Ù tai là tình trạng nghe thấy tiếng ồn trong tai, có 2 loại là ù tai chủ quan và khách quan. Ù tai khách quan không phổ biến, do tiếng ồn tạo ra bởi các cấu trúc gần tai, đôi khi người khác có thể nghe được tiếng ồn trong tai bạn.
U tai chủ quan là tình trạng thường gặp hơn, người bệnh nghe thấy tiếng ù, tiếng chuông, tiếng huýt sáo hoặc tiếng rít lên, đôi khi âm thanh trong tai còn phức tạp hơn trong tai của mình. Ù tai chủ quan thường dễ nhận biết nhất vào lúc yên tĩnh, đặc biệt khi đi ngủ. Do đó, tình trạng này có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi.
Chứng ù tai xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó những nguyên nhân phổ biến được biết đến như:
- Mất thính lực: Có những tế bào lông nhỏ ở tai trong (ốc tai) di chuyển khi tai bạn nhận được sóng âm thanh. Chuyển động này kích hoạt các tín hiệu điện dọc theo dây thần kinh từ tai đến não của bạn (dây thần kinh thính giác). Bộ não của bạn giải thích những tín hiệu này là âm thanh.
Nếu các sợi lông bên trong tai trong của bạn bị uốn cong hoặc đứt gãy - điều này xảy ra khi bạn già đi hoặc khi thường xuyên tiếp xúc với âm thanh lớn thì chúng có thể "rò rỉ" các xung điện ngẫu nhiên đến não của bạn, gây ra chứng ù tai.
- Nhiễm trùng tai hoặc tắc ống tai: Các ống tai của bạn có thể bị tắc do tích tụ chất lỏng (nhiễm trùng tai), ráy tai, bụi bẩn hoặc các vật lạ khác. Sự tắc nghẽn có thể làm thay đổi áp suất trong tai của bạn, gây ra chứng ù tai.
Đọc thêm:
+ Cách phòng tránh viêm tai giữa cho trẻ vào mùa thu đông
+ Tai bị chảy nước vàng và những điều cần biết
- Chấn thương đầu hoặc cổ: Chấn thương đầu hoặc cổ có thể ảnh hưởng đến tai trong, dây thần kinh thính giác hoặc chức năng não liên quan đến thính giác. Những chấn thương như vậy thường chỉ gây ù tai ở một bên tai.
- Thuốc men: Một số loại thuốc có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng ù tai như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và một số loại thuốc kháng sinh, thuốc trị ung thư, thuốc nước (thuốc lợi tiểu), thuốc chống sốt rét và thuốc chống trầm cảm.
Ngoài ra, một số trường hợp có thể bị ù tai do một số nguyên nhân khác nhưng không phổ biến: bệnh Meniere, rối loạn chức năng ống Eustachian, xương tai thay đổi, co thắt cơ ở tai trong, rối loạn khớp thái dương hàm, u thần kinh thính giác hoặc các khối u ở đầu và cổ khác, rối loạn mạch máu, …
Khi thời tiết trở lạnh, các mạch máu co lại làm tuần hoàn máu tới tai trong bị giảm. Mà tai trong là bộ phận được nuôi dưỡng bởi hệ thống mạch máu. Khi các mạch máu này tuần hoàn liên tục sẽ mang oxy và các dưỡng chất cần thiết đến tai, giúp dây thần kinh thính giác hoạt động tốt. Do đó, khi tuần hoàn máu kém sẽ ảnh hưởng đến dây thần kinh thính giác, từ đó gây ra triệu chứng ù tai hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng ở những người đang mắc phải.
Ngoài ra, vào mùa đông các bệnh tai mũi họng thường diễn ra. Các tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi tạo áp lực cho tai giữa, ảnh hưởng đến quá trình truyền dẫn âm thanh.
Thông thường, ù tai không phải là một dấu hiệu nghiêm trọng. Nếu tìm ra nguyên nhân, can thiệp kịp thời có thể giải quyết vấn đề nhanh chóng.
Tuy nhiên, nếu để tình trạng lâu ngày và không điều trị, ù tai khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, căng thẳng, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và cuộc sống, nhức đầu, … Đặc biệt, nếu ù tai do các bệnh lý mà không có hướng giải quyết sẽ làm bệnh trầm trọng hơn.
Ù tai có thể phòng ngừa nếu do các yếu tố tác động từ bên ngoài. Nếu do bệnh lý thì hầu như không có biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, một số biện pháp sau, bạn có thể ngăn ngừa và làm giảm triệu chứng này:
- Luôn giữ ấm cơ thể, nhất là vùng tai. Khi ra ngoài, các bạn nên đội mũ len hoặc quàng khăn lên vùng đầu và tai, tránh để gió lùa vào tai.
- Giảm căng thẳng giúp kiểm soát chứng ù tai, không làm cho triệu chứng tồi tệ hơn. Mọi người nên chia sẻ với bạn bè, người thân, tập các bài tập thiền, yoga, …
- Tránh tiếp xúc với tiếng ồn lớn. Điều này sẽ giúp giảm bớt mức độ nghiêm trọng và ngăn ngừa chứng ù tai.
- Uống nước gừng làm ấm cơ thể và giúp máu tuần hoàn tốt hơn, giảm triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng ù tai.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý để giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, đặc biệt nên ăn những thực phẩm ấm nóng tốt cho tuần hoàn máu, như vậy có thể giúp ngăn ngừa chứng ù tai liên quan đến bệnh béo phì và rối loạn mạch máu.
- Nghe âm lượng vừa phải: Tiếp xúc lâu với âm nhạc khuếch đại mà không có thiết bị bảo vệ tai hoặc nghe nhạc ở âm lượng quá lớn qua tai nghe có thể gây giảm thính lực và gây ù tai.
- Hạn chế sử dụng caffeine và các chất kích thích khác vì đây là những chất có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng ù tai.
- Kiểm tra thính giác định kỳ, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường có thể can thiệp và điều trị sớm.
Nhìn chung, ù tai thường không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu tình trạng ù tai diễn ra nghiêm trọng, kéo dài hoặc do các bệnh lý, mọi người nên đến bệnh viện kiểm tra và tuân thủ, sử dụng theo đơn thuốc và sự tư vấn của bác sĩ.
Nguồn tham khảo:
1. Tinnitus
2. What You Need to Know About Tinnitus (Ringing in the Ears)