3 phương pháp chính trong điều trị bệnh viêm họng

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
3 phương pháp chính trong điều trị bệnh viêm họng
Khi bị viêm họng, người bệnh sẽ mong muốn sử dụng các loại thuốc trị bệnh viêm họng một cách nhanh chóng và dứt điểm. Việc điều trị bằng thuốc Tây cần được sử dụng trong trường hợp cần thiết nhưng cũng không nên bỏ qua thuốc Đông y giúp việc điều trị đạt hiệu quả bền vững.

1. Thuốc trị bệnh viêm họng theo Y học hiện đại

Dòng thuốc tân dược với thành phần và dược tính mạnh giúp nhanh chóng dứt điểm tình trạng viêm họng. Nhóm này chủ yếu gồm:

+ Thuốc trị bệnh viêm họng giúp giảm đau hạ sốt: gồm paracetamol, aspirin,... ở dạng gói bột, viên nén, hỗn hợp, viên sủi.

+ Thuốc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn liên cầu tan huyết nhóm A: Augmentin, Rovamycine

+ Thuốc kháng viêm corticosteroid: Loại thuốc trị viêm họng này được dùng trong tình trạng viêm họng nặng, thuốc thường dùng gồm: dexamethason, betamethason, prednisolon.

+ Dung dịch súc họng: Thường là cách loại dung dịch súc miệng có chứa chất kháng khuẩn, kháng viêm, gây tê cục bộ giúp kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn.

Người bệnh cần lưu ý việc chỉ nên sử dụng các loại thuốc trị bệnh viêm họng này trong thời gian từ 7 - 10 ngày không nên sử dụng kéo dài.

Mặc dù không có tác dụng điều trị dứt điểm và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, tuy nhiên bệnh nhân có thể căn cứ theo chỉ định của bác sĩ để sử dụng trong trường hợp cần thiết.

2. Sử dụng mẹo để trị bệnh viêm họng hiệu quả

2.1. Trà, mật ong và chanh

Mật ong và trà thực sự là hai loại thảo dược "thần kỳ" có tác dụng làm giảm các cơn đau họng một cách nhanh chóng. Nhớ là bạn hãy thưởng thức chúng khi còn nóng và cảm nhận sự ấm nóng, chát ngọt lan tỏa xuống cổ họng một cách đầy dễ chịu.

Bạn có thể thay bằng nước chanh nóng, kết hợp với một chút mật ong nếu sợ dùng trà sẽ gây mất ngủ. Ngoài ra, chanh tươi và muối cũng là một vị thuốc trị bệnh viêm họng hữu hiệu. Chanh tươi thái lát, ngậm cùng với một vài hạt muối sẽ giúp cải thiện tình trạng đau rát cổ họng.

Bên cạnh đó, trà gừng và mật ong cũng là giải pháp hữu hiệu được khuyên dùng. Bạn cũng có thể ngậm gừng với mật ong bằng cách giã dập gừng, sau đó lấy một thìa mật ong trộn với gừng và ngậm. Sau đó hãy từ từ nuốt, cổ họng của bạn chắc chắn sẽ dịu đi.

2.2. Giấm táo

Pha giấm táo với tỷ lệ 1 phần dấm, 3 phần nước để súc miệng. Cứ cách 2 tiếng thì súc miệng một lần và mỗi lần từ 3-5′. Khi các triệu chứng của viêm họng đã giảm thì chúng ta cũng sẽ giảm số lần súc miệng xuống và cứ tiếp tục duy trì như vậy cho đến khi khỏi bệnh.

2.3. Vỏ xoài và nước lọc

Pha 10ml nước vỏ xoài với 125ml nước lọc đun sôi để nguội dùng để súc miệng hàng ngày. Đây cũng là một phương thuốc trị bệnh viêm họng đơn giản mà ít người biết để có thể giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh như ho, khàn tiếng, đau rát cổ họng…

2.4. Nước muối ấm

Bệnh viêm họng chủ yếu do các vi khuẩn gây ra nên việc làm sạch khoang miệng và vòm họng có vai trò quan trọng trong việc điều trị chứng viêm họng. Nước muối nên pha vừa miệng, sau khi súc sạch khoang miệng nên ngửa cổ ra sau để nước muối xuống họng. Bạn có thể sử dụng 3-4 lần một ngày, và mỗi lần nên ngậm khoảng 30s.

2.5. Lá húng chanh

Không chỉ là một loại rau thơm rất quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày, lá húng chanh còn là một vị thuốc nam được sử dụng rất phổ biến.

Theo đông y, lá húng chanh có mùi thơm, vị cay, tính ấm, có tác dụng phát tán phong hàn, tiêu đờm và sát khuẩn. Chính vì vậy, lá húng chanh có thể trị viêm họng, ho, khàn tiếng, thậm chí còn có thể giải cảm cũng rất tốt.

3. Các bài thuốc trị bệnh viêm họng từ Đông Y

3.1. Bài thuốc Đông Y chữa viêm họng "phát tán phong hàn"

Quy tắc của bài thuốc trị viêm họng phát tán phong hàn: Gây ra ấm nóng ngoài cơ thể, làm tiết mồ hôi đẩy lùi tác nhân gây bệnh ra ngoài từ đó giải quyết tình trạng đau rát cổ họng, ho, cơ thể ớn lạnh.

● Nguyên liệu: Kinh giới, kim ngân hoa, hoàng bá, hoàng liên, hoàng cầm, tía tô

● Cách làm: Cho các vị vào nồi cùng 600ml nước, sắc cho tới khi còn 200ml nước uống 2 lần/ngày. Thực hiện liên tục trong 5 ngày sẽ đạt được hiệu quả.

3.2. Bài thuốc "phát tán phong nhiệt" chữa viêm họng

Trong cuốn những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam có ghi: Thuốc Đông y chữa viêm họng phát tán phong nhiệt cần có vị cay, đắng, tính hơi mát và hơi hàn có tác dụng giúp phát tán phong nhiệt, giải biểu qua đường mồ hôi thích hợp điều trị viêm họng do cảm phong nhiệt, họng khô, đau đầu, khát nước.

● Nguyên liệu: Hoa cúc, tang diệp, cát cánh, bạc hà.

● Cách làm: Rửa sạch các vị thuốc sắc cùng 500ml, sắc dưới lửa nhỏ cho tới khi còn 200ml, chia uống làm 2 lần/ngày. Dùng liên tục trong 7 ngày.

3.3. Cách trị viêm họng rát cổ do "phế âm hư"

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nhận định rằng "chân hỏa là khí nóng trong thân người, hộ vệ cho thân thể, nếu kém thì bệnh mà mất đi thời chết".

Cụ thể chứng phế âm hư có các triệu chứng: họng đau, nóng rát như lửa đốt, miệng khô khát, họng đau rát, ho khan, nóng từng cơn, ra nhiều mồ hôi. Phép chữa viêm họng thể này như sau:

● Nguyên liệu: Rau má, lá tre, lá chanh, cam thảo, quả dành dành,….

● Cách làm: Rửa sạch nguyên liệu rồi sắc cùng 600ml nước, sắc đến khi cạn còn 200 ml là có thể sử dụng. Uống ngày 2 lần liên tục trong 1 tuần.

3.4. Chữa chứng "tỳ thận dương hư" trong viêm họng

Chứng tỳ thận dương hư là tình trạng cơ năng suy thoái, dương khí bất túc do các cơ quan trong cơ thể không được sưởi ấm. Bài thuốc trị bệnh viêm họng thường được áp dụng với người bệnh có biểu hiện như đờm nhiều, cổ họng đau rát khi trời lạnh, kém ăn, chân tay lạnh.

● Nguyên liệu: Vỏ gừng, vỏ cam hoặc vỏ quýt trộn cùng mật ong.

● Cách làm: Các nguyên liệu trên đem hấp cách thủy. Ăn liên tục trong khoảng 1 tuần bệnh sẽ thuyên giảm.


Tác giả: Thanh Hoa