Viêm xoang cấp tính có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra như virus cảm thông thường, vi khuẩn, dị ứng hay nhiễm nấm. Các phương pháp điều trị viêm xoang cấp tính cũng khác nhau tùy thuốc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, bệnh có thể tự khỏi chỉ cần các biện pháp chăm sóc hỗ trợ tại nhà mà không cần đến điều trị y khoa.
Đầu tiên, các bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát bên ngoài và cảm nhận tăng cảm ở vùng mặt, mũi và khám bên trong mũi. Sau đó, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp kỹ thuật khác để chẩn đoán tình trạng và loại trừ các bệnh khác như:
- Nội soi mũi. Bác sĩ sử dụng 1 ống nội soi mỏng, dẻo, gắn sợi ánh sáng để kiểm tra trực quan bên trong các xoang.
- Chẩn đoán hình ảnh bằng CT hay MRI. Phương pháp này có thể cho thấy rõ các chi tiết bên trong các xoang và vùng mũi, giúp xác định các bất thường hoặc được chỉ định khi nghi ngờ có biến chứng.
- Xét nghiệm vi sinh ở mũi và xoang. Tuy rằng xét nghiệm này thường không cần thiết khi chẩn đoán viêm xoang cấp tính. Nhưng nếu bệnh nhân không đáp ứng với điều trị hay tình trạng trở nên tệ hơn, việc xét nghiệm vi sinh sẽ giúp xác định được nguyên nhân do nhiễm trùng.
- Xét nghiệm dị ứng. Đây là loại xét nghiệm được chỉ định nếu bác sĩ có nghi ngờ nguyên nhân viêm xoang cấp tính là do dị ứng gây ra. Xét nghiệm này sẽ giúp tìm ra dị nguyên gây bùng phát các triệu chứng viêm xoang cấp.
Thông thường, với các trường hợp mắc viêm xoang cấp tính nhẹ, người bệnh có thể tự chăm sóc ở nhà bằng các phương pháp điều trị hỗ trợ như rửa mũi bằng nước muối sinh lý, xông tinh dầu hay dùng các thuốc thông mũi để cải thiện triệu chứng.
Khi rửa mũi bằng các dung dịch nước muối loãng NaCl 0,9%, người bệnh cần lưu ý rửa nhiều lần trong ngày để ngăn ngừa và giảm tình trạng viêm nhiễm. Cách thực hiện rất đơn giản, nhỏ trực tiếp dung dịch nước muối vào hốc mũi, sau đó cúi mặt xuống để nước muối chảy ra ngoài và xì sạch mũi.
Đối với các loại thuốc thông mũi, điều trị nghẹt mũi, các chất thường được sử dụng nhiều là phenylpropanolamin và pseudoephedrin. Các loại thuốc này có thể ở dạng uống hoặc dạng xịt. Tuy nhiên, người bệnh cần biết rằng chúng có thể giúp thông mũi hiệu quả nhưng cũng có thể gây ra một vài tác dụng phụ không mong muốn. Các tác dụng phụ đó bao gồm hạ huyết áp, kích thích hệ thần kinh trung ương...
Đặc biệt lưu ý rằng người bệnh chỉ nên dùng thuốc trong 7 ngày để không xảy ra tình trạng nhờn thuốc, kháng thuốc. Riêng với hai loại thuốc xịt mũi như xylometazoline và oxymetazoline chỉ nên dùng trong vòng 4 ngày. Điều này là do nếu dùng kéo dài, chúng có thể gây ra một số phản ứng ngược, khiến các triệu chứng tắc, nghẹt mũi trở nên nghiêm trọng hơn.
Với trường hợp bệnh nhân bị viêm xoang cấp tính nặng hay có các biểu hiện của dị ứng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc corticoid dạng uống hoặc dạng xịt và các loại thuốc kê đơn khác. Trong đó:
Thuốc có chứa corticoid:
Các loại thuốc xịt mũi có chứa thành phần corticoid như Beclomethasone dipropionate, Budesonide, Triamcinolone acetonide hay Fluticasone propionate... thường rất có hiệu quả trong điều trị viêm xoang. Những loại thuốc này có thể làm giảm các chất dịch nhầy gây viêm, cải thiện triệu chứng như hắt hơi, chảy dịch mũi, tắc nghẹt mũi, phù niêm mạc... Tuy rằng chúng không độc nhưng cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ đi kèm.
Các tác dụng phụ thuốc có chứa corticoid có thể kể đến bao gồm ho, buồn nôn, đau đầu, chảy máu mũi hay ngứa, phát ban da, sưng mặt.
Đối với thuốc có chứa Corticoid ở dạng uống, thường chúng có hiệu quả hơn nhiều nhưng hầu như không được sử dụng. Điều này là do tác dụng phụ của nó rất lớn và nguy hiểm như loãng xương, suy thượng thận (Cushing do thuốc), viêm loét dạ dày tá tràng,...
Do vậy, thuốc corticoid ở dạng uống chỉ được chỉ định trong trường hợp viêm xoang nặng và chỉ được dùng trong khoảng từ 3 đến 7 ngày.
Thuốc kháng sinh và giảm đau:
Trong điều trị viêm xoang cấp tính, kháng sinh thường không cần thiết và luôn được hạn chế sử dụng. Điều này là do kháng sinh thường không có tác dụng nếu nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm virus hoặc nấm. Bên cạnh đó, hầu hết các trường hợp do vi khuẩn gây ra cũng có thể được cải thiện mà không cần dùng đến kháng sinh.
Việc sử dụng kháng sinh để điều trị viêm xoang cấp tính chỉ được chỉ định nếu tình trạng bệnh nhân nhiễm trùng nặng hoặc nhiễm trùng tái phát do vi khuẩn. Các loại kháng sinh thường được kê đơn để điều trị bệnh bao gồm amoxicillin, cephalosporin (thế hệ 2,3,4), nhóm macrolid (erythromycin, azithromycin...). Nếu tình trạng nhiễm trùng vẫn không hết hoặc nếu viêm xoang quay trở lại sau khi điều trị bằng kháng sinh, bác sĩ có thể thử kê một loại kháng sinh khác.
Liệu trình điều trị bằng kháng sinh cần kéo dài từ 10 đến 14 ngày, ngay cả khi bệnh nhân đã cải thiện tình trạng và các triệu chứng trở nên tốt hơn. Nếu ngưng dùng thuốc quá sớm, các triệu chứng có thể quay trở lại và dễ gây ra hiện tượng nhờn thuốc.
Nếu bệnh nhân bị đau nhức dữ dội vùng mặt, trán thì có thể phối hợp dùng thuốc giảm đau chẳng hạn như aspirin, acetaminophen hoặc ibuprofen. Tuy nhiên việc này không được khuyến khích do có nhiều nguy cơ bị hội chứng Reye. Hội chứng này có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt lưu ý không sử dụng aspirin cho trẻ em.
Tuy rằng tình trạng viêm xoang cấp do nấm là ít khi xảy ra. Nhưng nếu gặp, bác sĩ có thể chỉ định tiêm tĩnh mạch (IV) như amphotericin B hoặc voriconazole. Liều lượng cũng như thời gian sử dụng sẽ tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng và khả năng phục hồi của mỗi người.
Liệu pháp miễn dịch:
Nếu bệnh nhân bị viêm xoang cấp tính do dị ứng, việc tiêm phòng dị ứng hay còn gọi là liệu pháp miễn dịch sẽ được chỉ định. Phương pháp này giúp giảm phản ứng của cơ thể với các dị nguyên, từ đó làm giảm các triệu chứng của bệnh nhân.
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc và sử dụng các biện pháp hỗ trợ, người bệnh cũng cần lưu ý những điều sau để tình trạng bệnh có thể tiến triển tốt và nhanh nhất:
- Tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Uống thuốc đúng liều lượng, không tự ý dừng thuốc, bỏ liều hay tăng liều mà không có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Nghỉ ngơi nhiều.
- Uống nhiều nước.
- Nên gối cao đầu khi ngủ để lưu thông xoang tốt, giảm các triệu chứng viêm xoang.
- Nếu xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, sưng đau quanh mắt hoặc trán, khó thở... cần tới cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được điều trị kịp thời.