Các loại thuốc giảm đau cho bệnh nhân ung thư lưỡi

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Các loại thuốc giảm đau cho bệnh nhân ung thư lưỡi
Bệnh nhân bị ung thư lưỡi xuất hiện cảm giác đau đớn gây ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống. Để giải quyết tình trạng này bác sĩ điều trị có thể chỉ định dùng thuốc giảm đau cho bệnh nhân ung thư lưỡi tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của cơn đau.

Thuốc giảm đau cho bệnh nhân ung thư lưỡi bao gồm paracetamol và opioid. Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị cũng giúp giảm kích thước khối u, từ đó làm giảm đau. Các kỹ thuật khác cũng hữu ích trong việc giảm đau như liệu pháp thư gain, lý liệu.

1. Nguyên nhân gây đau trong ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi giai đoạn sớm thường chưa có triệu chứng rõ rệt và các cơn đau chưa xuất hiện. Ở giai đoạn muộn hơn, trên 80% bệnh nhân bị các bệnh ung thư lưỡi có biểu hiện đau đớn. Việc giảm và cắt cơn đau là mong muốn của bệnh nhân, thân nhân cũng như mục đích của các bác sĩ. Với các bệnh nhân ung thư, mức độ đau đớn cũng tỷ lệ thuận với tiên lượng của bệnh.

Đau trong ung thư có thể chia thành bốn nguyên nhân chính:

- Đau do khối ung thư chèn ép vào các tổ chức xung quanh khối u hoặc ở xa khi đã có di căn (75 – 80 %).

- Đau do quá trình điều trị: mổ cắt bỏ khối u, điều trị bằng tia xạ, điều trị bằng hóa chất (15-19%).

- Đau do các thủ thuật xét nghiệm chẩn đoán: lấy máu làm xét nghiệm, nội soi, sinh thiết...

2. Các loại thuốc giảm đau cho bệnh nhân ung thư lưỡi

2.1. Tiêu chí lựa chọn các thuốc giảm đau cho bệnh nhân ung thư lưỡi

Tình trạng bệnh của mỗi người là khác nhau vì vậy bác sĩ sẽ có những lựa chọn các loại thuốc giảm đau riêng cho mỗi bệnh nhân. Sự lựa chọn này có thể ảnh hưởng bởi một số yếu tố:

- Vị trí của cơn đau 

- Mức độ nghiêm trọng của cơn đau

- Kiểu đau

- Cơn đau dai dẳng hay đến và đi nhanh chóng

- Những hoạt động nào làm cho cơn đau tệ hơn

- Những hoạt động nào làm giảm cơn đau

- Loại thuốc người bệnh đang sử dụng

- Ảnh hưởng của cơn đau đến cuộc sống, chẳng hạn khiến người bệnh không ngủ được, hoặc kém ăn, chán ăn…

2.2. Các loại thuốc giảm đau cho bệnh nhân ung thư lưỡi

Một số người đáp ứng tốt hơn với một số loại thuốc giảm đau, do vậy điều trị giảm đau không giống nhau đối với tất cả mọi người. Một số loại thuốc giảm đau cho bệnh nhân ung thư lưỡi bao gồm:

- NSAIDS:

+ Aspirin là thuốc chống viêm giảm đau mạnh, thường dùng để giảm đau xương hoặc đau do viêm.Thuốc kháng viêm không chứa Steroid (NSAID'S) có nhiều loại, trong chăm sóc làm dịu thường sử dụng:

+ Ibuprofen 200 mg-400 mg ngày 3 lần.

+ Naproxen 250 mg-500 mg ngày 2 lần hoặc tọa dược 500 mg hay loại phóng thích chậm 1000 mg.

+ Diclofenac 100 mg-150 mg ngày 3 lần.

+ Indomethacin 25 mg-50 mg ngày 3 lần.

-   PARACETAMOL:  rất quan trọng trong việc kiểm soát cơn đau do ung thư. Nó thường được dung nạp tốt, không ảnh hưởng đến dạ dày và sẽ không làm loãng máu. Nó rất hữu ích để giảm sốt và giảm đau xương, và thường được sử dụng cùng với opioid.

- Opioid – chẳng hạn như codeine, tramadol và morphin.

* Codein:

+) Efferalgan codein (zandol) phối hợp với codein (30 mg codein + 500 mg Paracetamol).

+) Codein photphate viên 30 mg là 1 loại thuốc phiện nhẹ, có tác dụng hiệp đồng giảm đau cùng với Aspirin hay Paracetamol, dùng 60 mg/4-6 giờ, dễ gây bón.

+) Dextroroxyphene thường phối hợp với Paracetamol (Dextro Propoxyphene 30 mg + paractamol 400 mg) được dùng cho cơn đau vừa phải, có tác dụng giảm đau tốt.

* Tramadol: là loại opiod tổng hợp, có tác dụng giảm đau thần kinh trung ương, dùng đường uống có hiệu quả, Tramadol mạnh gấp 2 lần codein viên 50 mg ít gây táo bón.

* Morphin:

+) Morphin phóng thích có kiểm soát (Skennan), phóng thích Morphin từ từ trong một thời gian dài và cho một nồng độ ổn định với liều lượng đều đặn. Skenan có liều 10 mg, 30 mg, 60 mg. Skenan LP 2lần/ngày uống hoặc bơm sonde dạ dày. Viên thuốc phóng thích chậm ít gây nôn ói so với tiêm và kéo dài thời gian làm giảm đau suốt đêm. Thường cho 1 liều từ 8-12 giờ là an toàn. Hiện nay ở Việt Nam chưa có dạng Morphin Sirô.

+) Trong trường hợp sử dụng các thuốc Opioids uống cũng không có tác dụng nữa, để điều trị cơn đau một cách hiệu quả phải dùng Morphin tiêm. Với liều lượng nhỏ được tiêm 4 giờ/lần, 5-10 mg Morphin dưới da. Chuẩn bị đánh giá hiệu quả giảm đau mỗi khi tiêm và tăng dần liều đến khi bệnh nhân hết đau. Tiếp theo sẽ chuyển thành bước điều trị giảm đau có liều lượng kiểm soát được do đã biết liều thuốc thích hợp.

2.3 Lời khuyên sử dụng thuốc giảm đau cho bệnh nhân ung thư lưỡi

- Người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc

- Người bệnh phải dùng liều giảm đau theo lời khuyên của bác sĩ một cách thường xuyên, thay vì chờ khi cơn đau ập tới mới dùng. Nếu cơn đau được quản lý tốt, người bệnh có thể không cần tăng liều lượng, và sẽ giảm tiểu tối đa được tác dụng phụ của thuốc.

- Luôn chuẩn bị đầy đủ thuốc, ít nhất là đủ sử dụng trong 1 tuần.

- Uống đủ thuốc giảm đau cho bệnh nhân ung thư lưỡi trước khi đi ngủ để đảm bảo giấc ngủ không bị gián đoạn. Nếu cần thiết, người bệnh có thể sử dụng báo thức để uống liều tiếp theo, hoặc uống gấp đôi liều để đảm bảo giấc ngủ không bị gián đoạn. Tuy nhiên, tốt nhất cần tuân theo lời khuyên của bác sĩ.

- Thăm khám để được bác sĩ tư vấn thường xuyên, có thể cần tăng hay giảm liều lượng tùy theo tình trạng của bạn.


Tác giả: duongthihue