Cách bấm huyệt giảm đau đầu nhanh chóng và hiệu quả

Cách bấm huyệt giảm đau đầu nhanh chóng và hiệu quả
Bấm một số huyệt đạo trên đầu, cổ, vai, tay,... có thể giúp giảm đau đầu một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Đau đầu hoặc đau nửa đầu là tình trạng mà nhiều người gặp phải, đặc biệt khi thời tiết thay đổi. Các cơn đau gây ra sự khó chịu, mệt mỏi và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Có rất nhiều cách có thể giúp giảm đau đầu, trong đó bấm huyệt giảm đau đầu cũng là một cách giảm đau hiệu quả.

1. Bấm huyệt giảm đau đầu có thực sự hiệu quả không?

Mặc dù vẫn còn nhiều nghiên cứu cần thực hiện, nhưng một lượng lớn bằng chứng cho thấy rằng việc bấm huyệt có thể giúp điều trị chứng đau nửa đầu. Kỹ thuật này cũng đã được chứng minh là có hiệu quả đối với các loại đau khác.

- Bấm huyệt có thể chống lại chứng đau đầu nguyên phát: Phương pháp này có thể giúp giảm tần suất, mức độ nghiêm trọng và thời gian của các cơn đau đầu nguyên phát, bao gồm đau nửa đầu.

- Bấm huyệt giúp giảm buồn nôn: Trong một nghiên cứu trên 98 bệnh nhân bị chứng đau nửa đầu mãn tính, việc ấn vào các huyệt bách hội, phong trì, nội quan,... có thể giúp giảm buồn nôn. Áp dụng lực ấn trong 5 phút tại mỗi điểm trong tổng cộng 20 phút, thực hiện 3 lần/tuần trong 8 tuần.

- Bấm huyệt giúp phòng ngừa các cơn đau nửa đầu: Một phân tích tổng hợp xem xét 39 nghiên cứu khác nhau cho thấy châm cứu và bấm huyệt có hiệu quả hơn giả dược trong việc giảm số ngày đau nửa đầu, nhưng dường như không ảnh hưởng đến thời gian kéo dài của các cơn đau nửa đầu.

Cách bấm huyệt giảm đau đầu nhanh chóng và hiệu quả - Ảnh 1.

Bấm huyệt được nhiều nghiên cứu chứng minh có tác dụng giảm đau đầu (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Ngủ trưa dậy bị đau đầu là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Đau đầu về chiều là bệnh gì? Khi nào là dấu hiệu đột quỵ não nguy hiểm?

2. Bị đau đầu bấm huyệt nào?

Bấm huyệt là việc sử dụng áp lực vật lý vào các bộ phận cụ thể của cơ thể. Những điểm này được gọi là huyệt đạo. Dưới đây là một số huyệt đạo có thể giúp giảm đau đầu:

- Huyệt đạo ở tay giúp giảm đau đầu

Hai huyệt đạo trên bàn tay và cổ tay thường được sử dụng để giúp giảm đau đầu đó là huyệt hợp cốc và huyệt nội quan.

+ Huyệt hợp cốc: Huyệt hợp cốc nằm trên nền thịt giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ, hơi lệch về phía ngón trỏ, trên đường giữa đi qua xương bàn ngón hai.

+ Huyệt nội quan: Huyệt đạo này có liên quan đến việc giảm đau đầu và kiểm soát buồn nôn. Vị trí huyệt nội quan nằm ở cổ tay bên trong, cách lòng bàn tay khoảng ba ngón tay áp sát vào nhau. 

Huyệt hợp cốc và huyệt nội quan (Ảnh: Internet)

- Huyệt đạo ở đầu giúp giảm đau đầu

 Một số huyệt đạo trên đầu cũng có thể giúp kiểm soát cơn đau đầu: 

+ Huyệt bách hội: Điểm này nằm ở đỉnh đầu và được cho là điểm mà nhiều đường năng lượng chảy cùng nhau. Nhấn vào điểm này có thể giúp làm giảm một số triệu chứng đau đầu. 

Để xác định huyệt bách hội, các bạn có thể thực hiện theo hướng dẫn sau: Đầu tiên, xòe hai bàn tay và đặt hai ngón tay cái vào hai lỗ tai. Ngón tay giữa của mỗi bàn tay đặt về phía đỉnh đầu sao cho đầu 2 ngón tay này chạm nhau, các ngón còn lại ôm lấy đầu. Nơi giao nhau của hai ngón tay giữa chính là vị trí của huyệt bách hội.

+ Huyệt thái dương: Huyệt đạo này nằm ở vị trí lõm nhẹ ở thái dương hai bên đầu. Vị trí này được coi là điểm nối của đuôi lông mày và đuôi mắt.

+ Huyệt ấn đường: Đây là điểm ở giữa trán, giữa hai lông mày. Điểm này được cho là có tác dụng làm thư giãn hệ thần kinh giao cảm.

- Huyệt đạo ở cổ và vai giúp giảm đau đầu

Khi bị đau đầu, bạn cũng có thể bấm vào một số huyệt đạo ở cổ và vai:

+ Huyệt phong trì: Huyệt phong trì là huyệt vị thứ 20 trong nhóm Kinh Đởm và hội với mạch Dương Duy. Huyệt Phong Trì được xem là nơi phong tà xâm nhập hình thành triệu chứng của bệnh cảm mạo phong nhiệt và phong hàn, trong đó đau đầu là triệu chứng điển hình.

Huyệt nằm ở chỗ lõm phía sau mang tai, bờ ngoài của cơ thang và sát đáy sau hộp sọ, bờ bên trong của ức đòn chũm.

+ Huyệt kiên tỉnh: Huyệt đạo này nằm ở trên bờ vai thuộc vùng vai gáy, nằm tại vị trí giao nhau giữa đốt sống thứ 7 và xương giữa bả vai.

Huyệt phong trì và huyệt kiên tỉnh (Ảnh: Internet)

- Huyệt đạo ở chân giúp giảm đau đầu

Huyệt thái xung ở bàn chân có thể giúp giảm đau đầu, căng thẳng, lo lắng và mất ngủ. Huyệt đạo này nằm ở trên mu bàn chân. Để xác định huyệt thái xung, bạn đặt chân dưới mặt đất, sau đó tìm vị trí khe giữa ngón chân cái và ngón thứ 2. Từ vị trí đó đo lên 1,5 thốn (2 ngón tay giữa áp sát vào nhau), huyệt nằm ở vùng lõm của 2 đầu xương ngón chân.

- Huyệt đạo ở tai giúp giảm đau đầu

Huyệt Daith là một huyệt nằm ở phần sụn ngay trên lỗ mở vào ống tai. Có nghiên cứu đã báo cáo về một bệnh nhân không thấy giảm các triệu chứng đau nửa đầu cho đến khi thực hiện bấm huyệt Daith.

3. Cách bấm huyệt giảm đau đầu

Bạn có thể tự bấm huyệt giảm đau đầu tại nhà theo một số hướng dẫn sau:

- Xác định các huyệt đạo có tác dụng giúp giảm đau đầu đã được liệt kê ở trên

- Dùng ngón tay cái ấn vào vùng đó

- Liên tục ấn mạnh và xoay tay theo chuyển động tròn nhỏ ở huyệt đạo đó trong 1 đến 2 phút

- Lặp lại quá trình này ở các huyệt đạo đối diện

Cách bấm huyệt giảm đau đầu nhanh chóng và hiệu quả - Ảnh 4.

Ấn và xoay tròn vào các huyệt đạo giúp giảm đau đầu (Ảnh: Internet)

Lưu ý khi bấm huyệt giảm đau đầu

- Ngồi hoặc đứng ở tư thế thoải mái và thư giãn khi thực hiện bấm huyệt

- Áp dụng lực ấn chắc chắn, đều đặn khi kích hoạt các huyệt đạo

- Luyện thở sâu để giúp thư giãn cơ thể

- Ngừng bấm huyệt nếu xuất hiện cơn đau mới hoặc các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn

Ai không nên thực hiện cách ấn huyệt giảm đau đầu?

- Có các vết thương như vết thương hở, vết bầm tím, tĩnh mạch giãn và vùng bị sưng.

- Phụ nữ mang thai không nên bấm huyệt ở bụng, chân hoặc lưng dưới vì có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ.

4. Một số biện pháp khác giúp giảm đau đầu

Ngoài cách ấn huyệt giảm đau đầu, một số biện pháp tự nhiên khác cũng có thể làm giảm cơn đầu một cách hiệu quả:

- Chườm mát hoặc chườm ấm

Đối với chứng đau đầu do căng cơ, chườm nóng hoặc chườm lạnh có thể giúp giảm đau. Mỗi lần nên chườm khoảng 5-10 phút.

- Bài tập thở

Chứng đau đầu do căng thẳng có thể được giảm bớt bằng các bài tập thở. Bạn nên tìm một nơi yên tĩnh có ghế thoải mái. Tiếp theo, hít thở chậm, nhịp nhàng, hít vào trong 5 giây rồi thở ra trong 5 giây. Khi bạn thư giãn, tình trạng căng cơ của bạn sẽ giảm đi.

- Uống đủ nước

Mất nước có thể gây ra chứng đau đầu, do vậy bạn nên bổ sung đủ nước cho cơ thể và tránh uống rượu, caffeine khi đang đau đầu.

- Ngủ

Một giấc ngủ có thể giúp bạn giảm cơn đau đầu nhưng nên tránh ngủ quá nhiều, vì điều này có thể làm trầm trọng thêm cơn đau đầu.

- Uống trà ấm

Một cốc trà ấm có thể giúp bạn thư giãn và thoải mái hơn, từ đó giúp bạn giảm cơn đau hiệu quả.

- Hạn chế ánh sáng chói và hương thơm nồng nặc

Bạn nên nghỉ ngơi ở một nơi yên tĩnh, thoáng mát và ánh sáng yếu. Thêm vào đó, bạn nên tránh tiếp xúc với những thứ có hương thơm nồng nặc như nước hoa.

Nếu áp dụng các biện pháp tự nhiên mà chứng đau đầu không thuyên giảm hoặc cơn đau đầu diễn ra trầm trọng, bạn nên kết hợp thêm cả việc sử dụng thuốc kê đơn và không kê đơn bao gồm thuốc giảm đau như ibuprofen hay acetaminophen.

Trên đây là những thông tin về cách bấm huyệt giảm đau đầu. Mặc dù khá an toàn nhưng bạn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ về phương pháp bấm huyệt này và các phương pháp khác để kiểm soát chứng đau nửa đầu một cách hiệu quả nhất.

Nguồn tham khảoHow to Use Pressure Points for Headache Relief


Tác giả: Vân Anh