Tính đến 13h00 ngày 13-03-2020, Việt Nam đã có 45 trường hợp nhiễm COVID-19. Theo đó, những người tiếp xúc thuộc diện cách ly y tế tập trung hay tại nhà cũng tăng lên. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì nếu như bạn không có những biểu hiện nghi nhiễm virus COVID-19 như ho, sốt và khó thờ nhưng có một trong các yếu tố sau đây sẽ cần thực hiện cách ly y tế tại nhà:
- Người sống trong cùng một nhà, sống cùng nơi cư trú với ca bệnh xác định hay ca bệnh nghi ngờ đang trong thời gian mắc bệnh
- Người cùng làm việc với ca bệnh xác định hay ca bệnh nghi ngờ đang trong thời gian mắc bệnh
- Người cùng nhóm du lịch, cùng đoàn công tác, cùng nhóm vui chơi với ca bệnh xác định hay ca bệnh nghi ngờ đang trong thời gian mắc bệnh
- Người đã có tiếp xúc gần trong khoảng cách 2m với ca bệnh xác định hay ca bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh đối với bất kỳ tình huống nào
- Người ngồi ở vị trí cùng hàng hay trước sau hai hàng ghế ở trên cùng một chuyến xe, cùng một toa tàu hay khoang máy bay với ca bệnh xác định hay ca nghi ngờ
- Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từng đi qua vùng dịch trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
**Bạn cần làm gì nếu tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm Covid-19?
Theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế thì người cách ly tại nhà nên thực hiện cách ly trong phòng riêng. Vậy nếu phòng có cửa sổ thì cá nhân có được mở cửa hay bật điều hoà không? Dưới đây là ý kiến của chuyên gia.
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng (Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai) đã nhấn mạnh trong cuộc họp trực tuyến mà Bộ Y tế tổ chức với 700 điểm cầu, tập huấn, hướng dẫn điều trị, phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp do COVID-19 ngày 8/2 rằng: Việc thông thoáng khí tại phòng bệnh cách ly (cả tập trung và tại nhà) đều rất quan trọng.
Mỗi một buồng bệnh cách ly cần phải đảm bảo có 2 cửa chính đối với các buồng cách ly tập trung; nếu như không đủ cửa chính thì cần phải sử dụng những phương pháp thông khí bằng thiết bị điều chỉnh để đảm bảo đủ an toàn không khí.
Các thiết bị điều chỉnh thông khí bao gồm:
- Quạt cản khí từ trong buồng cách ly ra bên ngoài
- Quạt hút không khí sạch từ bên ngoài môi trường đưa vào buồng cách ly
- Quạt đẩy không khí ô nhiễm trong buồng cách ly ra khu vắng người.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê (Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế) cũng đã chia sẻ thêm và đây là kinh nghiệm quý báu rút ra từ việc phòng chống đại dịch SARS năm 2003:
"Năm 2003, bản thân tôi được bộ giao xuống đóng cửa Bệnh viện Việt Pháp, lúc này thực hiện nội bất xuất, ngoại bất nhập, bệnh nhân được cách ly trong phòng tiện nghi, điều hòa đầy đủ. Ít lâu sau, nhiều nhân viên y tế cũng nhiễm bệnh, trong đó có một bác sĩ của WHO.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì không có ai bị nhiễm chéo, một phần nhờ ở đây mở cửa thông thoáng, một phần không tiện nghi. Chúng tôi mới nhận ra trong phòng kín, có điều hòa làm virus lây lan nhanh hơn", PGS Khuê chia sẻ.
PGS Hsu Li Yang, trưởng chương trình về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) Saw Swee Hock, cũng cho rằng: "Điều hòa không khí là thứ không thể thiếu ở Singapore, nhất là trong những tháng nóng bức. Do đó có một cách khác làm giảm sự lây lan của virus corona chính là mở cửa sổ, cửa ra vào để thông gió giữa các phòng".
Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trong một tài liệu về phác thảo cách ngăn chặn virus corona lây nhiễm cho người khác, cho biết những trường hợp đang nghi ngờ nên được thực hiện cách ly tại các phòng thông thoáng.
Như vậy có thể thấy là giới chuyên gia đều có chung một khuyến nghị rằng nên tắt điều hoà và mở cửa sổ để phòng được thông thoáng vì việc đóng kín cửa hay bật điều hoà có thể khiến cho Covid-19 lây lan nhanh hơn và mạnh hơn.
Vì vậy mà nếu như cá nhân đang thực hiện cách ly y tế tại nhà cần chú ý không nên bật điều hoà, mở cửa sổ rộng để không khí trong phòng luôn được thông thoáng.
Theo quy định bằng văn bản hướng dẫn của Bộ Y Tế thì người được cách ly tại nhà phải:
- Nghiêm túc chấp hành hoạt động cách ly y tế tại nhà và nơi lưu trú trong thời gian quy định là 14 ngày. Cách ly tốt nhất nên được thực hiện trong phòng riêng. Nếu như không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly phải cách giường ngủ của những thành viên khác ở trong gia đình ít nhất là 2m
- Khu vực cách ly y tế cần phải đảm bảo thông thoáng khí, được vệ sinh sạch sẽ, hạn chế tối đa để vật dụng trong phòng cách ly
- Cần tự giác đo nhiệt độ cơ thể ít nhất là 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều; có ghi chép lại kèm theo trạng thái sức khoẻ vào phiếu theo dõi hàng ngày và thông báo lại cho cán bộ giám sát y tế tại địa phương. Nếu có biểu hiện ho, sốt hay khó thở thì ngay lập tức phải thông báo cho cán bộ y tế nêu trên.
- Hạn chế việc đi ra khỏi phòng riêng và có tiếp xúc trực tiếp với những người ở trong gia đình hay nơi lưu trú
- Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn, vệ sinh thân thể sạch sẽ
- Không được tự động đi khỏi nhà hay rời khỏi nơi cư trú
- Không ăn uống chung với các thành viên khác trong gia đình và nơi cư trú
- Khẩu trang, giấy lau mũi, giấy lau miệng đã qua sử dụng cần phải thu gom lại đặt vào túi riêng có đánh dấu là chất thải nguy cơ lây nhiễm.
Cập nhật nhanh những khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế TẠI ĐÂY.