Chân tay lạnh thường do tỳ thận dương suy, dương khí trong cơ thể suy yếu, phong hàn thấp tà xâm nhập cơ thể gây ra triệu chứng ra chân tay lạnh. Bên cạnh đó, tình trạng dương khí trong cơ thể bị thoát ra ngoài, hàn tà xâm phạm bì mao kinh lạc làm tắc nghẽn đường kinh ở tứ chi khiến bàn tay, bàn chân thường xuyên đổ mồ hôi lạnh.
Có thể có nhiều lý do cho tay chân lạnh, bao gồm:
- Nhiệt độ thấp
Bàn tay, bàn chân lạnh là một trong những phản ứng bình thường của cơ thể khi ở môi trường có nhiệt độ thấp hơn. Khi đó, các mạch máu ngoại vi ở các chi co lại, làm giảm lưu lượng máu đến các khu vực này, cũng làm giảm lượng nhiệt mà cơ thể mất đi nhằm bảo vệ, giữ ấm những phần cơ thể quan trọng khác.
Giảm lưu lượng máu, giảm ôxy trong mô, khiến lúc này tay chân bị tái ngắt, không hồng hào như bình thường. Những biểu hiện này thường không nghiêm trọng và sẽ trở lại bình thường khi nó được làm nóng lên.
- Hội chứng Raynaud
Một số người có hiện tượng Raynaud, khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh hoặc khi bị căng thẳng cao độ dẫn đến tình trạng lưu thông máu hạn chế, khiến ngón tay và ngón chân lạnh hoặc tê cóng.
- Căng thẳng thần kinh
Một người đang ở trạng thái căng thẳng hoặc lo lắng quá cũng có thể gây hiện tượng bàn chân, bàn tay lạnh. Một trong những phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với stress hoặc lo lắng là bơm adrenaline vào máu. Adrenalin sẽ khiến các mạch máu ở ngoại biên co lại, làm giảm lưu lượng máu đến các vùng ngoài cùng của cơ thể.
Phản ứng này giúp dự trữ năng lượng và chuẩn bị cho bất kỳ tổn thương cơ thể nào có thể xảy ra, do tình trạng căng thẳng cao. Giảm căng thẳng và tìm kiếm những biện pháp thư giãn có thể giúp làm giảm các triệu chứng của tay chân lạnh trong những trường hợp này.
- Tuần hoàn máu kém
Người bị tuần hoàn máu kém khiến máu đến tận cùng các chi không đầy đủ, do đó bàn tay lạnh và chân lạnh thường xuyên. Tuần hoàn kém có thể có nhiều nguyên nhân như: cuộc sống tĩnh tại hoặc ngồi làm việc cả ngày liên tục có thể làm giảm tuần hoàn máu tới các chi.
Người hút nhiều thuốc lá, người có cholesterol máu cao, người có vấn đề về tim mạch cũng có thể khiến máu khó tiếp cận đến mọi khu vực của cơ thể, làm giảm tuần hoàn máu tới các đầu chi dẫn đến bàn tay, bàn chân lạnh.
- Thiếu máu
Thiếu máu có thể do nhiều yếu tố, bao gồm thiếu sắt, vitamin B12, hoặc folate, hoặc do bệnh thận mạn tính. Trường hợp thiếu máu trung bình đến nặng có thể gây bàn tay, bàn chân lạnh. Để khắc phục thiếu máu, có thể thay đổi chế độ ăn uống và bổ sung sắt, vitamin B12, hoặc folate.
- Đái tháo đường
Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ gặp các vấn đề về tuần hoàn máu. Mức đường trong máu cao có thể dẫn đến hẹp động mạch, làm giảm lượng máu cung cấp cho mô. Ở một số người, do thiếu kiểm soát đường huyết cao trong thời gian dài, bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến biến chứng tổn thương thần kinh ngoại biên. Biến chứng này ảnh hưởng chủ yếu tới bàn chân, cẳng chân, bàn tay, cánh tay.
Các triệu chứng khác của tổn thương thần kinh ngoại biên do đái tháo đường là cảm giác châm chích, tê bì, quá mẫn cảm với nhiệt độ như quá nóng hay quá lạnh, mất cảm giác ở chân tay. Triệu chứng có thể tệ hơn vào ban đêm.
- Rối loạn thần kinh
Các chứng rối loạn thần kinh khác cũng có thể là nguyên nhân của chân lạnh thường xuyên. Suy nhược thần kinh có thể do chấn thương hoặc thương tích, hoặc do tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Bệnh lý thần kinh ngoại vi cũng có thể do bệnh gan, thận, nhiễm trùng hoặc di truyền. Nó thường gây ra các triệu chứng khác ngoài lạnh tay chân.
Trong trường hợp này, cần tới bác sĩ khám và chẩn đoán đúng bệnh. Điều trị triệu chứng tay chân lạnh có thể giúp giảm sự khó chịu của người bệnh trong khi chờ đợi một chẩn đoán đúng.
- Suy giáp trạng
Suy giáp trạng có ảnh hưởng tiêu cực đến sự trao đổi chất của cơ thể. Sự trao đổi chất của cơ thể ảnh hưởng đến tuần hoàn, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, do đó có thể dẫn tới tay chân lạnh.
- Giữ ấm cơ thể
Việc đầu tiên mà bạn cần làm là giữ ấm cơ thể, đặc biệt là trong những ngày thời tiết trở lạnh. Khi cơ thể đủ ấm thì chân tay cũng sẽ ấm áp và bớt bị lạnh hơn. Cũng có thể làm ấm bàn chân và bàn tay của mình bằng tất và găng tay trong những ngày rét.
Túi sưởi rất hữu ích đối với người thường xuyên tay chân lạnh, tiện sử dụng bất cứ lúc nào, bất cứ đâu.
- Tập thể dục
Việc tập thể dục đều đặn sẽ thúc đẩy tuần hoàn máu và trao đổi chất, giúp máu lưu thông tốt hơn đến các chi. Nhờ đó mà bàn tay và chân của bạn sẽ không bị lạnh nữa. Đồng thời việc tập luyện còn giúp bạn duy trì một sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái để học tập.
Do đó, hãy chăm chỉ tập thể dục hàng ngày kể cả trong những ngày lạnh giá. Nếu ngại ra ngoài bạn có thể tập luyện ngay trong nhà bằng cách leo cầu thang, đi bộ quanh nhà hoặc tập các bài tập.
- Ngâm tay chân với nước muối gừng ấm
Buổi tối trước khi đi ngủ, bạn nên ngâm chân và tay trong nước ấm khoảng 40 – 50 độ có pha chút muối, gừng để khí huyết lưu thông dễ dàng. Bạn cũng có thể ngâm chân tay trong nước ấm có pha tinh dầu bạc hà, hoa cúc, nhục quế hoặc oải hương. Ngâm chân tay trong nước ấm khoảng 10 – 15 phút, sau đó bạn lau khô rồi đi tất ấm.
- Tránh xa thực phẩm chứa caffein
Bạn bị bệnh chân tay lạnh thì nên hạn chế thức uống này. Bởi caffeine làm nhỏ mạch máu và cản trở sự lưu thông máu trong cơ thể, khiến tay chân bị lạnh. Hãy thay thế chúng bằng các thức uống khác như trà gừng, trà thảo mộc.
- Chế độ dinh dưỡng giàu calo
Thời tiết lạnh giá để tăng thêm nhiệt lượng, cải thiện chứng chân tay lạnh thì cần phải chú ý bổ sung thực phẩm ấm nóng, không ăn đồ ăn để lạnh.
- Chân tay lạnh do thận dương suy yếu
Biểu hiện lạnh tay chân, đau lưng mỏi gối, da xanh, sức yếu, ăn uống kém, hay bị hoa mắt chóng mặt. Phép trị là ôn bổ thận dương.
+ Bài thuốc1: Phá cố chỉ 6g, nhục thung dung 10g, ngũ gia bì 16g, sơn thù 12g, tần giao 12g, hoàng kỳ 12g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, đại táo 3 quả, ngải diệp 12g, trần bì 10g, cam thảo 10g, quế chi 10g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Uống từ 7-10 ngày.
+ Bài thuốc 2: Phòng sâm 12g, đương quy 12g, thục địa 10g, liên nhục 12g, tơ hồng xanh 16g, cẩu tích 16g, phụ tử 6g, sinh khương 4g, ngải diệp (khô) 12g, tần giao 12g, tế tân 10g, dâm dương hoắc 10g, trạch tả 12g, sơn thù 16g, chích thảo 12g, hoàng kỳ 10g. Sắc uống ngày 1 thang (sắc 3 lần uống 3 lần). 10 - 13 ngày một liệu trình.
- Lạnh tay chân do tỳ hư
Biểu hiện chân tay lạnh, dày da bụng, da xanh, môi nhợt, bụng đau âm ỉ, thỉnh thoảng sôi bụng, phân lỏng, ăn uống kém, chân tay yếu mềm. Phép trị là ôn bổ tỳ dương.
Bài thuốc: Bạch truật 16g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, trần bì 12g, đại táo 6 quả, củ đinh lăng 16g, ngũ gia bì 12g, quế 8g, sa nhân 10g, hoàng kỳ (sao mật) 12g, sinh khương 4g, chích thảo 12g, đương quy 12g, hậu phác 10g, thần khúc 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Uống trong 10-15 ngày.
Cần kết hợp nhiều phương pháp và được sự tư vấn khám bệnh bác sỹ chuyên ngành để điều trị hiệu quả bệnh.