Bệnh hen phế quản có rất nhiều mức độ. Một số trường hợp có thể rất nhẹ và không cần điều trị hoặc điều trị y khoa tối thiểu.
Tuy nhiên, bệnh cũng có thể rất nặng và đe dọa tới tính mạng của người bệnh. Các chuyên gia chia hen suyễn thành 4 mức độ từ nhẹ đến nặng và những mức độ này được xác định bởi tần suất và mức độ nặng của triệu chứng bệnh hen phế quản.
Bệnh hen phế quản được chia thành 4 mức độ, bao gồm:
- Mức độ 1: Hen phế quản độ 1 nhẹ không thường xuyên. Cơn hen đôi lúc xảy ra cơn hen ban ngày 1 lần trong tuần, hoặc có thể xảy ra ban đêm 2 lần trong tháng. Chức năng hô hấp của cơ thể hoạt động bình thường giữa các cơn hen.
- Mức độ 2: Hen nhẹ, dai dẳng. Cơn hen ban ngày xảy ra nhiều hơn 1 lần trong tuần nhưng ít hơn 1 lần trong ngày. Xuất hiện hiện tượng khó thở về đêm hơn 2 lần trong tháng nhưng ít hơn 1 lần trong tuần. Chức năng hô hấp của cơ thể bình thường giữa các cơn hen.
- Mức độ 3: Hen trung bình, dai dẳng. Người bệnh có thể tương đối kiểm soát được cơn hen. Những triệu chứng của bệnh hen phế quản xuất hiện hàng ngày. Cơn hen ảnh hưởng đến hoạt động và giấc ngủ. Bệnh nhân cảm thấy khó thở về đêm ít nhất 1 lần trong tuần. Và chỉ số EV1 - Thể tích khí thở ra tối đa trong giây đầu tiên là 60 % < FEV1 < 80 % .
- Mức độ 4: Hen nặng, dai dẳng. Bệnh nhân cảm thấy khó thở liên tục, xuất hiện các triệu chứng hàng ngày. Cơn hen nặng dần và xảy ra nhiều lần theo thời gian.
Thuốc chống viêm:
Corticoid chống viêm được kết hợp với thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài và chứa trong một bình hít định liều duy nhất được chỉ định để điều trị bệnh hen phế quản. Loại thuốc kết hợp này cho tác dụng hiệp đồng (nghĩa là làm tăng tác dụng của từng thành phần thuốc trong bình) nhờ tác động trên các mặt khác nhau của cơ chế sinh bệnh hen là viêm và co thắt đường thở.
Loại thuốc kết hợp này có hiệu quả điều trị cao hơn so với khi dùng đơn lẻ từng thành phần thuốc. Hiện nay, trên thị trường có dạng phối hợp Salmeterol + Fluticasone propionate (Seretide). Tác dụng phụ của dạng phối hợp này giống như tác dụng phụ của Corticoid hít và giãn phế quản tác dụng kéo dài.
Nhóm cắt cơn:
Nhóm gồm các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh, có hiệu quả duy trì trong 4 đến 6 giờ. Tác dụng của các thuốc này thay đổi rất nhiều tùy theo cơ địa của mỗi người. Các thuốc này có thể sử dụng dạng uống và dạng hít. Các thuốc dạng hít được chứa trong các bình xịt định liều và cho hiệu quả tức thời. Để có hiệu quả cao, bệnh nhân phải biết sử dụng dụng cụ hít đúng cách.
Các thuốc được sử dụng hiện nay là Salbutamol (Albuterol), Terbutaline, Fermoterol, Reproterol...
Tùy theo mức độ của bệnh hen phế quản mà cách điều trị cũng có nhiều khác biệt.
- Mức độ 1: Các triệu chứng hen nhẹ và không thường xuyên thì không cần sử dụng thuốc.
- Mức độ 2: Hen nhẹ và dai dẳng. Cần sử dụng Corticoid dạng hít phối hợp với thuốc cắt cơn khi có cơn hen xảy ra.
- Mức độ 3: Lúc này triệu chứng bệnh xuất hiện nhiều hơn và dai dẳng. Bệnh nhân nên sử dụng corticoid hít (200 – 1000 mcg) phối hợp với thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài.
- Mức độ 4: Hen phế quản độ 4, khi bệnh hen phế quản nặng và dai dẳng. Chỉ định điều trị được đưa ra là Corticoid dạng hít (> 1000 mcg) phối hợp với thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài. Nếu không kiểm soát được cơn hen, kết hợp thuốc phối hợp này với Corticoid uống và giãn phế quản tác dụng kéo dài loại uống.