Các phương pháp điều trị ung thư lưỡi theo từng giai đoạn

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Các phương pháp điều trị ung thư lưỡi theo từng giai đoạn
Phương pháp điều trị ung thư lưỡi sẽ được quyết định tuỳ vào giai đoạn của bệnh. Để được tư vấn cách điều trị phù hợp, người bệnh cần phải được thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa.

Bệnh ung thư lưỡi được điều trị bằng các phương pháp chính như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Các phương pháp này có thể được dùng để điều trị riêng biệt hoặc kết hợp chúng với nhau. Việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ dựa trên mức độ phát triển và ảnh hưởng của bệnh (giai đoạn bệnh). Đồng thời, nó cũng phụ thuộc vào vị trí ảnh hưởng trên phần lưỡi của người bệnh.

1. Điều trị ung thư lưỡi nằm tại phần trước của lưỡi

Trường hợp ung thư nằm tại vị trí 2/3 phần trước của lưỡi được điều trị giống với bệnh ung thư khoang miệng.

Giai đoạn  sớm

Giai đoạn sớm là khi u kích thước nhỏ hơn 4cm, vẫn còn khu trú ở lưỡi. Phương pháp điều trị ung thư lưỡi phổ biến nhất trong giai đoạn này là phẫu thuật loại bỏ vùng lưỡi bị ảnh hưởng. Đồng thời, người bệnh cũng có thể được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ các hạch bạch huyết ở vùng cổ.

Giai đoạn ung thư tiến triển

Đây là giai đoạn khối u phát triển và có kích thước lớn hơn 4cm. Hoặc chúng đã phát triển ra bên ngoài lưỡi, xâm lấn các mô cơ quan khác và di căn hạch bạch huyết. Trong giai đoạn này, bệnh ung thư lưỡi có thể được điều trị bằng cách kết hợp nhiều phương pháp:

- Phẫu thuật để loại bỏ phần ung thư ở lưỡi và các hạch bạch huyết ở cổ.

- Phẫu thuật tạo hình.

- Xạ trị sau phẫu thuật, có thể kết hợp với hóa trị liệu.

Phương pháp hóa trị liệu điều trị ung thư lưỡi có thể dùng cho bệnh nhân ung thư lưỡi tái phát, hoặc khi ung thư lan đến các mô xung quanh và di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.

2. Điều trị ung thư lưỡi nằm tại phần sau của lưỡi

Bệnh ung thư nằm tại phần sau của lưỡi (gốc lưỡi) sẽ được điều trị giống với bệnh ung thư họng miệng. Bệnh ung thư họng miệng bắt đầu từ vùng cuống họng, phía sau miệng.

Giai đoạn đầu

Đây là giai đoạn người bệnh có khối u nhỏ hơn 4cm và nằm khu trú bên trong lưỡi. Phương pháp điều trị ung thư lưỡi trong giai đoạn này bao gồm:

- Phẫu thuật loại bỏ tế bào ung thư và nạo vét hạch bạch huyết ở cổ.

- Xạ trị tại vùng cổ và họng .

Ngoài ra, người bệnh còn có thể được yêu cầu hóa trị hoặc hóa xạ trị sau phẫu thuật nếu như bác sĩ đánh giá nguy cơ tái phát cao.

Giai đoạn ung thư tiến triển

Là giai đoạn khi khối u phát triển với kích thước trên 4cm. Hoặc các tế bào này đã phát triển ra bên ngoài lưỡi, xâm lấn các mô cơ quan khác và hạch bạch huyết. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh các phương pháp điều trị ung thư lưỡi như sau:

- Phương pháp hóa xạ trị đồng thời tại cổ và họng của người bệnh.

- Phẫu thuật để loại bỏ một phần của cổ họng (bao gồm tất cả hoặc một phần của lưỡi) và một số các hạch bạch huyết ở cổ của người bệnh. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ tiếp tục được xạ trị hoặc hóa xạ trị đồng thời.

- Xạ trị đơn thuần

Phương pháp xạ trị, hóa trị và phẫu thuật cũng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng ung thư giai đoạn tiến triển.

3. Các phương pháp điều trị ung thư lưỡi phổ biến

Dưới đây là một số phương pháp điều trị ung thư lưỡi phổ biến:

- Phẫu thuật

Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ các tế bào ung thư và một phần (rìa) của mô bình thường xung quanh nó. Điều này nhằm đảm bảo việc loại bỏ hoàn toàn mầm mống của bệnh ung thư lưỡi. Phương pháp này được gọi là phẫu thuật cắt bỏ khối u nguyên phát.

Có nhiều cách khác nhau để loại bỏ các khối u nguyên phát. Phương pháp được chọn sẽ dựa trên vị trí khối u của người bệnh.

Bạn có thể chỉ cần phẫu thuật đơn giản khi mà khối u là rất nhỏ. Khi đó , người bệnh sẽ được sử dụng thuốc gây tê cục bộ hoặc phẫu thuật bằng laser. Với các phương pháp này, người bệnh có thể không cần phải điều trị nội trú tại bệnh viện.

Nếu khối u kích thước lớn hơn, người bệnh sẽ phải thực hiện các phẫu thuật phức tạp hơn và bệnh nhân phải ở lại bệnh viện một thời gian. Phẫu thuật có thể cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi của người bệnh. Đây là một phẫu thuật lớn và bác sĩ sẽ tái tạo lại phần lưỡi sau khi phẫu thuật.

Bác sĩ còn phải loại bỏ các hạch bạch huyết từ một hoặc cả hai bên cổ của người bệnh. Thao tác này giúp làm giảm nguy cơ tái phát của bệnh ung thư lưỡi.

- Xạ trị

Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư lưỡi sử dụng chum tia năng lượng cao tia X, để tiêu diệt tế bào ung thư. Người bệnh có thể được chỉ định các phương pháp xạ trị sau:

- Xạ trị là phương pháp điều trị chính hoặc được sử dụng sau phẫu thuật.

- Kết hợp với hóa trị (hóa trị liệu) là phương pháp điều trị chính hoặc được sử dụng sau phẫu thuật.

- Xạ trị giảm triệu chứng ở ung thư lưỡi giai đoạn muộn.

 Người bệnh thường được điều trị ung thư lưỡi bằng xạ trị mỗi ngày một lần trong khoảng vài tuần.

- Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc chống ung thư (gây độc tế bào) để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này khi kết hợp cùng xạ trị thì được gọi là hóa xạ trị đồng thời. Phương pháp hóa trị sẽ giúp nâng cao hiệu quả xạ trị trong điều trị ung thư lưỡi. Các phương pháp hóa trị được dùng trong điều trị ung thư lưỡi bao gồm:

- Hóa trị sau phẫu thuật để ngăn ngừa nguy cơ tái phát của bệnh.

- Hóa trị được sử dụng như phương pháp điều trị chính.

Người bệnh thường được yêu cầu chụp PET- CT vài tháng sau khi hóa trị liệu. Điều này nhằm kiểm tra xem các hạch bạch huyết còn di căn tế bào ung thư hay không. Nếu có dấu hiệu của ung thư, người bệnh sẽ phải phẫu thuật để loại bỏ các hạch bạch huyết di căn đó.

Một số bệnh nhân còn được chỉ định hóa trị liệu để thu nhỏ kích thước khối u trước khi điều trị chính. Liệu pháp này được gọi là điều trị tân bổ trợ.

Thuốc thường được sử dụng trong hóa trị là cisplatin, có hoặc không kết hợp với fluoracil (5FU). Ngoài ra, một số bệnh nhân sẽ được chỉ định carboplatin thay vì cispatin để giảm độc tính trên người bệnh.

- Thuốc điều trị nhắm trúng đích

Cetuximab (Erbitux) là một loại thuốc trúng đích, được gọi là kháng thể đơn dòng. Cetuximab sẽ được chỉ định cùng xạ trị trong trường hợp người bệnh không thể hóa trị vì bất kỳ lý do gì.

Nivolumab là một loại liệu pháp miễn dịch. Nivolumab giúp kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại các tế bào ung thư. Người bệnh có thể sử dụng nivolumab nếu bệnh tái phát trong vòng 6 tháng sau khi ngừng hóa trị. 

4. Tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư lưỡi

Tất cả các phương pháp điều trị ung thư lưỡi đều có tác dụng phụ nhất định. Các tác dụng phụ này có thể là tạm thời nhưng cũng có thể là vĩnh viễn.

Phẫu thuật điều trị ung thư lưỡi có thể gây ra các vấn đề với khả năng nói và ăn uống. Đây có thể là tác dụng phụ lâu dài ở một số bệnh nhân. Vấn đề này rất nghiêm trọng do người bệnh cần được theo dõi và hỗ trợ bởi những người có chuyên môn. Vì vậy, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc y tá chuyên khoa trước khi làm phẫu thuật. Người bệnh có thể hỏi về những điều mình còn thắc mắc như ảnh hưởng của ca phẫu thuật đến tình hình sức khoẻ.

Xạ trị vùng đầu và cổ có thể gây ra một số tác dụng phụ bao gồm khô miệng, đau miệng và thay đổi vị giác.

Các tác dụng phụ thường gặp nhất của phương pháp hóa trị điều trị ung thư lưỡi có thể kể đến:

- Mệt mỏi.

- Ăn không ngon.

- Sút cân.

- Suy giảm sức đề kháng và nhiễm trùng.

- Dễ chảy máu và bầm tím.

Bài dịch:

https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/mouth-cancer/stages-types-grades/tongue-cancer/treatment


Tác giả: Thùy Dung