Cách chăm sóc bệnh nhân bị bệnh bạch cầu

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Cách chăm sóc bệnh nhân bị bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu là một trong các bệnh ác tính về máu khá thường gặp hiện nay. Chất lượng cuộc sống của người bệnh không chỉ phụ thuộc vào quá trình điều trị mà còn phụ thuộc rất lớn vào chế độ chăm sóc bệnh nhân bị bệnh bạch cầu.

Khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu, cuộc sống của bệnh nhân có thể bị thay đổi rất nhiều do các triệu chứng của bệnh, do quá trình điều trị mang lại, do áp lực từ tâm lý về tình trạng bệnh tật,... Việc chăm sóc bệnh nhân bị bệnh bạch cầu đúng cách góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Để chăm sóc đúng cách điều tốt nhất là người nhà nên tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ ngay từ khi người bệnh bị chẩn đoán mắc bạch cầu và áp dụng lộ trình điều trị. Không nên tự ý áp dụng chế độ ăn uống hay luyện tập mà không có chỉ dẫn của bác sĩ tránh ảnh hưởng nguy hiểm tới người bệnh.

Dưới đây là một số vấn đề liên quan tới cách chăm sóc bệnh nhân bị bệnh bạch cầu mà người nhà cần phải chú ý tới:

1. Tìm hiểu về bệnh

Người thân hoặc người chăm sóc bệnh nhân bị bệnh bạch cầu cần có những hiểu biết nhất định về tình trạng bệnh của bệnh nhân như tính chất bệnh bạch cầu là gì, các đặc điểm của bệnh, các phương pháp điều trị bệnh bạch cầu hay những biến chứng bệnh nhân có thể mắc phải,... Bên cạnh đó việc nắm bắt được cách đối phó với những tác dụng phụ hay những triệu chứng của bệnh cũng đóng vai trò quan trọng.

Những điều này là rất quan trọng, bởi chỉ khi có sự hiểu biết về tình trạng của người bệnh thì người chăm sóc mới có thể chăm sóc bệnh nhân bị bệnh bạch cầu đúng cách. Do đó, hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ về các thắc mắc của bản thân để có cái nhìn chuẩn xác hơn về bệnh bạch cầu trước khi chăm sóc người bệnh.

2. Chú ý nguy cơ nhiễm trùng khi chăm sóc bệnh nhân bị bệnh bạch cầu

Bạch cầu là tế bào máu đảm nhận chức năng miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể chống lại các vi khuẩn, virus và các kháng nguyên lạ xâm nhập. Tuy nhiên khi bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu, chính cơ quan miễn dịch lại là cơ quan bị bệnh, vì thế khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ bị suy giảm (mức độ suy giảm phụ thuộc vào mức độ của bệnh và thể bệnh).

Vì vậy, bệnh nhân bị bệnh bạch cầu rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn nếu không được chăm sóc tốt. Tình trạng nhiễm khuẩn có thể được biểu hiện bằng những triệu chứng như sốt, môi khô, lưỡi bẩn,... nhưng đôi khi tình trạng nhiễm trùng có thể không biểu hiện bằng những tình trạng đặc trưng như trên do hệ miễn dịch bị suy giảm quá nhiều.

Do đó, trong quá trình chăm sóc bệnh nhân bị bệnh bạch cầu cần khuyến khích bệnh nhân rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, thực hiện ăn chín uống sôi, gọt vỏ trái cây trước khi ăn,... Bên cạnh đó, cũng có thể cho bệnh nhân tiêm các loại vaccin (đặc biệt là vaccin cúm) để tạo miễn dịch chủ động cho người bệnh.

3. Chăm sóc chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân bị bệnh bạch cầu

Đối với một người khỏe mạnh hay đang mắc bệnh thì chế độ ăn dinh dưỡng, puhf hợp luôn đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng hay ổn định sức khỏe thể chất và hệ miễn dịch. Đối với bệnh nhân bị bệnh bạch cầu cũng vậy.

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề cần lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân bị bệnh bạch cầu. Chế độ dinh dưỡng là tiền đề để người bệnh nâng cao thể chất giúp đáp ứng tốt hơn với điều trị và hạn chế các tác dụng phụ do điều trị gây nên.

Khi chăm sóc bệnh nhân bị bệnh bạch cầu, nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý với các loại thức ăn tốt cho bệnh nhân như thực phẩm giàu đạm, thực phẩm giàu năng lượng, các vitamin và khoáng chất, chất xơ,... để giúp bệnh nhân có sức khỏe tốt hơn. Các loại thực phẩm được chế biến cần đảm bảo vệ sinh để phòng ngừa nhiễm trùng.

Đồng thời, trong chế độ dinh dưỡng cũng cần hạn chế các loại vitamin B1, B12 là các loại vitamin khiến bệnh có thể diễn biến bất thường.

4. Thấu hiểu với cảm giác của người bệnh

Người bệnh bạch cầu có thể gánh chịu rất nhiều ảnh hưởng tâm lý do bệnh hoặc các phương pháp điều trị gây nên. Bởi vậy bên cạnh các chăm sóc bệnh nhân bị bệnh bạch cầu về thể chất, chăm sóc về tinh thần cho người bệnh cũng hết sức quan trọng.

Người chăm sóc nên có sự trao đổi thường xuyên, tâm sự nhiều hơn với người bệnh, là nơi để người bệnh có thể chia sẻ các cảm xúc của bản thân về tình trạng bệnh hoặc các khó khăn đang mắc phải. Từ đó động viên người bệnh để họ có cái nhìn lạc quan hơn vào tình trạng của bản thân và tin tưởng vào tương lai hơn khi áp dụng các phương pháp điều trị.

Bên cạnh việc tự chia sẻ cảm giác với người bệnh thì người nhà cũng có thể cho bệnh nhân bị bệnh bạch cầu tham gia vào các cộng đồng cùng mắc bệnh khác cũng là một gợi ý có thể tham khảo.

5. Quản lý các tác dụng phụ do điều trị gây nên

Những phương pháp điều trị bệnh bạch cầu như hóa trị, xạ trị,... đều là những phương pháp điều trị rất khắc nghiệt và có khả năng để lại nhiều tác dụng phụ khác nhau trên cơ thể bệnh nhân sau điều trị. Do vậy để chăm sóc bệnh nhân bị bệnh bạch cầu tốt, sự quản lý chặt chẽ các tác dụng phụ do điều trị gây nên là rất quan trọng.

Người chăm sóc nên tìm hiểu về các tác dụng phụ bệnh nhân có thể gặp phải sau khi thực hiện các phương pháp điều trị bệnh bạch cầu để có thể phát hiện sớm để có các biện pháp giúp giảm nhẹ sự ảnh hưởng của tác dụng phụ điều trị đối với cuộc sống bệnh nhân.

Có thể thấy, chăm sóc bệnh nhân bị bệnh bạch cầu đóng vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết được quan tâm nhiều hơn nữa. Sự chăm sóc tốt sẽ là cơ sở để bệnh nhân có thể đối mặt với bệnh tật tốt hơn.

Nguồn dịch: https://health.clevelandclinic.org/7-tips-caring-someone-leukemia/


Tác giả: QN