Tự kỷ không phải một dạng bệnh lý có thể chữa khỏi mà là sự rối loạn phức tạp về phát triển tâm lí, ý thức cũng như trí tuệ. Trẻ tự kỷ có xu hướng cô lập khỏi xã hội, dễ có những hành vi bộc phát không kiểm soát, khả năng giao tiếp cũng như năng lực trí tuệ phát triển ở mức thấp.
Để giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng, có rất nhiều biện pháp có thể áp dụng nhưng điều cốt lõi là đặt trẻ tự kỷ vào vị trí trung tâm, áp dụng các phương pháp giáo dục đặc biệt dựa trên tình yêu thương và sự thấu hiểu.
Dưới đây là một số biện pháp giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng đã được áp dụng thành công.
Để giúp trẻ tự kỷ sẵn sàng tham gia vào các hoạt động cùng bạn bè bình thường khác, chúng ta cần phải biết được sở thích của trẻ là gì từ đó dần dần thuyết phục bé tham gia vào những hoạt động bé thích.
Trong quá trình diễn ra, hãy luôn chú ý quan tâm, cổ vũ trẻ và tuyên dương khi trẻ làm tốt để khơi gợi hứng thú gia nhập đám đông cho trẻ.
Tìm hiểu sở thích của trẻ để dẫn trẻ tham gia vào các hoạt động bên ngoài (Ảnh: Internet)
Những người chăm sóc và giáo dục trẻ cũng cần biết rõ đâu là những điều bé không mong muốn, cảm thấy không thoải mái và không muốn tham gia. Tuyệt đối không ép bé tham gia vào những gì bé không muốn vì bé dễ nảy sinh tâm lí tiêu cực và càng tách xa khỏi đám đông.
Bố mẹ và thầy cô giáo hãy là những người gần gũi, ở bên bé, trò chuyện và động viên, lắng nghe những mong muốn và tìm cách giúp đỡ trẻ. Hãy luôn dặn những đứa trẻ khác về sự hòa đồng, tôn trọng, không được kì thị trẻ tự kỷ cũng như luôn sẵn sàng, giúp đỡ, hỗ trợ bạn mình khi gặp khó khăn.
Hãy luôn gần gũi và quan tâm trẻ là cách để giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng (Ảnh: Internet)
Khi tham gia các hoạt động nhóm, thầy cô cần hướng dẫn chi tiết cho trẻ để trẻ có thể hòa nhập bước đầu, không thiết kế những trò chơi phức tạp mà bé không thể tham gia, điều đó sẽ khiến bé tự tách ra khỏi đám đông và hình thành tâm lí ám ảnh.
Luôn luôn giao tiếp thật nhiều cùng trẻ, dùng nhiều phương tiện ngôn ngữ khác nhau. Hãy tìm cách khuyến khích trẻ nói bằng cách chỉ đáp ứng yêu cầu của trẻ khi trẻ chịu nói ra bằng lời. Hãy luôn kiên nhẫn với trẻ và cho trẻ thấy về sự nồng nhiệt, vui vẻ của các hoạt động xung quanh.
Thầy cô hãy dành thời gian những giờ giải lao để hỗ trợ trẻ tự kỷ những kiến thức mà bé cảm thấy khó khăn. Hãy gọi bé lên bảng nhiều hơn và khuyến khích sự hỗ trợ từ các bạn khác khi bé không làm được. Điều này sẽ giúp bé cảm thấy mình được chia sẻ, được hỗ trợ chứ không cô độc và kém cỏi.
Vị trí ngồi thích hợp nhất cho trẻ khi đi học là ngồi trước giáo viên để trẻ được hỗ trợ nhiều nhất khi gặp khó khăn. Nếu trẻ mắc lỗi, hãy để bé yên lặng, không nên áp dụng những biện pháp phạt như đối với trẻ bình thường. Hãy định hướng cho trẻ bằng cách đơn giản, dễ hiểu và cởi mở nhất.
Hành động tuyên dương có thể mang lại những tác động rất tích cực đối với trẻ tự kỷ, khiến bé không cảm thấy mình quá khác biệt với các bạn. Hãy luôn dành nhiều lời tuyên dương cho trẻ tự kỷ, đây chính là cách đơn giản giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng nhanh nhất.
Đừng tiếc lời tuyên dương cho trẻ (Ảnh: Internet)
Trên đây là một số biện pháp giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng mà gia đình, nhà trường, xã hội nên phối hợp để giúp đỡ những đứa trẻ kém may mắn ấy. Hãy luôn dành cho trẻ tự kỷ sự yêu thương và quan tâm, trẻ sẽ dần dần hòa nhập với những người bình thường.