Bệnh vẩy nến có thể gây ra các triệu chứng vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng các mùa khác nhau có thể ảnh hưởng đến tình trạng bệnh theo những cách khác nhau.
Bệnh vảy nến là một bệnh rối loạn da khiến các tế bào da nhân lên nhanh hơn gấp 10 lần so với bình thường. Điều này làm cho da tích tụ thành các mảng đỏ, gồ ghề được bao phủ bởi các vảy trắng. Vảy nến có thể mọc ở bất cứ đâu, nhưng hầu hết xuất hiện trên da đầu, khuỷu tay, đầu gối và lưng dưới. Bệnh vẩy nến không lây nhiễm nhưng có thể bị do di truyền.
Đọc thêm:
- Điểm danh những bệnh về da mùa hanh khô thường gặp và cách xử lý
- Bị bệnh vảy nến nên ăn gì và kiêng gì?
Một số triệu chứng phổ biến của bệnh vảy nến như:
- Các mảng da đỏ, thường được bao phủ bởi các vảy màu bạc. Những mảng này có thể ngứa và đau, đôi khi nứt ra và chảy máu. Trong trường hợp nghiêm trọng, các mảng sẽ phát triển và hợp nhất, bao phủ các vùng rộng lớn.
- Rối loạn móng tay và móng chân, bao gồm đổi màu và rỗ móng. Móng tay cũng có thể vỡ vụn hoặc tách ra khỏi lớp móng.
- Các mảng vảy hoặc đóng vảy trên da đầu.
- Những người bị bệnh vảy nến cũng có thể mắc một loại viêm khớp gọi là viêm khớp vảy nến. Bệnh gây ra tình trạng đau và sưng ở các khớp.
Mùa đông là thời điểm khó khăn cho những người bị vảy nến. Do không khí quá lạnh và khô nên làn da của bạn rất dễ bị mất nước. Các tổn thương da có thể gặp như nhiều vảy hơn, ngứa hơn.
Bạn có thể giúp giảm khô da và giảm các triệu chứng bệnh vẩy nến bằng cách dùng kem dưỡng ẩm. Kem dưỡng ẩm dạng kem đậm đặc tốt nhất cho da trong mùa đông. Dầu khoáng cũng hoạt động như một rào cản tốt. Chỉ cần đảm bảo rằng bất kỳ loại kem dưỡng ẩm nào bạn thoa đều không chứa thuốc nhuộm và nước hoa, vì những chất này có thể làm tình trạng vảy nến trầm trọng thêm.
Đặc biệt, vào mùa lạnh chúng ta thường mặc nhiều quần áo để giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, những người bị vảy nến nên mặc nhiều lớp quần áo bằng vải cotton. Các loại vải len, rayon và polyester có thể khiến da bị khô, đỏ và ngứa.
Lưu ý, người bị vảy nến nên tắm nhanh bằng nước ấm, không nóng. Hạn chế sử dụng sữa tắm có tính chất tẩy rửa cao, khi dùng xà phòng nên dùng đồ bảo hộ như găng tay, …
Mùa xuân là thời tiết khá dễ chịu đối với những người bị vảy nến vì độ ẩm bắt đầu tăng cùng với nhiệt độ.
Vào thời điểm này trong năm, bạn vẫn cần thoa kem dưỡng ẩm nhưng không cần dùng quá nhiều và thường xuyên như mùa đông. Tối thiểu, bạn cần thoa kem dưỡng da sau khi tắm.
Tuy nhiên, vào mùa xuân thường gặp tình trạng dị ứng phấn hoa vì vậy những người bị vảy nến có thể cần dùng thuốc kháng histamine để ngăn chặn các triệu chứng (cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ). Ngoài hắt hơi và nghẹt mũi, phấn hoa có thể gây ngứa da và chàm ở một số người. Đây có thể là một sự kết hợp khó chịu với bệnh vẩy nến.
Mùa hè là thời gian tuyệt vời cho những người bị vảy nến. Sự kết hợp giữa nhiệt và độ ẩm trong mùa hè làm giảm tình trạng khô và ngứa trên da của bạn. Bạn cũng sẽ ít gặp những tổn thương do bệnh gây ra.
Ngoài ra, mùa hè là thời điểm có nhiều hoạt động ngoài trời, điều này rất tốt cho làn da của bạn. Tiếp xúc với tia cực tím (UV) vừa phải sẽ tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, tiếp xúc quá nhiều với bức xạ tia cực tím có thể gây cháy nắng, làm cho các triệu chứng bệnh vẩy nến trở nên nặng hơn.
Vì vậy, nếu dự định tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong hơn 15 phút, các bạn nên lưu ý một số vấn đề:
- Thoa kem chống nắng (SPF) từ 30 trở lên để tránh bị cháy nắng
- Hạn chế lượng thời gian bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào những thời điểm nóng nhất trong ngày, từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
- Đội mũ rộng vành và mặc quần áo dài tay nhẹ
Có một hạn chế nữa khi vào mùa hè do côn trùng gây ra, nếu chúng đốt vào cơ thể bạn sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh vẩy nến, hoặc gây ra một số tình trạng viêm da khác. Vì vậy, khi ra ngoài mọi người nên mặc đồ bảo hộ, thoa kem chống côn trùng, riêng người bị vảy nến nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu về loại kem có thể dùng.
Thời tiết mùa thu khá dễ chịu nhưng nhiệt độ và độ ẩm giảm nhẹ, ảnh hưởng một phần đến tình trạng da bị vảy nến. Để làm giảm các triệu chứng vảy nến, mọi người cần đảm bảo thoa kem dưỡng ẩm, tránh tắm nước nóng và mặc quần áo dày, vì điều này sẽ làm tăng kích ứng da.
Ngoài những cách cải thiện, phòng ngừa vảy nến tái phát theo các mùa, các bạn cần lưu ý một số chế độ khác để làm giảm các triệu chứng của bệnh. Đặc biệt, nên duy trì chế độ này quanh năm để đạt hiệu quả tốt nhất.
Duy trì cân nặng vừa phải và ăn một chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng có thể giúp giảm bớt và giảm các triệu chứng của bệnh vẩy nến một cách lâu dài. Người bị bệnh vảy nến nên bổ sung những thực phẩm giàu axit béo omega-3, ngũ cốc nguyên hạt và thực vật.
Ngoài ra, hạn chế các loại thực phẩm có thể làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể bạn cũng rất quan trọng như đường tinh luyện, các sản phẩm từ sữa và thực phẩm đã qua chế biến.
Căng thẳng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh vẩy nến. Học cách quản lý và đối phó với căng thẳng có thể giúp bạn giảm các cơn bùng phát và giảm bớt các triệu chứng. Cân nhắc thử những cách sau để giúp giảm mức độ căng thẳng của bạn: tập yoga, thiền, …
Nhìn chung bệnh vảy nến sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh quanh năm. Tuy nhiên, với lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh và áp dụng những mẹo nhỏ sẽ tránh bùng phát bệnh, thuyên giảm các triệu chứng, có cuộc sống thoải mái hơn.
Nguồn tham khảo:
- How to Prepare for Seasonal Changes If You Have Psoriasis
- The No BS Guide to Psoriasis for All Seasons