Điều trị ung thư thực quản nói riêng và các loại ung thư nói chung là một quá trình lâu dài và hết sức phức tạp. Để đảm bảo hiệu quả điều trị, ngoài việc bệnh nhân cần điều trị sớm bằng đúng phương pháp thích hợp, tuân thủ các chỉ định của bác sĩ,... thì theo dõi bệnh nhân sau điều trị bệnh ung thư thực quản cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
- Theo dõi tiến triển của bệnh
Tái phát sau điều trị là một trong các đặc tính lớn nhất của bệnh ung thư thực quản. Các tế bào ung thư có thể quay trở lại tạo nên các khối u mới tại vị trí cũ hay tại một vị trí mới sau khi đã điều trị. Do vậy, theo dõi bệnh nhân sau điều trị bệnh ung thư thực quản là cần thiết để có thể xác định sớm sự trở lại của bệnh và tình hình di căn của khối u.
- Theo dõi các tác dụng phụ, biến chứng của quá trình điều trị
Hiện nay các phương pháp điều trị bệnh ung thư thực quản được dùng phổ biến là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Tuy nhiên khi sử dụng các phương pháp điều trị này, bệnh nhân có nguy cơ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm khác nhau, trong đó có các biến chứng hết sức nguy hiểm. Vì vậy cần thường xuyên kiểm tra theo dõi bệnh nhân sau điều trị để có thể phát hiện kịp thời.
Để theo dõi bệnh nhân sau điều trị bệnh ung thư thực quản, bên cạnh thực hiện các thăm khám các triệu chứng lâm sàng thì bệnh nhân cần được làm một số các xét nghiệm cần thiết để giúp bác sĩ có cái nhìn chính xác hơn về bệnh.
Một số xét nghiệm thường được dùng dùng để theo dõi bệnh nhân sau điều trị bệnh ung thư thực quản có thể kể đến là:
- Xét nghiệm công thức máu
Xét nghiệm công thức máu ngoại vi là xét nghiệm cần thiết để đánh giá bệnh nhân sau điều trị bệnh ung thư thực quản. Kết quả xét nghiệm có thể cho thấy tình trạng thiếu máu (do chảy máu ở khối u hay do sự sụt giảm số lượng hồng cầu do điều trị), có hay không sự giảm bạch cầu, tiểu cầu,...
- Các xét nghiệm sinh hóa máu
Bệnh nhân sau điều trị bệnh ung thư thực quản còn có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm sinh hóa máu với mục đích theo dõi bệnh.
Kết quả xét nghiệm sinh hóa máu sẽ phản ánh được chức năng của một số cơ quan trong cơ thể như gan, thận,... là những cơ quan chịu nhiều ảnh hưởng từ điều trị và dễ dàng bị khối u di căn.
- Nội soi
Nội soi là phương pháp rất thường xuyên được chỉ định để theo dõi bệnh nhân sau điều trị bệnh ung thư thực quản. Nội soi giúp bác sĩ có cái nhìn đại thể về sự xâm lấn, chèn ép của khối u lên ống thực quản hoặc sự chảy máu của khối u, đồng thời cũng giúp bác sĩ có khả năng lấy được các mô tại khối u để làm các giải phẫu bệnh cần thiết.
- Các cận lâm sàng hình ảnh
Bên cạnh các xét nghiệm máu, nội soi,,.. bệnh nhân còn có thể được cho làm các cận lâm sàng hình ảnh như CT- Scan, MRI hay siêu âm để kiểm tra sự xuất hiện trở lại của các khối u, cũng như đánh giá được mức độ xâm lấn sang của khối u sang các mô lân cận.
Ngoài các xét nghiệm phổ biến trên, trong một số trường hợp bác sĩ điều trị có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm một số các xét nghiệm khác tùy tình trạng diễn biến của bệnh.
Có thể thấy rằng, để kiểm soát tốt ung thư thực quản, ngoài thực hiện điều trị tích cực thì theo dõi bệnh nhân sau điều trị cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, bệnh nhân cần thực hiện nghiêm túc lịch tái khám, theo dõi sau điều trị bệnh ung thư thực quản của bác sĩ đưa ra để xử lý kịp thời các diễn biến của bệnh.
Nguồn dịch: https://www.cancer.ca/en/cancer-information/cancer-type/esophageal/treatment/follow-up/?region=on