Các loại thuốc điều trị loãng xương và những lưu ý về cách sử dụng

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Các loại thuốc điều trị loãng xương và những lưu ý về cách sử dụng
Hiện nay, biện pháp điều trị bệnh loãng xương bằng thuốc Tây y được nhiều bệnh nhân lựa chọn. Tuy nhiên, song song với việc sử dụng thuốc điều trị loãng xương, người bệnh cũng cần tăng cường thêm canxi, vitamin D qua thực phẩm và viên uống bổ sung, tắm nắng và tập thể dục để lượng canxi lắng đọng vào xương nhiều hơn.

Với phương pháp điều trị loãng xương bằng thuốc, bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc có tác dụng làm chậm lại quá trình giảm mật độ xương. Các thuốc làm giảm chứng loãng xương gồm có Alendronate (Fosamax), Ibandronate (Boniva), Risedronate (Actonel, Atelvia)...

1. Tìm hiểu các loại thuốc điều trị loãng xương phổ biến

Alendronate (Fosamax)

Fosamax là một loại thuốc giúp hỗ trợ điều trị bệnh loãng xương nên đối tượng mà loại thuốc này hướng tới chính là những người có dấu hiệu bệnh loãng xương, xương yếu do thiếu hụt canxi và vitamin D cần phục hồi chức năng xương. Tuy nhiên, loại thuốc này phù hợp nhất với đối tượng người bệnh loãng xương là phụ nữ đang bước vào thời kỳ mãn kinh.

Thuốc Fosamax được bào chế từ các thành phần rất có lợi cho quá trình chống lão hóa và tái tạo xương của cơ thể. Loại thuốc này có chứa Alendronate Natri Trihydrate là một thành phần có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa xương, kích thích sự tái tạo xương mới và giúp làm giảm nguy cơ bị gãy xương do bệnh loãng xương.

Ibandronate (Boniva)

Ibandronate được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị loãng xương. Thuốc hoạt động bằng cách làm chậm sự mất xương, giúp duy trì xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương. Lưu ý là chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý khác khi có chỉ định của bác sĩ.

Risedronate

Risedronate là một dạng mới của Bisphosphonates có công dụng làm chậm quá trình loãng xương, phòng ngừa hiện tượng gãy xương; dùng trong điều trị bệnh Paget (một dạng viêm xương hiếm gặp). Thuốc được sử dụng cho cả nam và nữ giới có biểu hiện đau nhức xương khớp do mật độ xương suy giảm.

Sử dụng thuốc Risedronate cho các bệnh nhân loãng xương (phụ nữ sau mãn kinh) đã cho thấy nhưng kết quả khả quan khi mật độ khoáng xương ở người bệnh tăng, trong khi tỉ lệ bị gãy xương thấp hơn so với sử dụng giả dược để trị bệnh.

Người bệnh cũng ít bị đau nhức xương khớp, hiện tượng châm chích cũng giảm hẳn, có thể sinh hoạt và vận động dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không phải đối tượng nào dùng Risedronate cũng cho hiệu quả, khá nhiều trường hợp người bệnh sau dùng thuốc một thời gian mà không thấy bệnh có tiến triển, thậm chí gặp phải tác dụng phụ của thuốc.

Raloxifene (Evista)

Một loại thuốc điều trị loãng xương khác là Raloxifene (Evista) có công dụng như estrogen trong việc duy trì khối lượng xương. Các nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc này không làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú hoặc ung thư tử cung như estrogen nhưng Evista có thể tạo ra các cục máu đông và thường gây cảm giác nóng bừng.

Teriparatide (Forteo) 

Teriparatide (Forteo) là thuốc điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh và cho nam giới có nguy cơ gãy xương cao. Đây là dạng nhân tạo của hormon tuyến cận giáp. Các bác sĩ chỉ kê cho bạn loại thuốc này khi thấy bạn sẽ thu được nhiều lợi ích hơn là rủi ro khi sử dụng thuốc. Tác dụng phụ của nó bao gồm buồn nôn, chân bị chuột rút và chóng mặt. Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư xương thì tuyệt đối không nên dùng thuốc này.

Denosumab (Prolia)

Ngoài các loại thuốc điều trị loãng xương nêu trên thì còn có một loại thuốc sinh học điều trị bệnh loãng xương là Denosumab (Prolia). Loại thuốc này sẽ chấm dứt quá trình rạn nứt xương. Đây là một lựa chọn thích hợp dành cho phụ nữ mãn kinh bị loãng xương và có nguy cơ gãy xương cao, hoặc khi các loại thuốc loãng xương khác không có hiệu quả.

Calcitonin

Calcitonin có tác dụng làm tiêu giảm canxi ở xương và làm giảm nồng độ canxi huyết thanh, đối lập với tác dụng của hormon cận giáp. Calcitonin cùng với vitamin D và hormon cận giáp là ba chất chính điều hòa canxi huyết và chuyển hóa xương. Calcitonin tương tác với hai chất nói trên và ức chế tiêu xương, như vậy làm hạ canxi huyết.

Calcitonin thường được chỉ định trong điều trị loãng xương, đau xương kết hợp với hủy xương và/hoặc giảm xương, bệnh Paget xương (viêm xương biến dạng), tăng canxi huyết, bệnh loạn dưỡng thần kinh do các nguyên nhân và yếu tố thuận lợi khác nhau như loãng xương đau nhức sau chấn thương, loạn dưỡng phản xạ thần kinh giao cảm...

Ngoài các loại thuốc kể trên, mỗi năm một lần bạn cũng nên truyền axit zoledronic (Reclast). Loại thuốc này giúp tăng cường độ cứng của xương và giảm nguy cơ gãy xương hông, xương sống, xương cổ tay, xương cánh tay, xương chân và xương sườn.

2. Điều trị loãng xương bằng liệu pháp hormon thay thế

Liệu pháp hormone thay thế (HRT) thời kỳ mãn kinh – hoặc chỉ thay thế estrogen hoặc kết hợp estrogen với progestin – được biết đến là một biện pháp giúp bảo vệ xương và ngăn ngừa gãy xương. Thuốc Duavee (estrogen và bazedoxifene) là một loại HRT điều trị chứng nóng bừng liên quan đến mãn kinh. Nó cũng có thể ngăn ngừa bệnh loãng xương ở những phụ nữ có nguy cơ loãng xương cao đã thử liệu pháp điều trị không bao gồm estrogen.

Tuy nhiên, bác sĩ sẽ không kê thuốc này chỉ để điều trị loãng xương bởi nó có thể gây ra nhiều nguy cơ. Ở những phụ nữ đã từng được điều trị HRT và đã ngưng sau đó, mật độ xương của họ bắt đầu giảm trở lại với tốc độ như cũ trong thời kỳ mãn kinh.

Trên đây là một số thông tin về phương pháp điều trị loãng xương bằng thuốc. Người bệnh lưu ý tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị khi chưa có sự chỉ định, tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, tránh trường hợp gặp phải các tác dụng phụ nguy hiểm.


Tác giả: An Di