Cách kiểm soát cơn ho, khó thở khi bị viêm phổi

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Cách kiểm soát cơn ho, khó thở khi bị viêm phổi
Khi mắc bệnh viêm phổi, chúng ta thường gặp rất nhiều những triệu chứng như sốt, ho, khó thở, đau tức ngực... Vậy, làm thế nào để có thể kiểm soát được cơn ho, khó thở khi bị viêm phổi giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn?

Viêm phổi là một trong những bệnh về phổi thường gặp nhất, biểu hiện của người bệnh khi mắc bệnh này là tăng nhiệt độ cơ thể, khó thở, ho khan có đờm, đau ngực, sốt dai dẳng... Nhằm làm giảm bớt sự khó chịu cho bệnh nhân, ta có thể thực hiện những phương pháp sau:

1. Cách kiểm soát cơn ho khi bị viêm phổi:

Uống nhiều nước hơn

Uống nhiều nước sẽ giúp bạn giảm bớt cơn ho, đặc biệt là khi ở trong môi trường khô. Nước giúp làm dịu sự kích ứng ở cổ họng, làm loãng dịch nhầy trong cổ họng, vốn cũng là nguyên nhân gây ho khi bị viêm phổi.

Tắm nước nóng

Nếu cơn ho quá nhiều, khiến bạn khó chịu, hãy tắm dưới vòi sen nước nóng và hít thở sâu trong hơi nước tỏa ra. Việc này cũng giúp làm loãng các dịch tiết trong cổ họng hoặc đơn giản cũng xoa dịu sự kích ứng họng.

bi-viem-phoi

Tắm dưới vòi sen nước nóng và hít thở sâu trong hơi nước tỏa ra sẽ làm giảm cơn ho khi bị viêm phổi - Ảnh minh họa: Internet

Dùng máy tạo ẩm

Bạn cũng có thể dùng máy tạo ẩm để tăng độ ẩm trong không khí. Sử dụng dầu khuynh diệp, cho vài giọt vào bình nước của máy tạo ẩm để giúp làm thông họng ban đêm do dầu khuynh diệp là chất làm long đờm - tác nhân gây ho khi bị viêm phổi . Chú ý thường xuyên làm sạch máy tạo ẩm.

Súc miệng nước muối ấm

Nước muối là một cách khác làm giảm ho khi bị viêm phổi, làm dịu cổ họng đau rát vì ho. Nhớ nhổ bỏ nước muối. Không nuốt nước muối.

Tránh những chất kích thích họng

Việc tiếp xúc với khói, bụi, khí thải và các chất ô nhiễm khác cũng có thể gây ho, do các chất ô nhiễm kích thích họng và phổi. Vì vậy, cần làm vệ sinh bộ lọc trong nhà, làm sạch bụi thường xuyên (nhất là trên quạt trần) và tránh những nơi không khí ô nhiễm bên ngoài.

Ngừng hút thuốc

Những người hút thuốc có nguy cơ bị viêm phổi cao hơn những người khác. Đó là vì khói thuốc lá gây kích ứng họng và phổi. Khi bỏ thuốc lá, bạn có cơ hội thoát khỏi chứng ho liên quan đến hút thuốc.

2. Phương pháp kiểm soát khó thở khi bị viêm phổi

Thở sâu

Thở sâu bằng bụng có thể giúp kiểm soát tình trạng khó thở khi bị viêm phổi. Để làm điều này ở nhà, bạn cần:

- Nằm xuống, đặt hai tay lên bụng. Hít vào thật sâu qua mũi, phình bụng và để phổi chứa đầy không khí.

- Nín thở trong vài giây. Thở ra thật chậm qua miệngcho đến khi phổi hết không khí. Lặp lại trong 5 đến 10 phút.

Bài tập này có thể thực hiện vài lần trong ngày hoặc mỗi khi bạn cảm thấy khó thở. Tốt nhất bạn nên thở sâu, chậm, nhẹ nhàng tránh những kích thích, hồi hộp không đáng xảy ra.

Thở mím môi

Thở mím môi giúp bạn giảm khó thở, làm chậm nhịp thở của người bị viêm phổi, đặc biệt là trường hợp khó thở do lo lắng. Để tập thở mím môi ở nhà, bạn cần:

- Hãy hít vào qua mũi và thở ra qua miệng chậm chạp và đều đặn. Ngậm miệng khi hít vào qua mũi. Khi thở ra, hãy mím môi như khi bạn huýt sáo. Điều này làm tăng nhẹ kháng lực lên luồng khí thở ra.

- Cố gắng giữ thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào, khiến phổi bạn tống hết không khí cũ, tạo nhiều chỗ trống trong phổi cho không khí mới, nhiều oxy. Bạn có thể đếm 'một, hai' khi hít vào và đếm 'một, hai, ba, bốn' khi thở ra. Không ngưng thở giữa lúc hít vào và thở ra.

- Bạn có thể thở mím môi mỗi khi cảm thấy khó thở, và làm nhiều lần trong ngày khi cảm thấy dễ thở hơn.

Ăn gừng tươi

- Ăn gừng tươi, hoặc thêm một ít gừng tươi vào nước nóng để uống, có thể giúp giảm khó thở khi bị viêm phổi. Một nghiên cứu cho thấy gừng có thể hiệu quả trong việc chống lại virus RSV, một nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng đường hô hấp.

Phòng tránh chứng khó thở khi bị viêm phổi

- Bỏ thuốc lá giúp giảm các triệu chứng khó thở khi bị viêm phổi và giảm nguy cơ ung thư phổi.

- Tránh các chất có thể gây dị ứng, bụi bẩn, độc chất.

- Tránh tăng quá cân, nên ăn nhạt, giảm muối và tập thể dục đều đặn.


Tác giả: HNL