Cách cải thiện sức khoẻ hệ hô hấp khi nhiễm Covid-19

Cách cải thiện sức khoẻ hệ hô hấp khi nhiễm Covid-19
Covid-19 là một bệnh đường hô hấp, có nghĩa là nếu một người bị nhiễm Covid-19 thì tình trạng hô hấp của họ là một trong những yếu tố quyết định cách họ chống chọi lại với căn bệnh này.

Trước tiên, điều quan trọng là người bệnh phải hiểu cách virus tấn công phổi của chúng ta. Khi nhiễm Covid-19, virus sẽ di chuyển tới màng nhầy và tới phổi. Để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng thì cơ thể chúng ta sẽ phản ứng lại dẫn tới viêm nhiễm tại phổi. Lúc này, phổi không thể cung cấp đủ oxy vào máu và loại bỏ CO2 khiến bệnh nhân thở gấp và trầm trọng hơn.

Nói cách khác, theo NIH thì các giai đoạn tấn công của virus SARS-CoV-2 vào phổi người nhiễm theo các giai đoạn như sau:

- Giai đoạn 1: Virus Covid-19 tấn công dồn dập vào tế bào phổi, chủ yếu là tại lớp tế bào lông mao sau đó lớp bảo vệ bị virus làm bong tróc

- Giai đoạn 2: Lớp bảo vệ bị mất đi, đường hô hấp của người bị sẽ bị tích tụ chất bẩn, dịch lỏng và virus sinh sôi nhanh chóng

Cách cải thiện sức khoẻ hệ hô hấp khi nhiễm Covid-19 - Ảnh 2.

Khi lớp bảo vệ bị mất đi, đường hô hấp của người bị sẽ bị tích tụ chất bẩn, dịch lỏng và virus sinh sôi nhanh chóng (Ảnh minh hoạ: Internet)

- Giai đoạn 3: Phổi đã có những tổn thương nặng, virus tiếp tục lan rộng gây ra tình trạng suy hô hấp cấp tính với biểu hiện thở nhanh, khó thở hay tím tái,..

Khi hồi phục (sau Covid-19), phổi sẽ để lại những tổn thương nặng và khó có thể phục hồi như ban đầu.

Như vậy có thể thấy, cách thức tấn công của virus Covid-19 tới phổi là viêm cả 2 lá. Tuỳ từng giai đoạn khỏi bệnh mà sự phục hồi cũng sẽ ở mức khác nhau.

Theo Tiến sĩ Robert Eitches, nhà dị ứng học và nhà miễn dịch học tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles phỏng vấn với CNN, một số thay đổi trong lối sống có thể giúp cải thiện sức khoẻ hệ hô hấp khi nhiễm Covid-19. Ông cho biết: "Việc tăng cường sức khoẻ đường hô hấp không giúp bạn ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng xảy ra nhưng sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu bạn bị nhiễm khi có tiếp xúc với virus".

Dưới đây là những cách bạn có thể cải thiện sức khoẻ đường hô hấp khi nhiễm Covid-19 và giảm nguy cơ mắc bệnh:

1. Bỏ thuốc lá

Một trong những bước quan trọng để cải thiện sức khoẻ hệ hô hấp của người nhiễm Covid-19 chính là tránh bất cứ một lý do nào khiến chức năng phổi bị suy giảm, chẳng hạn như hút thuốc lá.

Hút thuốc lá hay thuốc lá điện tử có thể gây kích ứng đường thở dẫn tới các ảnh hưởng vĩnh viễn, phá huỷ các mô phổi - nơi diễn ra quá trình trao đổi khí.

Khói thuốc lá bao gồm rất nhiều các hạt nhỏ, khi hít phải, các hạt này mắc kẹt trong phổi - chính vòng luẩn quẩn này sẽ khiến phổi đứng trước nguy cơ bị thương tổn vĩnh viễn.

Cách cải thiện sức khoẻ hệ hô hấp khi nhiễm Covid-19 - Ảnh 3.

Hút thuốc lá hay thuốc lá điện tử có thể gây kích ứng đường thở dẫn tới các ảnh hưởng vĩnh viễn, phá huỷ các mô phổi - nơi diễn ra quá trình trao đổi khí (Ảnh minh hoạ: Internet)

Đồng thời việc tránh các nguy cơ gây tổn thương phổi cũn góp phần giúp hệ thống miễn dịch được củng cố từ đó chống lại những tác nhân gây nhiễm trùng như virus Covid-19.

Bên cạnh đó, sưởi bằng than củi hay thắp nến với bấc kim loại cũng được khuyến cáo tương tự.

2. Các bài tập thở tốt cho phổi

Tập thể dục có thể góp phần cải thiện chức năng hô hấp trong đó có chức năng hít thở. Phế nang trong phổi là những túi khí nhỏ có hình dạng như quả bóng được xếp thành từng cụm phân bổ khắp lá phổi. Phế nang là nơi trao đổi O2 và CO2 đến và đi từ máu. Chính vì thế, một người ít vận động có thể gặp nguy cơ xẹp phổi cao hơn người thường xuyên vận động hít thở đúng cách.

Để nâng cao dung tích phổi, nhất là khi nhiễm Covid-19, người bệnh phải học "thở đúng cách". Có 2 bài tập thở mà người nhiễm Covid-19 có thể tham khảo:

2.1. Thở mím môi

Bài tập thở mím môi sẽ nhận được nhiều oxy vào phổi hơn so với thở bình thường. Nó cũng giúp đường thở của bạn mở lâu hơn bằng cách giảm số lần thở mỗi phút.

Làm theo các bước sau để thử thở mím môi:

- Thư giãn ở tư thế ngồi với cơ cổ và vai không bị siết chặt.

- Hít vào từ từ bằng mũi trong vài lần và ngậm miệng lại. (Mũi của bạn làm ấm và làm ẩm không khí trước khi nó đến phổi - thở vào bằng miệng không thực hiện được điều này).

- Trước khi thở ra, hãy mím môi lại, như thể bạn sắp thổi tắt một ngọn nến.

- Giữ cho môi của bạn mím, thở ra toàn bộ không khí trong phổi của bạn từ từ.

- Cố gắng thở ra với số lần đếm dài hơn bạn hít vào.

- Thực hiện thở bằng cách mím môi lặp lại vài lần.

2.2. Bài tập aerobic, yoga, các bài giãn cơ, thở sâu bằng mũi

Bản chất, dù ở hình thức tập thể dục nào cũng đều đem lại tác dụng giúp bạn thở nhanh hơn, đều hơn và đều là một bài tập thở. Các bài tập được thực hiện như: đi bộ nhanh, chạy, bơi lội hoặc bất kỳ hoạt động làm tăng nhịp tim và nhịp thở nào khác.

Thói quen tập thể dục thường xuyên cũng có tác dụng hỗ trợ sức khỏe phổi và phổi khỏe mạnh có thể là cách bảo vệ tốt nhất của bạn chống lại COVID-19, nếu bạn bị nhiễm trùng.

Tiến sĩ Ryan Steele, nhà dị ứng học - miễn dịch học và là trợ lý giáo sư tại Trường Y Yale cho biết, việc tập thể dục sẽ góp phần giảm viên trong cơ thể và có thể làm giảm sự xuất hiện của hội chứng suy hô hấp cấp tính - biến chứng nghiêm trọng ở một số bệnh nhân phải nhập viện vì Covid-19.

3. Loại bỏ sự tích tụ của chất nhầy

Việc nhiễm virus Covid-19 khiến các mô phổi bị viêm (phế nang). Lúc này phế nang bị phồng lên và chứa đầy các chất dịch khiến bạn bị khó thở hơn và giảm chức năng trong việc bơm oxy tới các cơ quan khác của cơ thể.

Cách cải thiện sức khoẻ hệ hô hấp khi nhiễm Covid-19 - Ảnh 4.

Khi nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn, phổi sẽ sưng lên và chứa đầy các chất lỏng - tình trạng này gọi là viêm phổi (Ảnh minh hoạ: Internet)

Khi nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn, phổi sẽ sưng lên và chứa đầy các chất lỏng - tình trạng này gọi là viêm phổi. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị khó thở khi nhiễm Covid-19 và trong những trường hợp nghiêm trọng bệnh nhân sẽ cần tới bình oxy hoặc máy thở.

TS.Steele nói: "Việc gặp phải các dị nguyên gây kích ứng đường mũi khiến cơ thể tiết ra chất nhầy nhiều hơn và không thể đào thải ra ngoài. Điều này tạo ra môi trường sinh sôi thuận lợi cho vi khuẩn và virus; đồng thời ngăn chặn oxy đi vào và đi ra khỏi phế nang phổi".

Có một số phương pháp giúp kiểm soát chất nhầy dư thừa:

- Xịt rửa nước muối sinh lý

- Giảm viêm với ống hít

- Xông hơi, tắm nước nóng, chườm nóng,...

- Kê cao gối khi nằm

- Áp dụng một số bài tập thở.

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc loại bỏ các chất nhầy ra khỏi phổi sau khi bị viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 thì các bài tập này có thể hữu ích. Chúng tôi chia các bài tập này thành 2 loại, một loại sử dụng hơi thở để giúp mở rộng phổi, nới lỏng chất nhầy và tống chúng ra ngoài. Loại thứ hai là bài tập với tư thế có trọng lực để đẩy chất nhầy khỏi phổi.

3.1. Bài tập hít thở sâu

Với bài tập này bạn có thể nằm hoặc ngồi để thực hiện. Bạn chỉ cần giữ cho ngực và vai ở tư thế thư giãn thoải mái nhất. Cách thực hiện:

- Đặt một tay lên bụng và tay còn lại ở trên ngực để cảm nhận chuyển động thở

- Hít sâu bằng mũi tới khi cảm thấy khoang bụng nở ra

- Thở ra từ từ bằng miệng nhưng hãy mím môi lại cho tới khi hơi hết và cảm thấy bụng hóp lại

- Lặp lại từ 3 - 5 lần mỗi ngày và thực hiện trong nhiều ngày.

3.2. Bài tập Breath Stacking (tăng thông khí bằng cách hơi thở chồng)

Bài tập này giúp mở rộng phổi của bạn và giữ cho các cơ vận động được linh hoạt đồng thời tăng cường ho thúc đẩy nới lỏng chất nhầy ra ngoài. Bạn nên thực hiện nhiều lần trong ngày, nhưng tốt nhất nên thực hiện bài tập này ít nhất một giờ sau khi ăn/uống. Nếu cảm thấy đau, hãy dừng lại ngay lập tức.

- Đẩy toàn bộ hơi ra khỏi cơ thể

- Sau đó hít vào một hơi nhỏ và giữ hơi này tới khi bạn cần thêm không khí

- Tiếp tục hít vào một hơi nhỏ khác mà không thở ra

- Lặp lại các nhịp thở nhỏ này cho tới khi bạn không thể hít vào được nữa rồi giữ trong tối đa 5 giây

- Đẩy hơi ra khỏi phổi một lần thật mạnh.

3.3. Bài tập ở tư thế nằm ngửa

Trước khi thực hiện bài tập này, hãy đợi ít nhất một giờ sau ăn. Bạn cần dừng lại nếu cảm thấy buồn nôn hoặc chứng ợ nóng bị trầm trọng hơn. Đây là bài tập đẩy chất nhầy khỏi phổi bằng cách sử dụng trọng lực.

- Nằm ngửa và giữ đầu của bạn thẳng sát với mặt phẳng sau đó gập đầu gối cong lại

- Hãy giữ hông cao hơn ngực bằng một chiếc gối

- Sau đó giữ tư thế này ít nhất 5 phút

- Bạn có thể hít thở sâu khi giữ tư thế này nếu cảm thấy thoải mái.

3.4. Bài tập ở tư thế nằm nghiêng

Bài tập này nên thực hiện sau bữa ăn ít nhất một giờ và cần dừng lại khi bạn cảm thấy buồn nôn hay ợ chua. Đây cũng là bài tập đẩy chất nhầy khỏi phổi bằng trọng lực.

- Nằm nghiêng và giữ đầu của bạn thẳng và sát với mặt phẳng, nếu cần thiết có thể sử dụng thêm tay

- Giữ hông cao hơn ngực bằng một chiếc gối

- Giữ tư thế này trong ít nhất 5 phút và hít thở sâu nếu bạn cảm thấy thoải mái

- Lặp lại tư thế nằm nghiêng về phía bên kia.

Ngoài ra, với người nhiễm Covid-19 thì việc hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên, các chất kích thích có thể gây kích ứng đường thở và giữ gìn nhà cửa thông thoáng cũng góp phần giảm nhẹ khi nhiễm bệnh.

Tóm lại, về cơ bản thì sức khoẻ hệ hô hấp của bạn càng tốt thì cơ thể của bạn sẽ chống lại tác nhân là virus Covid-19 khi nhiễm càng cao.

Nguồn: CNN, NIH, VeryWell

Cách cải thiện sức khoẻ hệ hô hấp khi nhiễm Covid-19 - Ảnh 5.

 

https://suckhoehangngay.vn/cach-cai-thien-suc-khoe-he-ho-hap-khi-nhiem-covid-19-20211231115541272.htm
Tác giả: Kim Phụng