Các phương pháp hỗ trợ điều trị cảm lạnh bằng thuốc nam

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Các phương pháp hỗ trợ điều trị cảm lạnh bằng thuốc nam
Điều trị cảm lạnh bằng thuốc Nam là phương pháp đơn giản và hiệu quả. Không chỉ có hiệu quả cao, các vị thuốc Nam còn rất dễ tìm và có giá thành rẻ.

Dân gian Việt Nam có nhiều bài thuốc hay, có công dụng điều trị và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác nhau. Đối với bệnh cảm lạnh - một căn bệnh phổ biến nhất là khi giao mùa, việc sử dụng thuốc nam để giảm nhẹ triệu chứng cũng là phương pháp được nhiều người lựa chọn.

 Dưới đây là một số phương pháp hỗ trợ điều trị cảm lạnh bằng thuốc nam bạn có thể tham khảo. 

* Lưu ý: Tuyệt đối không nên tự ý áp dụng, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện.

1. Một số bài thuốc nam giúp hỗ trợ điều trị cảm lạnh

Thuốc uống là phương pháp hỗ trợ điều trị cảm lạnh bằng thuốc Nam rất quen thuộc. Các vị thuốc và bài thuốc trị cảm lạnh hiệu quả nhất có thể kể đến như:

- Húng chanh, gừng và hành: Đây là bài thuốc có tác dụng điều trị cảm lạnh, cảm cúm nghẹt mũi, ho có đàm, sốt… Ngoài ra, các nguyên liệu trên cũng có thể dùng để nấu nước xông giải cảm. 

- Đậu ván trắng, hương nhu, hậu phác: Các nguyên liệu trên có thể dùng để sắc lấy nước uống trị cảm lạnh. Không chỉ trị cảm hiệu quả, chúng còn có tác dụng chống nôn mửa, tiêu chảy và chứng khó tiêu. 

- Lá bưởi bung: Là nguyên liệu dễ tìm kiếm và đặc biệt có hiệu quả trong việc trị cảm lạnh, sốt và ho.

- Bạc hà và sắn dây: Bạc hà và sắn dây có công dụng tốt trong phòng trừ cảm lạnh, nhức đầu, mắt sưng đỏ… Đặc biệt, bài thuốc này còn có hiệu quả đối với bệnh sởi ở trẻ nhỏ. Các nguyên liệu này có thể dùng trong cả việc sắc lấy nước và nấu nước xông. Tỷ lệ sắc thuốc uống như sau: 10-15g nguyên liệu sẽ tương ứng với 1/3 lít nước.      

- Lá tía tô khô, vỏ quýt khô, hương phụ, gừng tươi, hành trắng cả cây: Đây là bài thuốc Nam chủ trị cảm lạnh, đau nhức cơ thể, sổ mũi, nóng rét và nôn mửa. Liều lượng của mỗi nguyên liệu là 8g, sắc lấy nước và dùng lúc còn nóng. Ngoài ra, gừng tươi còn có thể tận dụng để đánh gió ở 2 bên gáy và dọc xương sống.   

- Hương nhu trắng: Cả phần lá và phần cành hương nhu đều có thể sử dụng trong trị cảm lạnh bằng thuốc Nam. Bài thuốc đặc biệt phù hợp cho các bệnh nhân cảm lạnh không ra mồ hôi hoặc sốt ớn lạnh.    

- Tinh dầu hương nhu: Ngoài lá và cành, tinh dầu hương nhu cũng có tác dụng rất tốt để giải cảm. Tinh dầu hương nhu pha với nước nóng thường dùng để uống và xoa lên cơ thể. Các vị trí trên cơ thể có thể sử dụng tinh dầu hương nhu là mũi, sống lưng và gáy. Sau khi xoa tinh dầu, bệnh nhân nên trùm kín chăn để mồ hôi có thể thoát ra.   

- Hương phụ, tía tô, vỏ quýt, cam thảo nam: Để giải cảm, người bệnh có thể sắc các nguyên liệu trên lấy nước và uống ngày 2 lần.

- Lá tía tô, kinh giới, bạch chỉ, bạc hà, gừng: Đây là bài thuốc trị cảm lạnh bằng thuốc Nam rất phổ biến và dễ tìm. Thay vì sắc, các nguyên liệu sẽ được sao khô, hòa chung với mật ong và vê thành viên. Liều lượng sử dụng đối với người trưởng thành là từ 4 đến 8g/ ngày. Ngoài ra, người bệnh có thể dùng thuốc chung với món cháo hành, tía tô để nhanh xuất mồ hôi. 

2. Phương pháp xông hơi bằng nguyên liệu tự nhiên

Bên cạnh thuốc uống, xông hơi cũng là cách hiệu quả để điều trị cảm lạnh bằng thuốc Nam. Đặc biệt là đối với các trường hợp cảm lạnh không ra mồ hôi. Tuy nhiên, phương pháp này lại không được khuyến khích cho trẻ nhỏ, người già, người rong huyết, thiếu máu… Để thực hiện bài thuốc này, người bệnh cần chuẩn bị các nguyên liệu như sau:

- Các loại lá có tinh dầu: sả, bưởi, bạc hà, chanh, tía tô.

- Các loại lá tác dụng kháng sinh: hành , tỏi.

- Các loại lá có tác dụng hạ sốt: cúc tần, tre, duối.

Quy trình nấu nước xông trị cảm lạnh bằng thuốc Nam được tiến hành theo các bước sau:

- Bước 1: Cho toàn bộ nguyên liệu đã chuẩn bị vào nồi nước đã đun sôi.

- Bước 2: Sử dụng lá chuối để bịt kín miệng nồi nước xông để tránh thoát hơi nước.

- Bước 3: Tiếp tục đun sôi thêm khoảng 5 phút.

Để việc xông hơi được hiệu quả, người bệnh nên mặc trang phục mỏng và thoáng mát. Khi xông, người bệnh cần chọc thủng một vài lỗ trên lá chuối để hơi nước có thể thoát ra. Sau 5-10 phút xông, người bệnh có thể dùng khăn sạch để lau mồ hôi và thay quần áo. Đồng thời, để tăng cường hiệu quả, người bệnh nên ăn thêm một bát cháo hành và tía tô nóng sau khi xông. 

Thuốc uống và xông hơi là những phương pháp giúp hỗ trợ điều trị cảm lạnh bằng thuốc nam rất phổ biến và hiệu quả. Tuy nhiên, không phải đối tượng nào cũng có thể sử dụng các bài thuốc này. Do đó, người bệnh nên tìm hiểu trước khi áp dụng các bài thuốc trị cảm lạnh bằng thuốc nam nhằm tránh những tác dụng ngoài ý muốn.


Tác giả: Thùy Dung