Bên cạnh đó, cũng cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có chứa các loại chất không tốt cho sức khỏe như sucralose (chất tạo ngọt tổng hợp) vì nhiều nghiên cứu đã cho thấy khả năng gây ung thư của chất này.

5. Thường xuyên tập thể dục

Một số nghiên cứu gần đây đã cho thấy, nguy cơ mắc bệnh bạch cầu có thể giảm đi đến 20% trên những người có chế độ luyện tập thể dục thường xuyên so với những người ít vận động, thừa cân béo phì.

Vì thế, để phòng tránh bệnh bạch cầu xảy ra, mỗi người nên có chế độ luyện tập thể dục thể thao đầy đủ để có thể nâng cao sức khỏe.

6. Không hút thuốc lá

Chúng ta thường biết đến, hút thuốc lá có khả năng gây nên ung thư phổi và một số bệnh ung thư khác. Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây cho thấy, khói thuốc lá cũng là thủ phạm của hơn 20% số ca bệnh bạch cầu. Điều này là bởi khói thuốc lá có nhiều chất độc hại như benzen, formaldehyd,... khi vào cơ thể sẽ gia tăng nguy cơ gây bệnh.

Do đó, không hút thuốc lá được cho là một trong các phương pháp phòng tránh bệnh bạch cầu hiệu quả. Cần nhớ rằng, không hút thuốc lá không chỉ bao gồm không hút thuốc chủ động mà còn bao gồm không hút thuốc bị động.

Có thể thấy rằng, mặc dù bệnh bạch cầu là bệnh lý nguy hiểm, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể phòng tránh bệnh bạch cầu hiệu quả nếu có các phương pháp đúng đắn để bảo vệ an toàn cho cơ thể cũng như một lối sống hợp lý và lành mạnh.

Nguồn dịch: https://www.verywellhealth.com/leukemia-prevention-514159

Tác giả: QN