Các phương pháp chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Các phương pháp chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là căn bệnh có các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với những căn bệnh khác. Do đó, việc chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp phải dựa trên nhiều phương pháp xét nghiệm chuyên khoa.

Bệnh viêm khớp dạng thấp là căn bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch của người bệnh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tổn thương các khớp. Hầu hết những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp đều phải chịu các tổn thương về khớp. Các tổn thương này thường xảy ra trong 2 năm đầu của bệnh.

Để chẩn đoán bệnh, người bệnh sẽ chỉ định tiến hành xét nghiệm máu và chụp X- quang. Hoặc người bệnh có thể được yêu cầu đến gặp các bác sĩ chuyên khoa về bệnh viêm khớp dạng thấp.

1. Các triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm khớp dạng thấp

Đôi khi, người bệnh phải rất khó khăn mới nhận diện được dấu hiệu của bệnh viêm khớp dạng thấp. Các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện rồi biến mất và biểu hiện bệnh cũng không giống nhau ở tất cả các bệnh nhân. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên những dấu hiệu sau:

- Đau, sưng hoặc cứng khớp, đặc biệt là ở các khớp nhỏ như cổ tay, bàn tay và bàn chân.

- Cảm giác khó chịu kéo dài ít nhất 6 tuần.

- Hiện tượng cứng khớp vào buổi sáng, thời gian cứng khớp ít nhất là 30 phút.

- Mệt mỏi.

- Ăn mất ngon.

Không có một phương pháp kiểm tra nào giúp bác sĩ nhận diện được rõ ràng về tình trạng bệnh. Và trong giai đoạn đầu, bệnh viêm khớp dạng thấp thường có biểu hiện giống với các căn bệnh như:

- Lupus.

- Hội chứng Sjogren.

- Viêm khớp vảy nến.

- Viêm khớp Lyme.

- Viêm xương khớp.

Đây là lý do tại sao bác sĩ sẽ phải dựa vào nhiều yếu tố để xác định nguyên nhân gây đau và các triệu chứng khác.

2. Các phương pháp xét nghiệm và kiểm tra bệnh viêm khớp dạng thấp

Trong cuộc gặp với bác sĩ, người bệnh sẽ phải thực hiện một số yêu cầu sau:

2.1. Khai báo bệnh sử cá nhân và gia đình

Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử của người bệnh và người thân của họ. Nếu ai đó trong gia đình có tiền sử mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, người bệnh sẽ có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn.

2.2. Khám thực thể

Bác sĩ sẽ kiểm tra các khớp để xem có hiện tuợng sưng, đau hay không và phạm vi ảnh hưởng của bệnh, do bệnh viêm khớp dạng thấp có xu hướng tấn công đến nhiều khớp trên cơ thể người bệnh.

2.3. Xét nghiệm máu kháng thể

Các bác sĩ sẽ xác định các protein xuất hiện trong máu của người bệnh khi mắc viêm khớp dạng thấp. Các protein này nhắm nhầm mục tiêu vào những tế bào khỏe mạnh và khởi động quá trình viêm. Vì vậy, nếu kết quả xét nghiệm là dương tính thì chứng tỏ người bệnh đang có tình trạng viêm bên trong cơ thể.

- Yếu tố thấp khớp (RF): mức cao (trên 20u/ml).

- Anti-CCP (peptide citrulllic chống chu kỳ): mức cao (trên 20u/ml).

- ANA, hoặc kháng thể kháng nhân: kết quả dương tính hoặc âm tính.

Tuy nhiên không phải tất cả những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp đều có các protein này.

2.4. Các xét nghiệm máu khác

Bên cạnh RF và anti- CCP, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm máu khác, bao gồm:

Công thức máu toàn bộ

Xét nghiệm này giúp bác sĩ phát hiện tình trạng thiếu máu (lượng tế bào hồng cầu thấp) thường gặp ở viêm khớp dạng thấp. Phương pháp này cần xác định 4 yếu tố:

- Bạch cầu: 4,8-10,8

- Hồng cầu: 4.7-6.1

- Huyết sắc tố: 14.0-18.0

- Hematocrit: 42-52

- Tiểu cầu: 150-450

Tốc độ lắng máu

Được thực hiện bằng cách đo tốc độ các tế bào hồng cầu đông lại và rơi xuống đáy của một ống thủy tinh trong vòng một giờ. Xét nghiệm này còn được gọi là tỷ lệ sed. Phạm vi bình thường là:

- Đàn ông dưới 50 tuổi: 0-15 mm/giờ.

- Đàn ông trên 50 tuổi: 0-20 mm/giờ.

- Phụ nữ dưới 50 tuổi: 0-20 mm/giờ.

- Phụ nữ trên 50 tuổi: 0-30 mm/giờ .

Protein phản ứng C

Xét nghiệm này nhằm đo lường mức độ protein mà gan tạo thành khi bị viêm. Kết quả có thể khác nhau giữa các bệnh nhân và giữa các phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, kết quả bình thường sẽ là dưới 1.

2.5. Xét nghiệm hình ảnh

Các xét nghiệm hình ảnh sẽ giúp bác sĩ đánh giá mức độ nghiêm trọng và diễn biến của bệnh.

- X-quang cho biết người bệnh có bao nhiêu tổn thương khớp. Mặc dù tình trạng tổn thương có thể không xảy ra sớm.

- Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm cho hình ảnh chi tiết hơn về các khớp. Những hình ảnh này thường không được sử dụng để chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp. Nhưng chúng có thể giúp ích trong việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh.

2.6. Chẩn đoán phân biệt bệnh viêm khớp dạng thấp

Chẩn đoán phân biệt được thực hiện khi bác sĩ nghi ngờ về khả năng nhầm lẫn giữa các căn bệnh. Bệnh viêm khớp dạng thấp thường bị nhầm lẫn với các dạng viêm khớp tự miễn khác:

- Viêm khớp do virus: Rubella, parvovirus, viêm gan B và C có thể dẫn đến các triệu chứng viêm khớp ngắn hạn giống với viêm khớp dạng thấp.

- Bệnh thấp khớp Palindromic: Viêm khớp định kỳ có nguy cơ dẫn đến viêm khớp dạng thấp, lupus và các bệnh tương tự.

- Đau đa cơ do thấp khớp: Tình trạng này thường phổ biến ở những ngưởi trong độ tuổi 50. Bệnh thường ít gây đau hơn so với viêm khớp dạng thấp và liên quan nhiều đến các bộ phận như vai và hông.

Bài dịch: https://www.webmd.com/rheumatoid-arthritis/diagnosing-ra#1


Tác giả: Thùy Dung