Tiểu đường khi mang thai hơi khác với các dạng bệnh tiểu đường khác bạn từng biết. Tiểu đường khi mang thai xảy ra trong thai kỳ, khi cơ thể trải qua nhiều thay đổi đáng kể. Một trong những thay đổi đó là thay đổi nồng độ đường huyết, hay nồng độ glucose trong máu.
Có 4-9,2% phụ nữ bị bệnh tiểu đường khi mang thai. Nói như vậy không phải là bạn và thai nhi mắc phải dạng tiểu đường phổ biến hơn hay bạn và thai nhi sẽ bị tiểu đường sau khi sinh.
Hầu hết phụ nữ mang thai đều được kiểm tra phát hiện bệnh tiểu đường ở tuần 28 của thai kỳ. Bên cạnh việc trao đổi với bác sĩ khi đi khám thai định kỳ, bạn có thể kiểm soát tiểu đường khi mang thai tại nhà. Phần lớn, bệnh tiểu đường khi mang thai được kiểm soát thông qua chế độ ăn, tăng cường hoạt động thể chất và dùng thuốc hoặc tiêm Insulin trong một số trường hợp.
Để điều trị tiểu đường khi mang thai, phép điều trị tự nhiên cũng giống như phép điều trị y tế nhưng chế độ ăn khi điều trị bệnh tự nhiên sẽ chú trọng vào thực phẩm toàn phần. Thực phẩm nên ở dạng càng tự nhiên càng tốt. Nói cách khác, bạn nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn hoặc đã qua xử lý và tự nấu ăn thì càng tốt.
Nếu cần tiết kiệm thời gian, bạn có thể dùng nồi hầm hoặc chuẩn bị các món cơ bản như cơm, đậu, thịt và rau trước rồi để đông lạnh.
Một nguyên liệu khác khi tự chế biến món ăn có thể giúp ích cho bạn đó là quế. Quế được sử dụng để kiểm soát nồng độ đường huyết và được xem là an toàn cho phụ nữ mang thai khi sử dụng trong món ăn, tương đương khoảng 1000 mg quế mỗi ngày.
Mặc dù được nhiều công ty thực phẩm "tự nhiên" quảng bá lợi ích nhưng trên thực tế, chưa có nghiên cứu nào cho thấy thực phẩm hữu cơ có tác dụng kiểm soát bệnh tiểu đường khi mang thai. Tốt nhất bạn nên ăn nhiều loại thực phẩm tươi, toàn phần như hoa quả, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt.
Chế độ ăn nên bao gồm ít nhất 40-50% tổng lượng calo dung nạp mỗi ngày từ nguồn cacbon-hydrat phức hợp giàu chất xơ.
Nên ăn nhiều cacbon-hydrat phức hợp vào buổi trưa và cắt giảm khẩu phần ăn vào những bữa còn lại trong ngày. Cách này giúp điều hòa đường huyết và quá trình sản sinh insulin trong suốt cả ngày.
Cacbon-hydrat phức hợp có trong thực phẩm toàn phần, chưa qua xử lý như ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang và bột yến mạch. Một quy tắc khác bạn nên nhớ đó là không tiêu thụ thực phẩm "trắng", ví dụ như bánh mì trắng, mì ống trắng hoặc gạo trắng vì đây là nguồn cacbon-hydrat đơn.
Mặc dù cả cacbon-hydrat đơn và phức hợp đều được phân giải thành glucose trong cơ thể nhưng thời gian để phân giải cacbon-hydrat phức hợp sẽ lâu hơn. Như vậy, cơ thể sẽ có nhiều thời gian xử lý glucose hơn.
Cacbon-hydrat đơn thường có trong thực phẩm chế biến sẵn, tức những thực phẩm chứa đường phụ gia như glucose, đường kính trắng, và fructose như sirô ngô chứa nhiều fructose. Nghiên cứu mới đây cho thấy dung nạp nhiều sirô ngô chứa nhiều fructose, đặc biệt là từ nước ngọt và các thức uống khác chứa sirô ngô nhiều fructose, có liên quan đến tình trạng tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và béo phì.
Đọc kỹ nhãn thực phẩm có thể giúp xác định lượng đường trong thực phẩm chế biến sẵn nhưng thực tế, nhà sản xuất không bắt buộc phải liệt kê lượng đường phụ gia. Vì vậy, bạn nên tránh ăn kẹo ngọt, bánh quy, bánh kem và các món ngọt khác.
Nguyên nhân nên tránh tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn là vì chúng chứa cả cacbon-hydrat đơn và đường phụ gia. Bản thân đường không gây tiểu đường hay bệnh tiểu đường khi mang thai nhưng tiêu thụ thực phẩm và thức uống chứa nhiều đường lại có liên quan đến tình trạng tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Chất xơ cũng giúp ích trong điều trị bệnh tiểu đường. Bạn nên ăn đậu và ngũ cốc nguyên hạt vì chúng giàu chất xơ. Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp thêm một thìa bột hạt lanh trong mỗi bữa ăn để bổ sung chất xơ.
Có thể dùng máy xay cà phê để tự xay hạt lanh hoặc mua loại bột đông lạnh sẵn và bảo quản trong tủ lạnh để có thể giữ cho lượng dầu tốt cho sức khỏe từ hạt lanh không bị hỏng.
Nên hạn chế tiêu thụ thịt đỏ trong chế độ ăn. Thay vì ăn thịt bò, bạn nên tăng cường ăn cá và thịt gia cầm không da. Nên tìm những loại cá được đánh bắt tự nhiên như cá hồi, cá tuyết, cá ngừ. Những loại cá này giàu axit béo omega-3 cần thiết cho sức khỏe của mẹ và bé.
Nên bỏ da của thịt gia cầm như thịt gà vì da gà chứa nhiều mỡ béo. Phải đảm bảo thịt nạc không chứa quá nhiều chất béo. Chỉ 10-20% lượng calo được dung nạp mỗi ngày là từ nguồn protein, bao gồm các nguồn protein khác thịt như các loại hạt.
Để duy trì chế độ ăn lành mạnh, bạn cần tăng cường rau củ. Phải đảm bảo ít nhất có 1-2 phần rau củ mỗi bữa ăn. Ngoài ra, rau củ cũng có thể dùng làm món ăn nhẹ.
Mặt khác, mặc dù tốt cho sức khỏe nhưng hoa quả cần được hạn chế tiêu thụ (không quá 2 phần mỗi ngày) nếu bạn bị tiểu đường khi đang mang thai. Cách này giúp kiểm soát lượng đường dung nạp từ hoa quả.
Tránh tiêu thụ các loại hoa quả như dứa, dưa, chuối, nho và nho khô vì chúng có chỉ số Glycemic cao, tức lượng đường ảnh hưởng đến đường huyết nhiều hơn so với các loại hoa quả khác. [29][30]Chỉ nên ăn hoa quả vào bữa trưa thay vì ăn bữa sáng hoặc bữa tối để giúp hạ đường huyết vào buổi sáng và tối. Tránh tiêu thụ nước ép hoa quả vì chúng cũng chứa nhiều đường, ngay cả nước ép hoa quả nguyên chất 100%.
Cân nặng tăng lên khi mang thai thường là 8-11 kg. Nói chung, Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA) khuyến nghị nên bổ sung 2000-2500 calo mỗi ngày cho cả mẹ và bé. Sau mỗi 3 tháng, khi bé phát triển, lượng calo cần bổ sung sẽ tăng theo.
Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên trao đổi với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo bổ sung đúng lượng calo mỗi ngày dựa trên từng trường hợp, cân nặng và nồng độ đường huyết cụ thể.
Khi bạn đi khám định kỳ, bác sĩ thường sẽ giới thiệu bạn đến chuyên gia dinh dưỡng để giúp kiểm soát bệnh tiểu đường khi đang mang thai. Nên chủ động hỏi nếu bác sĩ chưa giới thiệu. Mang thai là giai đoạn có nhiều nhu cầu về dinh dưỡng và nếu bị tiểu đường, nhu cầu này sẽ càng phức tạp hơn. Lời tư vấn từ chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp ích cho cả bạn và bé. [34] Phải đảm bảo tuân thủ đúng danh sách thực phẩm tốt cho sức khỏe để tăng lượng calo dung nạp một cách lành mạnh.
Tập thể dục rất quan trọng để có một thai kỳ khỏe mạnh. Bạn nên tập ít nhất bài tập 30 phút liên tục, 1-2 lần mỗi ngày. Đi bộ là bài tập đơn giản nhất. Ngoài ra, bạn có thể bơi lội hoặc tham gia lớp tập Yoga. Kết hợp thêm với các hoạt động khác để tăng hứng thú và tăng cường sức mạnh các nhóm cơ khác.
Bên cạnh đó, bạn có thể tập trên máy tập toàn thân Elliptical hoặc máy đạp xe tại chỗ. Hoạt động thể chất mức độ vừa phải sẽ giúp kiểm soát nồng độ glucose.
Tránh các bài tập thể dục phải nằm ngửa hoặc dễ bị té, chấn thương. Ngoài ra, nên tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Ban đầu, bạn nên tập thật chậm và tăng dần lên mức vừa phải để vừa tăng cường sức mạnh của cơ bắp, vừa dần làm tăng nhịp tim. Phải luôn lắng nghe nếu bác sĩ khuyên nên nghỉ ngơi hoặc tập thể dục càng ít càng tốt.
Có thể bạn sẽ cần bổ sung vitamin tổng hợp và khoáng chất, đặc biệt là sắt vì trong thai kỳ, nhu cầu vitamin và khoáng chất tăng cao và chế độ ăn có thể không cung cấp đủ. Nồng độ vitamin D thấp có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường khi mang thai.
Bạn nên đi khám để được kiểm tra nồng độ vitamin D và uống thực phẩm chức năng nếu thiếu hụt. Bổ sung 1000-2000 IU vitamin D mỗi ngày là mức an toàn cho phụ nữ mang thai.
Liệu pháp Insulin là liệu pháp thay thế hormone tự nhiên được sử dụng rộng rãi. Liệu pháp này có thể cần thiết để tiêm insulin vào cơ thể, giúp đẩy glucose vào tế bào. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách và lượng Insulin cần tiêm. Không tự ý tiêm Insulin nếu chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.