Các tác dụng phụ có thể kéo dài sau điều trị ung thư lưỡi

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Các tác dụng phụ có thể kéo dài sau điều trị ung thư lưỡi
Sau quá trình điều trị ung thư lưỡi bằng các phương pháp hiện nay như phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với một số tác dụng phụ kéo dài. Những tác dụng phụ này gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau điều trị ung thư lưỡi.

1. Khô miệng

Nước bọt được tạo ra bởi tuyến nước bọt . Nước bọt rất cần thiết trong quá trình ăn uống và nói chuyện, đồng thời chúng cũng giúp ngừa nhiễm trùng và sâu răng bằng cách làm sạch răng, nướu và tình trạng thừa axit trong miệng.

Xạ trị trong điều trị ung thư lưỡi có thể làm hỏng tuyến nước bọt và khiến chúng tiết ra ít nước bọt hơn mức bình thường.

Lượng nước bọt do tuyến nước bọt tạo ra thường bắt đầu giảm trong vòng 1 tuần sau khi bắt đầu xạ trị trong điều trị ung thư lưỡi. Nó sẽ tiếp tục giảm trong quá trình điều trị ung thư lưỡi.

Các tuyến nước bọt có thể phục hồi một phần trong năm đầu tiên sau khi xạ trị. Tuy nhiên, chúng thường không hồi phục hoàn toàn, đặc biệt nếu tuyến nước bọt nhận được bức xạ trực tiếp.

Khi không đủ nước bọt, miệng bị khô và khó chịu. Tình trạng này được gọi là khô miệng (xerostomia). Nguy cơ sâu răng, bệnh nướu răng và nhiễm trùng tăng lên, và chất lượng cuộc sống của bạn bị ảnh hưởng.

2. Tăng khả năng nhiễm trùng và nguy cơ mắc bệnh nha chu và sâu răng

Ngay cả sau khi xạ trị và hóa trị trong điều trị ung thư lưỡi kết thúc, quá trình này vẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống miễn dịch và sự cân bằng vốn có trong khoang miệng.

Khi hệ thống miễn dịch bị suy yếu do hóa trị, ngay cả vi khuẩn có lợi trong khoang miệng cũng có thể gây nhiễm trùng. Vi trùng có mặt ở bệnh viện hoặc những nơi khác cũng có thể gây nhiễm trùng cho người bệnh sau điều trị ung thư lưỡi.

Khi số lượng bạch cầu ngày càng thấp, nhiễm trùng có thể xảy ra thường xuyên hơn và trở nên nghiêm trọng hơn. Bệnh nhân có số lượng bạch cầu thấp trong một thời gian dài có nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng cao hơn. Khô miệng, thường gặp trong quá trình điều trị ung thư lưỡi, cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng trong khoang miệng.

Chính sự suy yếu của hệ thống miễn dịch cùng sự xâm nhập của vi khuẩn làm bệnh nhân sau điều trị ung thư lưỡi tăng khả năng nguy cơ mắc các bệnh nha chu và tăng nguy cơ sâu răng.

3. Thay đổi về vị giác

Thay đổi về cảm giác vị giác là tác dụng phụ phổ biến của cả hóa trị và xạ trị trong điều trị ung thư lưỡi. Sự thay đổi này có thể được gây ra bởi sự phá hủy vị giác, khô miệng, nhiễm trùng hoặc các vấn đề về răng miệng. Thực phẩm có thể trở nên không có mùi vị hoặc có mùi vị khác với trước lúc điều trị ung thư lưỡi. Bức xạ có thể gây ra một sự thay đổi trong vị ngọt, chua, đắng và mặn. Thuốc hóa trị có thể gây ra mùi vị khó chịu.

Ở hầu hết bệnh nhân được hóa trị liệu và ở một số bệnh nhân được xạ trị, vị giác trở lại bình thường vài tháng sau khi kết thúc điều trị. Ở những người khác, vị giác có thể phục hồi 6 đến 8 tuần hoặc hơn sau khi xạ trị kết thúc.

Tuy nhiên, đối với nhiều bệnh nhân xạ trị, sự thay đổi này là vĩnh viễn. Bổ sung kẽm sulfat có thể giúp một số bệnh nhân phục hồi cảm giác vị giác.

4. Ảnh hưởng mô và xương xung quanh

Xạ trị có thể phá hủy các mạch máu rất nhỏ trong xương. Điều này có thể làm tổn thương các mô xương và dẫn đến gãy xương hoặc nhiễm trùng. Bức xạ cũng có thể làm tổn thương các mô trong miệng dễ dẫn đến tình trạng loét miệng gây đau hoặc nhiễm trùng.

Đây là một tác dụng phụ kéo dài khó hồi phục sau điều trị ung thư lưỡi.

5. Khó nuốt và các biến chứng từ tình trạng khó nuốt

Các tác dụng phụ trong điều trị ung thư lưỡi như viêm niêm mạc miệng, khô miệng, tổn thương da do phóng xạ, nhiễm trùng đều có thể gây ra vấn đề khi nuốt.

Các biến chứng khác có thể phát triển do không thể nuốt và những biến chứng này có thể khiến chất lượng sống của bệnh nhân sau điều trị ung thư lưỡi giảm sút:

- Viêm phổi và các vấn đề về hô hấp khác: Bệnh nhân gặp khó khăn khi nuốt có thể hút (hít thức ăn hoặc chất lỏng vào phổi) khi cố gắng ăn hoặc uống. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm hơn như viêm phổi và suy hô hấp

- Suy dinh dưỡng: Không thể nuốt bình thường khiến bạn khó ăn, không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, khiến cơ thể bệnh nhân chậm hồi phục sau điều trị ung thư lưỡi.

6. Ảnh hưởng đến tâm lí của bệnh nhân

Sau quá trình điều trị ung thư lưỡi bằng các biện pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, bệnh nhân thường gặp khó khăn trong tâm lí và cảm xúc. Người bệnh dễ lo âu, căng thẳng, stress. Tình trạng này cũng có thể dẫn đến nguy cơ trầm cảm. Vì vậy sau điều trị ung thư lưỡi, người nhà cần động viên, an ủi bệnh nhân trong giai đoạn này.

Nguồn dịch: https://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/side-effects/mouth-throat/oral-complications-pdq


Tác giả: Ninh Nguyễn