Các phương pháp xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi phổ biến nhất hiện nay

Các phương pháp xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi phổ biến nhất hiện nay
Xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi thường được tiến hành với nhiều mục đích khác nhau. Tùy vào mục đích xét nghiệm, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp xét nghiệm phù hợp.

Xét nghiệm chức năng phổi viết tắt là PFT, là một loại xét nghiệm phổi. Các xét nghiệm này sẽ cho thấy phổi của bạn hoạt động tốt như thế nào. Cùng tìm hiểu về các phương pháp xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi phổ biến trong bài viết sau.

1. Tác dụng của xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi

Xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi có thể giúp chẩn đoán các căn bệnh về phổi, chẳng hạn như:

- Hen suyễn.

- Dị ứng.

- Viêm phế quản mãn tính,

- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

- Mô phổi bị tổn thương hoặc bị sẹo.

- Các căn bệnh do hít phải sợi amiăng.

- Sarcoidosis - một căn bệnh do các tế bào viêm quanh các cơ quan gây ra.

- Ung thư phổi.

- Nhiễm trùng

- Đường thở dày, kéo dài hoặc mở rộng.

- Các mô liên kết dày hoặc cứng, còn gọi là xơ cứng bì.

- Các vấn đề của các cơ trong thành ngực.

2. Các phương pháp xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi

Xét nghiệm được lựa chọn sẽ phụ thuộc vào mục đích chẩn đoán của các bác sĩ. Các phương pháp xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi phổ biến nhất gồm có:

2.1. Đo phế dung

Đây là một trong những xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi phổ biến nhất. Đo phế dung sẽ đo lượng không khí mà bạn hít vào và thở ra. Đồng thời, nó cũng có thể đo tốc độ làm rỗng không khí trong phổi của bạn.

Đo phế dung giúp chẩn đoán các vấn đề về hô hấp như hen suyễn và COPD. Nếu đang bạn dùng thuốc điều trị hen suyễn, phương pháp này sẽ giúp kiểm tra hiệu quả hoạt động của thuốc.

Trong quá trình đo, bạn sẽ được yêu cầu hít vào một lượng không khí nhiều nhất có thể. Sau đó, bạn phải nhanh chóng thổi ra càng nhiều không khí càng tốt thông qua một ống được kết nối với một máy gọi là phế dung kế. Bài xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi này sẽ giúp xác định 2 điều:

- Lượng không khí nhiều nhất bạn có thể thở ra sau khi hít sâu. Kết quả sẽ cho biết bạn có bị giảm khả năng thở bình thường hay không.

- Lượng không khí bạn có thể thở ra trong 1 giây. Kết quả sẽ giúp bác sĩ xác định vấn đề hô hấp của bạn đã nghiêm trọng đến mức nào.

2.2. Phế thân ký (Body Plethysmography)

Phế thân ký là phương pháp đo thể tích khí trong phổi khi bạn hít sâu. Đồng thời, phương pháp này cũng có tác dụng đo lượng không khí còn lại trong phổi sau khi thở ra hết mức. Phế thân ký thường được chỉ định vì nhiều lý do như:

- Xác định bệnh COPD hoặc hen suyễn đã ảnh hưởng đến phổi như thế nào. Từ kết quả xét nghiệm, các bác sĩ sẽ có sự điều chỉnh phù hợp với phương pháp điều trị.

- Xác nhận xem bệnh phổi có làm giảm lượng không gian trong phổi hay không.

- Kiểm tra đường thở có bị thu hẹp hay không. Nếu có, bác sĩ sẽ yêu cầu các loại thuốc giãn phế quản để mở rộng đường thở.

- Góp phần để tiên lượng mức độ thành công nếu bạn cần phẫu thuật.

Phế thân ký chỉ mất khoảng 15 phút để tiến hành và không gây ra tình trạng đau đớn. Việc mà bạn cần làm là đeo một chiếc kẹp mũi và thở vào một thiết bị đặc biệt bằng miệng.

2.3. Kiểm tra khả năng khuếch tán phổi

Kiểm tra khả năng khuếch tán phổi sẽ đo lường mức độ oxy di chuyển từ phổi vào máu. Thử nghiệm này cũng được tiến hành tương tự như đo phế dung. Bạn sẽ được yêu cầu thở vào một chiếc ống gắn liền với máy đo. Bài xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi này thường được dùng để chẩn đoán các căn bệnh mạch máu giữa tim và phổi. Đồng thời, nó cũng giúp đánh giá mức độ nguy hiểm do bệnh khí phế thũng gây ra. Khí phế thũng được biết đến như một căn bệnh gây phá hủy túi khí.

2.4. Xét nghiệm thử thách phế quản

Bệnh nhân hen suyễn có thể bị khó thở nhiều tác nhân như bụi, thuốc lá và tập thể dục. Do đó, xét nghiệm thử thách phế quản sẽ được tiến hành để chẩn đoán bệnh hen suyễn. Bên cạnh đó, xét nghiệm này cũng được sử dụng để đo mức độ nghiêm trọng của bệnh hen suyễn.

Trong quá trình thử nghiệm, bạn sẽ được yêu cầu hít một loại thuốc làm cho đường thở bị hẹp. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành một bài kiểm tra phế dung trong nhiều lần. Bài kiểm tra này sẽ cho biết độ hẹp của đường thở trong cơn hen suyễn.

2.5. Kiểm tra sự gắng sức của tim và phổi

Xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi này có tác dụng đo sức mạnh của phổi và tim. Nó thường được chỉ định cho những người mắc bệnh tim hoặc có các vấn đề về phổi. Ngoài nguyên nhân bệnh lý, vấn đề về tim và phổi có thể xuất hiện trong quá trình vận động.

Bạn sẽ được yêu cầu đi bộ hoặc đạp xe trên các thiết bị tập thể dục chuyên dụng. Trong quá trình vận động, bác sĩ sẽ theo dõi nhịp tim của bạn. Đồng thời, để kiểm tra phổi, bạn sẽ thở vào một chiếc ống nối liền với thiết bị đo phổi.

2.6. Kiểm tra đo xung

Kiểm tra đo xung thường được dùng để đo lượng oxy trong máu. Bác sĩ sẽ cắt một đầu dò vào ngón tay, dái tai hoặc một phần khác của da của bạn. Mức oxy trong các tế bào hồng cầu sẽ được đo bằng một thiết bị ánh sáng.

2.7. Xét nghiệm khí máu động mạch

Xét nghiệm này sẽ đo mức khí oxy và carbon dioxide trong máu lấy từ một trong các động mạch. Thông thường, bạn phải đến bệnh viện hoặc văn phòng bác sĩ để làm xét nghiệm khí máu động mạch . Bác sĩ sẽ sử dụng kim để lấy máu, vị trí lấy máu có thể là từ cổ tay. Bạn có thể cảm thấy đau một chút, đặc biệt là khi kim đâm vào.

2.8. Thử nghiệm oxit nitric phân đoạn

Khi mắc một số loại hen suyễn, có thể bạn có thể có một lượng oxit nitric khá cao. Thử nghiệm oxit nitric phân đoạn sẽ giúp đo lượng khí oxit nitric khi thở ra. Đối với kiểm tra này, bạn sẽ được yêu cầu thở ra từ từ và đều đặn vào một chiếc ống được kết nối với thiết bị cầm tay.

3. Chuẩn bị cho các xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi

Trước khi tiến hành xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi, bạn cần lưu ý các vấn đề sau:

- Vẫn dùng thuốc trước khi xét nghiệm, trừ khi bác sĩ yêu cầu tạm ngưng sử dụng thuốc.

- Không hút thuốc trước khi làm các xét nghiệm

- Không sử dụng ống hít tác dụng ngắn từ 6 đến 8 giờ trước khi làm xét nghiệm. Nếu đã sử dụng ông hít, bạn cần thông báo cho bác sĩ hoặc người làm xét nghiệm.

Xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi thường rất an toàn. Bạn có thể quay trở lại với các hoạt động bình thường sau khi làm xét nghiệm. Hầu hết các bài kiểm tra chỉ mất từ 15 đến 30 phút.

Các xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi rất quan trọng dù bạn không được chẩn đoán là có vấn đề về hô hấp trước đó. Trong trường hợp bị khó thở, bạn nên yêu cầu bác sĩ cho mình làm các kiểm tra về phổi.

Nguồn dịch :https://www.webmd.com/lung/types-of-lung-function-tests?fbclid=IwAR1ttrgPswnMkvY51qq_pBu27Dit2XZJx4Td1Y2yHcBOnR2xb9Mxfr3ZrIw#2

Tác giả: Thùy Dung