Trĩ nội độ 3 là mức độ thể hiện nặng của bệnh trĩ nội trên bệnh nhân khi búi trĩ có kích thước lớn và đã sa nhiều khỏi ống hậu môn, phải đẩy mới có thể lên được sau khi đại tiện.
Bệnh trĩ nội độ 3 gây nên nhiều nguy cơ khác nhau cũng như các biểu hiện triệu chứng dữ dội, do vậy điều trị trĩ nội độ 3 là yêu cầu cần thiết.
Hiện nay có nhiều phương pháp khác nhau được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân bị trĩ nội độ 3.
Không chỉ riêng các bệnh nhân bị trĩ nội độ 3 mà tất cả các bệnh nhân bị bệnh trĩ đều được khuyên cần phải thay đổi lối sống để có thể giảm nhẹ các triệu chứng do bệnh gây nên và hạn chế sự tiến triển của bệnh.
- Tránh các vận động mạnh nhất là những vận động gây sự gồng cứng cơ bụng, hạn chế đứng hoặc ngồi quá liên tục trong khoảng thời gian quá lâu,... để tránh làm tăng áp lực búi trĩ.
- Uống nhiều nước để tránh bị táo bón. Đồng thời nên thực hiện chế độ ăn lành mạnh với nhiều thức ăn chứa chất xơ, các loại thức ăn dễ tiêu hóa và hạn chế các loại thức ăn kích thích như rượu, hay các chất cay, nóng.
- Rèn luyện thói quen đi cầu vào những khung giờ nhất định trong ngày, không nhịn đi cầu, không cố rặn để đi cầu khi không mót rặn.
- Ngâm vùng hậu môn với nước ấm để giảm đau, nếu có sưng nề búi trĩ thì có thể sử dụng túi chườm lạnh để làm giảm sưng nề búi trĩ.
Khi sử dụng thuốc để điều trị trĩ nội độ 3 yêu cầu cần có sự phối hợp của nhiều loại thuốc khác nhau với các đường dùng khác nhau để đảm bảo yêu cầu điều trị cho tùng tình trạng cụ thể của bệnh nhân.
- Thuốc giảm đau: Tùy thuộc vào mức độ đau của bệnh nhân mà bệnh nhân bị trĩ nội độ 3 có thể được cho sử dụng các loại thuốc giảm đau khác nhau. Những loại thuốc giảm đau hay được sử dụng là Paracetamol, codein và tramadol.
- Thuốc hỗ trợ tĩnh mạch: Các loại thuốc thuộc nhóm flavonoids được sử dụng nhờ khả năng giúp thành tĩnh mạch trở nên bền hơn, giảm tính thấm do vậy khiến búi trĩ giảm tình trạng sưng nề xung huyết trên bệnh nhân bị trĩ nội độ 3.
- Thuốc chống táo bón: Các loại thuốc chống táo bón được dùng để điều trị cho bệnh nhân bị trĩ nội độ 3 với mục đích làm giảm hấp thụ nước, làm mềm phân khiến người bệnh đi đại tiện dễ hơn.
- Thuốc kháng sinh: Khi có viêm, nhiễm trùng xảy ra thì bệnh nhân được cho sử dụng các thuốc kháng sinh để điều trị tình trạng nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có thể được cho sử dụng một số loại thuốc có tác dụng giảm ngứa, chống đông để trong quá trình điều trị.
Thủ thuật thường được dùng để điều trị bệnh trĩ nội độ 3 là phương pháp thắt búi trĩ. Phương pháp này sử dụng các loại dây thắt chuyên dụng, thắt lấy phần cuống của búi trĩ ngăn chặn máu lưu thông đến nuôi búi trĩ khiến búi trĩ tự hoại tử và rụng đi sau khoảng từ 2 đến 3 ngày.
Tuy nhiên trong một số trường hợp bệnh nhân bị trĩ nội độ 3 quá lớn thì không được khuyến cáo sử dụng thủ thuật thắt búi trĩ để điều trị.
Đối với các trường hợp bệnh nhân bị trĩ nội độ 3 nhưng các phương pháp điều trị bảo tồn không thể hiện được hiệu quả thì phẫu thuật là phương pháp được xem xét để điều trị cho bệnh nhân.
Mổ cắt trĩ: Là phương pháp phẫu thuật cắt bỏ trực tiếp búi trĩ nội độ 3 để giải quyết tình trạng bệnh cho bệnh nhân. Tùy vào tình trạng bệnh, kỹ thuật thực hiện mà đường vào cũng như kỹ thuật khâu có các điểm khác biệt trong quá trình thực hiện phẫu thuật.
Phương pháp Longo: Là phương pháp phẫu thuật làm gián đoạn các mạch máu nuôi búi trĩ, khâu treo niêm mạc hậu môn trực tràng lên kéo búi trĩ về lại vị trí ban đầu trong ống hậu môn.
Trên đây là một số phương pháp thường được dùng để điều trị cho bệnh nhân bị trĩ nội độ 3 hiện nay.