Các phương pháp tự kiểm tra đau lưng tại nhà

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Các phương pháp tự kiểm tra đau lưng tại nhà
Bệnh đau lưng là căn bệnh phổ biến và khiến không ít người phải lo ngại. Có nhiều cách giúp người bệnh có thể tự kiểm tra các dấu hiệu đau lưng tại nhà mà không cần đến bệnh viện.

Bệnh đau lưng là căn bệnh phổ biến và khiến không ít người phải lo ngại. Chính vì vậy, việc phát hiện và điều trị bệnh sớm là rất cần thiết. Người bệnh hoàn toàn có thể tự kiểm tra các dấu hiệu đau lưng tại nhà bằng các động tác đơn giản. Hãy cùng tìm hiểu các cách tự kiểm tra chứng bệnh đau lưng trong bài viết này bạn nhé!

1. Kiểm tra dấu hiệu đau lưng bằng động tác nâng cẳng chân

Đây là thử nghiệm phổ biến nhất để kiểm tra dấu hiệu đau lưng ở người bệnh. Bệnh nhân nằm ngửa người trên sàn hoặc thảm tập. Sau đó, từ từ nâng chân lên khỏi mặt sàn một góc từ 30 đến 70 độ. Khi nâng chân, phần đầu và lưng phải được giữ thẳng và tiếp xúc với mặt sàn.

Khi cẳng chân đạt góc trên 30 độ so với sàn, nếu người bệnh có cảm giác đau thì cần phải đặc biệt lưu ý. Cảm giác đau ở chân, dù là rất nhẹ cũng có thể là triệu chứng thoát vị đĩa đệm. Đó là kết quả của việc các rễ thần kinh ở chân đang bị kéo căng và chèn ép.

Một biến thể khác của bài kiểm tra này là nâng cẳng chân lên khoảng 30 độ và uốn cong bàn chân. Đây cũng là một cách để phát hiện dấu hiệu đau ở lưng dưới (có triệu chứng thường xuyên lan xuống chân).

2. Kiểm tra bằng thử nghiệm Tripod Sign

Tripod Sign là một thử nghiệm dùng để nhận biết dấu hiệu đau lưng được tiến hành ở tư thế ngồi. Trong khi nâng một trong hai chân lên, bệnh nhân sẽ có xu hướng giảm đau tự nhiên bằng cách ngả người ra sau và đặt cả hai tay lên bàn để đỡ cơ thể.

Nếu người bệnh không dựa lưng và không đặt hai tay lên bàn thì cơn đau sinh ra có thể không liên quan đến sự kích thích lên các rễ thần kinh.

3. Thử nghiệm kéo dãn đùi

Các bài kiểm tra nâng cẳng chân hoặc Tripod Sign có tác dụng tốt với cơn đau ở vùng cột sống L5 & S1. Nếu bạn nghi ngờ cơn đau đến từ vùng L2-4 (ít phổ biến hơn), bạn có thể kiểm tra nó bằng xét nghiệm kéo dãn xương đùi.

Xét nghiệm này được thực hiện khi người bệnh nằm sấp. Nâng cẳng chân của người bệnh lên để hợp với phần đùi một góc vuông. Sau đó, nâng toàn bộ chân lên. Nếu bị đau ở phần đùi trong khi nâng chân thì có nguy cơ bệnh nhân bị tổn thương ở vùng cột sống L2-L4.

4. Kiểm tra phản xạ gân đầu gối

Bài kiểm tra này được tiến hành nhằm xác định các tổn thương tại dây thần kinh bắp chân. Đồng thời chúng cũng có tác dụng phát hiện các chèn ép xảy ra do thoát vị đĩa đệm.

Bài kiểm tra được thực hiện với việc người bệnh ngồi trên giường hoặc ghế cao. Tư thế yêu cầu là 2 chân buông thõng và không tiếp xúc với mặt sàn. Dùng búa cao su tác động vào phần gân bánh chè và xem xét phản ứng của người bệnh. Nếu không có phản ứng duỗi cẳng chân thì rất có thể người bệnh đã có nguy cơ bị thoát vị.

5. Kiểm tra dấu hiệu đau lưng thông qua các hạn chế chuyển động

Đau lưng do thoát vị đĩa đệm có thể gây yếu ở vùng hông, chân của người bệnh. Cụ thể người bệnh thoát vị đĩa đệm có thể gặp hạn chế chuyển động ở hông, đầu gối, bàn chân hay ngón chân cái khi di chuyển. Bệnh nhân có thể xem xét những hạn chế này để đoán biết nguyên nhân gây bệnh.

Hiện nay, các nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh đau lưng đều có liên quan đến cơ hoặc xương. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến căn bệnh này như viêm khớp, nhiễm trùng, bệnh sỏi thận, tiêu hóa, phình động mạch chủ, …

Chính vì vậy, để có được kết quả kiểm tra dấu hiệu đau lưng chính xác nhất, người bệnh nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để thăm khám. Chỉ có điều trị sớm và đúng cách mới giúp bạn kiểm soát được tình trạng bệnh của mình.


Tác giả: Thùy Dung