Các trường hợp cần xạ trị ung thư máu

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Các trường hợp cần xạ trị ung thư máu
Xạ trị ung thư máu có thể được chỉ định trước khi phẫu thuật hoặc độc lập như một phương pháp điều trị ung thư máu riêng lẻ.

Bên cạnh các phương pháp điều trị như hóa chất trị liệu, ghép tế bào mầm, liệu pháp miễn dịch tự thân,... xạ trị ung thư máu cũng là phương pháp điều trị thường xuyên được áp dụng để điều trị và kiểm soát bệnh cho bệnh nhân ung thư máu.

Nguyên tắc của phương pháp là sử dụng năng lượng từ các tia bức xạ để tiêu diệt các tế bào máu ác tính bất thường trong cơ thể. Loại tia xạ thường được sử dụng để xạ trị ung thư máu là tia X đặc biệt. Vùng chiếu xạ và liệu lượng chiếu xạ sẽ thay đổi tùy vào tình trạng, mức độ bệnh và mục đích chiếu xạ,...

1. Những trường hợp cần tiến hành xạ trị

Xạ trị ung thư máu có thể được sử dụng cho nhiều mục đích điều trị khác nhau, nhiều trường hợp khác nhau. Các mục đích được chỉ định xạ trị phổ biến nhất là:

- Xạ trị điều trị: Bên cạnh sử dụng hóa trị, bệnh nhân có thể được xạ trị ung thư máu để kiểm soát sự diễn tiến của bệnh, tiêu diệt các tế bào máu bất thường do ung thư máu đưa công thức máu về trạng thái tốt nhất.

- Xạ trị giảm đau: Xạ trị giúp phần lớn bệnh nhân cảm thấy giảm đáng kể tình trạng đau đớn do bệnh. Vì thế, xạ trị còn có thể được sử dụng để giảm đau cho bệnh nhân, đặc biệt là đối với các tình trạng đau xương do ung thư máu xạ trị cho hiệu quả giảm đau rất tốt.

- Giảm sự khó chịu ở các cơ quan bị di căn: Sự di căn của ung thư máu đến các cơ quan khác (gan, lách,...) có thể làm cho cơ quan đó lớn lên hoặc làm tăng kích thước hạch bạch huyết tại đây. Điều này gây đau đớn và khó chịu nhiều cho bệnh nhân, xạ trị sẽ giúp tiêu diệt tế bào ung thư, thu nhỏ kích thước cơ quan và giảm bớt sự đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân.

- Xạ trị để chuẩn bị ghép tế bào mầm: Trước khi bệnh nhân thực hiện ghép tế bào mầm để điều trị ung thư máu bác sĩ thường sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện hóa trị hoặc xạ trị ung thư máu cho bệnh nhân.

2. Một số tác dụng phụ có thể gặp khi xạ trị

Mặc dù xạ trị là phương pháp được sử dụng phổ biến để điều trị ung thư máu, tuy nhiên cần phải thừa nhận rằng xạ trị ung thư máu có khả năng gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau cho bệnh nhân khi sử dụng.

Các cơ quan bị ảnh hưởng nhiều bởi xạ trị ung thư máu có thể kể đến như da và niêm mạc (đỏ da, bỏng da, khô niêm mạc...), hệ tiêu hóa (giảm bài tiết nước bọt, buồn nôn, tiêu chảy hoặc một số rối loạn tiêu hóa,...), và xạ trị cũng gây tổn thương cả những tế bào máu bình thường,...

Nhưng trong thực tế, không phải bệnh nhân nào cũng gặp hết các tác dụng phụ do xạ trị ung thư máu gây nên. Sự biểu hiện tác dụng phụ là rất khác nhau giữa các bệnh nhân, phụ thuộc vào liều lượng chiếu xạ và vùng chiếu xạ.

Để hạn chế nguy hiểm do tác dụng phụ của xạ trị gây nên, bệnh nhân cần có chế độ chăm sóc hợp lý và đúng cách sau điều trị. Đồng thời cần theo dõi thường xuyên tình hình bệnh nhân sau xạ trị ung thư máu, phát hiện sớm các bất thường và thông báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.

Có thể thấy rằng, xạ trị ung thư máu là phương pháp điều trị được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn và hiệu quả, xạ trị đúng thời điểm và đúng mục đích là vô cùng quan trọng. Vì thế, bệnh nhân cần tham vấn ý kiến của bác sĩ điều trị để nhận được lời khuyên điều trị tốt nhất cho tình trạng bệnh của bản thân.

Nguồn dịch: https://www.cancercenter.com/cancer-types/leukemia/treatments/radiation-therapy

Tác giả: QN