Các loại thuốc điều trị viêm phế quản cấp và lưu ý sử dụng

Các loại thuốc điều trị viêm phế quản cấp và lưu ý sử dụng
Phần lớn viêm phế quản cấp là do nguyên nhân virus gây nên. Do đó, hầu hết các thuốc điều trị viêm phế quản cấp hiện nay được sử dụng đều là các thuốc điều trị triệu chứng, thuốc kháng sinh chỉ được dùng khi có bội nhiễm xảy ra.

Viêm phế quản cấp là tên bệnh lý dùng để chỉ tình trạng viêm nhiễm nhiễm cấp tính ở niêm mạc phế quản mà trước đó hoàn toàn khỏe mạnh. Viêm phế quản cấp thường biểu hiện bằng các triệu chứng như sốt nhẹ, ho, đau ngực, khó thở, bỏng rát sau xương ức, khạc đờm,...Virus là nguyên nhân gây nên khoảng 90% các trường hợp viêm phế quản cấp.

Viêm phế quản cấp tính đơn thuần thường có thể khỏi mà không cần điều trị nguyên nhân gây bệnh. Do đó, các loại thuốc điều trị viêm phế quản cấp được sử dụng trên thực tế vẫn chủ yếu là các loại thuốc có tác dụng điều trị triệu chứng của bệnh lý này.

Những loại thuốc điều trị viêm phế quản cấp thường được sử dụng hiện nay:

1. Thuốc điều trị viêm phế quản cấp nhóm giảm ho

Nhóm thuốc giảm ho là nhóm thuốc có thể được sử dụng trong điều trị viêm phế quản cấp nếu bệnh nhân có ho nhiều. Hai loại thuốc giảm ho thường được sử dụng cho bệnh nhân trong điều trị viêm phế quản cấp hiện nay là terpin codein và dextromethorpan.

- Terpin codein là thuốc giảm ho tác dụng trung ương, có chưa codein là một dẫn xuất của morphin. Nên nếu sử dụng trong thời gian kéo dài có thể gây nghiện thuốc.

- Dextromethorpan: Có tác dụng giảm ho tương tự nhu codein, tuy nhiên không có tác dụng phụ gây nghiện. Đây cũng là loại thuốc giảm ho được khuyến cáo sử dụng nhiều hơn codein bởi không gây nghiện, dùng được cho trẻ em và sử dụng không cần kê đơn.

2. Nhóm thuốc long đờm

Trong điều trị viêm phế quản cấp, sự tăng tiết đờm có thể gây nên cản trở ở đường thở của người bệnh. Do đó nếu bệnh nhân có nhiều đờm dãi thì có thể cho bệnh nhân sử dụng nhóm thuốc long đờm để thông thoáng đường thở cho người bệnh.

Ảnh 3.

Thuốc long đờm có thể gây buồn ngủ ở một số trường hợp (Ảnh: Internet)

Loại thuốc long đờm thường được sử dụng hiện nay là acetylcystein với liều 200mg x 3 lần/ngày. Thuốc có độ an toàn tương đối cao, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể gây buồn nôn, buồn ngủ, nhức đầu, ù tai, chảy nước mũi, phát ban,...

3. Thuốc giãn phế quản

Nếu bệnh nhân viêm phế quản cấp có hiện tượng co thắt xảy ra ở phế quản thì nhóm thuốc điều trị viêm phế quản giảm co thắt có thể được sử dụng. Loại thuốc thường được sử dụng để giãn phế quản cho bệnh nhân là thuốc cường hệ adrenergic, đại diện là salbutamol (bình hít, khí dung, viên uống).

4. Thuốc hạ sốt

Thông thường, sốt trong viêm phế quản cấp thường là sốt nhẹ chỉ khoảng 38oC nên việc sử dụng thuốc điều trị viêm phế quản cấp nhóm hạ sốt là điều không cần thiết, bệnh nhân có thể được hạ nhiệt bằng các phương pháp vật lý như lau mát,...

Tuy nhiên nếu bệnh nhân có sốt cao (nhiệt độ >38,5oC) thì việc sử dụng thêm thuốc điều trị viêm phế quản cấp nhóm hạ sốt là điều cần thiết. Paracetamol là thuốc hạ sốt thường được dùng hiện nay.

Ảnh 5.

Nếu sốt trên 38,5 độ C thì có thể chỉ định thuốc hạ sốt cho người bệnh (Ảnh: Internet)

5. Thuốc kháng sinh trong điều trị viêm phế quản

Đối với viêm phế quản đơn thuần do virus gây nên, kháng sinh sẽ không cần thiết được sử dụng như một thuốc điều trị viêm phế quản cấp tính. Tuy nhiên khi bệnh nhân sốt trên 7 ngày hoặc có các dấu hiệu bội nhiễm (đờm vàng mủ, hội chứng nhiễm trùng nhiễm khuẩn,...) thì kháng sinh có thể được chỉ định.

Các nhóm kháng sinh thường được chỉ định dựa trên đặc điểm sinh học của vi khuẩn gây bệnh và đặc điểm kháng kháng sinh tại địa phương. Việc điều trị kháng sinh là lý tưởng nhất khi điều trị dựa trên kháng sinh đồ của vi khuẩn, nhưng trong trường hợp chưa có kháng sinh đồ thì người ta thường sử dụng kháng sinh nhóm betalactam, cephalosporin thế hệ 1 và kháng sinh macrlid.

Trên đây là giới thiệu sơ lược về các nhóm thuốc có thể được sử dụng để làm thuốc điều trị viêm phế quản cấp. Việc sử dụng thuốc điều trị viêm phế quản cấp cần được dựa trên chỉ định của bác sĩ sau khi thực hiện thăm khám để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị.


Tác giả: QN